Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, về cổ phần hóa DNNN, đến hết năm 2017, cả nước còn 583 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, sẽ thực hiện cơ cấu lại, Nhà nước chỉ nắm 100% vốn điều lệ tại 103 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong 11 lĩnh vực. Cùng với đó, trong giai đoạn 2017-2020 thực hiện thoái vốn khoảng 60.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại DN. Sau quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN, tính hết quý 2/2019 mới có 35/127 DNNN trong danh mục được duyệt đã thực hiện cổ phần hóa, đạt tỷ lệ 27,5%.
Các DNNN sau khi được cổ phần hóa, thoái vốn tiếp tục tăng trưởng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Tuy nhiên, tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra rằng tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn tại các DNNN vẫn còn chậm. Những nguyên nhân của sự chậm trễ này, một phần là do vướng mắc ở các quy định pháp lý, phần khác là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nêu ra những khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 12 mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận cho rằng cần đánh giá rõ vai trò vị trí của DNNN trong giai đoạn hiện nay. Ông nêu thực tế đánh giá của xã hội đối với DNNN chưa toàn diện, đúng đắn.
“12 dự án yếu kém ngành công thương như “con sâu làm rầu nồi canh", không phải DNNN nào cũng vậy”, ông đại diện Tập đoàn cao su nói.
Ông Trần Ngọc Thuận nhất trí với quan điểm chỉ giữ lại những DNNN trong lĩnh vực trọng yếu, nhưng đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của DNNN cần phải đầy đủ hơn, có xem xét tới cả yếu tố lịch sử .
“Có một số dự án ở giai đoạn đầu gặp khó khăn thì doanh nghiệp tư nhân không đầu tư. DNNN đi đầu sẽ gặp vướng mắc, hạn chế hơn, đến khi cơ hội rõ ràng hơn thì doanh nghiệp tư nhân mới vào”, ông Thuận phân tích.
Có cùng quan điểm, ông Hoàng Đức Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng: DNNN vẫn bị định kiến là yếu kém trong khi vừa phải kinh doanh hiệu quả vừa phải đóng góp, thực hiện những nghĩa vụ khác mà nhà nước giao. Trên thực tế các DNNN đã có nhiều nỗ lực góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Tập đoàn VNPT hiện nay cũng tập trung nâng cao năng lực quản trị theo hướng hiện đại, tái cơ cấu, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh .
Còn Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) Phạm Xuân Cảnh chỉ ra công tác thực hiện Nghị quyết 12 của các cơ quan liên quan còn chậm trễ, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các khung khổ pháp lý như Luật Dầu khí hiện tại đã lỗi thời và có chủ trương sửa đổi cách đây 5 năm nhưng vẫn chưa được sửa đổi dẫn đến việc triển khai các dự án lớn gặp khó khăn.
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi từ đại diện lãnh đạo DNNN, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị các lãnh đạo DNNN cùng tiếp tục làm rõ Nghị quyết, nêu trúng những khó khăn vướng mắc để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
|
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương trao đổi ý kiến tại Hội nghị. Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Về các giải pháp đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 12-NQ/TW, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Thời gian tới cần tập trung rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật theo chương trình, kế hoạch đề ra, tạo bước đột phá và hoàn thiện đồng bộ hơn hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện các biện pháp nhằm tránh thất thoát vốn Nhà nước, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa; nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa…
Ông Nguyễn Văn Bình thẳng thắn cho rằng vẫn có trường hợp tuyên truyền phổ biến học tập Nghị quyết còn chưa tốt, sự phối hợp lẫn nhau trong triển khai thực hiện giữa các bên có nhiều khâu còn bất cập.
Chính vì đánh giá, tuyên truyền chưa đầy đủ, các nội dung chưa gắn kết với các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị, nên có tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp có tâm lý “phổ biến tôi nghe vậy, nhưng còn việc sản xuất kinh doanh thì việc tôi làm ăn như thế nào, tôi cứ phải lo trước”.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống phổ biến học tập Nghị quyết cần phải làm sao để người nghe chú ý, thấm, hiểu và có tương tác; khâu kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm cần được thực hiện nhất quán, nghiêm túc.
“Người đứng đầu cấp uỷ ở các doanh nghiệp không chỉ nắm vững nghị quyết mà cần nắm sâu sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Qua phối hợp điều hành doanh nghiệp soi chiếu thực hiện nắm rõ doanh nghiệp đã thực hiện đến đâu, điều gì chưa đạt theo đúng theo tinh thần nghị quyết của Đảng”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương lưu ý.
Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của DNNN, coi đây là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội cũng như vai trò then chốt của doanh nghiệp nhà nước có nghĩa là DNNN chỉ tập trung vào những lĩnh vực thiết yếu, an ninh, quốc phòng, những lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân không đầu tư mà xã hội cần.
“Các doanh nghiệp cần tự tin, có nhận thức đúng về kinh tế nhà nước, DNNN; nhận diện được những việc khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ để từ đó đề xuất những cơ chế chính sách giúp cho các doanh nghiệp nhà nước nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung thực hiện tốt vị trí, vai trò của mình. Những ý kiến đóng góp đề xuất của doanh nghiệp cũng góp phần vào việc xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII một cách rõ ràng, thiết thực hơn, giúp cho việc triển khai trong thời gian tới đạt được kết quả theo các yêu cầu của Nghị quyết đã đề ra”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh với lãnh đạo các DNNN.
Huy Thắng