Ngày 6/6, tại tỉnh Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương (khu vực phía Bắc) đối với dự thảo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thành viên Ban Chỉ đạo; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận Hội nghị. |
Tham dự Hội nghị có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng đề án; đại diện lãnh đạo các ban Đảng, Đảng đoàn, Ban Cán sự đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; đại diện Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy và đại diện Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy (28 địa phương khu vực phía Bắc); thành viên Tổ Biên tập; các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí làm công tác thực tiễn và đại diện một số vụ chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội Chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nhấn mạnh, tại hội nghị này, trên cơ sở các dự thảo tài liệu Đề án đã gửi, các đại biểu cần tập trung trao đổi, thảo luận vào 3 nội dung quan trọng là: Ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian qua; quan điểm, mục tiêu, đột phá, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
|
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội Chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Những vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau liên quan nhiều đến địa phương, như: Mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền; đổi mới pháp luật bầu cử; hoàn thiện cơ chế thực hiện trưng cầu ý dân; tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; chuyển Viện Kiểm sát thành Viện Công tố; kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam...
Tại Hội nghị, Tổ Biên tập đã báo cáo tóm tắt về tiến độ xây dựng Đề án, ngay sau khi được thành lập, từ tháng 5/2021 đến nay, Ban Chỉ đạo đã khẩn trương tổ chức nhiều hoạt động để chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án: Xây dựng Kế hoạch; phân công các cơ quan nghiên cứu, xây dựng 27 báo cáo Chuyên đề; thành lập Tổ Biên tập, Nhóm Biên tập xây dựng Đề án làm việc tập trung, giao Ban Nội chính Trung ương làm cơ quan thường trực, giúp Ban Chỉ đạo điều phối hoạt động của các cơ quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công; đã tổ chức thành công 03 Hội thảo quốc gia, 06 cuộc Tòa đàm chuyên sâu; huy động hơn 600 lượt đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học pháp lý hàng đầu của đất nước, cán bộ làm công tác thực tiễn có kinh nghiệm, tâm huyết (đã nghỉ hưu và đương chức) tham gia trao đổi, thảo luận, góp ý cho việc xây dựng Đề án.
Từ kết quả nghiên cứu các báo cáo Chuyên đề của các cơ quan, ý kiến góp ý của đại biểu tại các Hội thảo, Tọa đàm; bám sát Cương lĩnh của Đảng; Hiến pháp của đất nước qua các thời kỳ; các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Tổ Biên tập xây dựng dự thảo tài liệu Đề án; tổ chức 02 Phiên họp để cho ý kiến. Về cơ bản, dự thảo Đề án qua các lần tiếp thu, chỉnh sửa đã đạt được sự đồng thuận cao của các thành viên Ban Chỉ đạo. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề mới, quan trọng, còn có ý kiến khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để đi đến thống nhất.
Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đánh giá cao Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng Dự thảo Đề án có hàm lượng khoa học cao, có chất lượng cả về cơ sở lý luận và thực tiễn. Góp ý vào Dự thảo Đề án, các tỉnh ủy, thành ủy nêu một số vấn đề xuất phát từ thực tiễn như: Cần đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm hơn nữa cho các địa phương gắn với giám sát thực thi công vụ và gắn với trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản trị điều hành để nhân dân giám sát gắn với chuyển đổi số quốc gia, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, kịp thời, thống nhất, lấy quyền lợi hợp pháp của người dân làm trung tâm; nâng cao chất lượng các văn bản luật và giảm các can thiệp mang tính hành chính; hình thành cơ chế và cơ sở pháp lý đầy đủ hơn về mô hình chính quyền đô thị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Dự thảo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc và trách nhiệm. Hội nghị này là lần đầu tiên Ban Chỉ đạo đưa Dự thảo Đề án lấy ý kiến của các địa phương; có sự tham dự của lãnh đạo 28 tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Chủ tịch nước đánh giá, các ý kiến đóng góp tại hội nghị thể hiện sự tâm huyết, sát sao đối với nội dung Đề án; trong đó có nhiều ý tưởng mới, đóng góp vào quan điểm, mục tiêu, đột phá, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
|
Hình ảnh tại Hội nghị. |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các ý kiến tại hội nghị thể hiện sự thống nhất với Dự thảo Đề án; nhìn nhận Dự thảo Đề án được xây dựng công phu, nghiêm túc, bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp 2013; đồng thời bày tỏ sự cấp thiết xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề phân cấp giao quyền gắn với quản lý thống nhất; gắn liền với kiểm tra, giám sát.
Các ý kiến cũng cơ bản thống nhất và khẳng định các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từ nay đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 được thể hiện khá rõ và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao. Ba đột phá chiến lược trong dự thảo Đề án được xác định đúng trọng tâm, thực sự là khâu then chốt cần tập trung thực hiện để tạo được bước chuyển biến trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến góp ý rất thẳng thắn, trách nhiệm về những vấn đề cần được nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo Đề án.
Chủ tịch nước cho rằng, những vẫn đề được nêu ra lần này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị tại địa phương; phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta lãnh đạo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án yêu cầu các đồng chí thường trực các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu Đề án, phổ biến, quán triệt trong cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức về chủ trương, mục tiêu, định hướng, tầm quan trọng và tính tất yếu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Sau hội nghị này, Tổ Biên tập cần khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo, tài liệu của Đề án, đồng thời tiếp tục chuẩn bị 2 hội nghị xin ý kiến tỉnh ủy, thành ủy tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam./.