Hàng ngày, từ lúc 4 giờ, ông dành hơn 1 giờ đi bộ dọc bên các phần mộ của các Anh hùng Liệt sĩ trong nghĩa trang, vừa để kiểm tra vừa để luyện tập thể dục, rèn luyện sức khỏe bản thân.
Trừ thời gian phụ giúp gia đình làm ruộng, hầu hết thời gian trong ngày ông dành để chăm sóc các phần mộ của các Anh hùng Liệt sĩ, hướng dẫn các cháu học sinh, các đoàn viên, thanh niên… tổ chức nhổ cỏ, phát quang trong khuôn viên nghĩa trang.
Ông Nguyễn Phiếu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong cho biết: Từ khi ông Phan Tư Kỳ tình nguyện làm quản trang chăm sóc phần mộ của các Anh hùng Liệt sĩ trong nghĩa trang xã, thân nhân của các liệt sĩ ở trên địa bàn xã và ở các địa phương khác rất yên tâm về nơi yên nghỉ an lành, sạch đẹp và trang nghiêm của thân nhân mình.
Mỗi khi có các đoàn về tìm kiếm hài cốt các anh hùng liệt sĩ trong xã, ông lại tận tình giúp đỡ, đến tận nơi để tìm kiếm cất bốc. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh xa đến được ông hỗ trợ ăn ở trong nhà cho đến khi cất bốc xong hài cốt của thân nhân.
Cựu chiến binh Phan Tư Kỳ làm các công việc nghĩa cử trên hoàn toàn xuất phát từ truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc chứ không hề có lương, ngoài khoản tiền hỗ trợ từ 100 - 200 ngàn đồng/tháng của Ủy ban nhân dân xã Triệu Trạch để thắp hương, hoa trên các phần mộ liệt sĩ trong các ngày mồng một, ngày rằm theo truyền thống của dân tộc.
Nhiều khi, ông còn bỏ tiền riêng ra để đón tiếp các đoàn đến thăm viếng các Anh hùng Liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang, sửa chữa lại các phần mộ bị hư hỏng. Từ năm 1997 - 2004, ông đã giúp các gia đình quy tập được 50 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong địa bàn huyện qua trí nhớ của bản thân trong những ngày tham gia chiến đấu tại địa phương.
Cựu chiến binh Phan Tư Kỳ sinh năm 1953 tại thôn Long An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1968, khi mới 15 tuổi, ông bị địch bắt giam 9 tháng khi đang làm tại Văn phòng Ủy ban kháng chiến xã Triệu Trạch với tội danh “Tình nghi hoạt động cho Cộng sản”.
Là một người yêu nước và kiên trung nên sau khi được địch tha, ông tiếp tục tham gia hoạt động cơ sở tại địa phương, kinh qua nhiều vị trí, Chỉ huy Xã đội Triệu Trạch chiến đấu 67 trận đánh ở chốt Long Quang và phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu 17 trận trên địa bàn xã, qua đó đã cùng với đồng đội và bộ đội chủ lực tiêu diệt tổng cộng trên 800 tên địch, bắn cháy 18 chiếc xe tăng, bọc thép và 3 máy bay địch.
Hòa bình lập lại, cựu chiến binh Phan Tư Kỳ được Đảng bộ giao nhiệm vụ và nhân dân tín nhiệm bầu giữ các vị trí: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Triệu Trạch, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thành Công, xã Triệu Trạch; Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trạch; Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Triệu Hải (gồm các huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị ngày nay),…
Trong cuộc sống hàng ngày, cựu chiến binh Phan Tư Kỳ thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trong xã, cũng vì thế mỗi khi có việc cần hỏi ý kiến, Phan Tư Kỳ là cái tên đầu tiên được người dân nhớ đến. Các hộ dân ở quanh nơi gia đình cựu chiến binh Phan Tư Kỳ sinh sống cho biết, trong cuộc sống hàng ngày, ông Kỳ là người hòa đồng, hiểu biết và tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai khi cần.
Cựu chiến binh Phan Tư Kỳ là tấm gương sáng về đức tính hăng say lao động, rèn luyện đạo đức… để các hộ dân trong thôn, xã noi theo.
Trịnh Bang Nhiệm (TTXVN)