Lạng Sơn cần có chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội 

(ĐCSVN) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: Đảng bộ Lạng Sơn cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về tình hình và bối cảnh chung, những thuận lợi và khó khăn riêng của một tỉnh miền núi, biên giới đi lên từ nông, lâm nghiệp, nhưng cũng có rất nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, từ đó đề ra mục tiêu, yêu cầu, xác định nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá. Tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng 25/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt tỉnh Lạng Sơn về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. 

Cùng đi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; các Bí thư Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; các Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng Ban Đối Ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh; Tư lệnh Quân khu 1, Trung tướng Nguyễn Hồng Thái và đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương.

Nhiều chuyển biến tích cực sau nửa nhiệm kỳ

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn báo cáo với Tổng Bí thư và Đoàn công tác kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; nhiều thách thức mới, gay gắt hơn so với dự báo. Trong bối cảnh đó, với ý chí và quyết tâm cao, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa bằng 7 chương trình và 3 giải pháp đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, đồng thời tranh thủ thời cơ, thuận lợi để tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đạt kết quả khá tốt và dự kiến sẽ cơ bản đạt và vượt mức một số chỉ tiêu, nhiệm vụ.

Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Ngoài việc tuyên truyền giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực công tác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tỉnh ủy cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung khảo sát, nghiên cứu xây dựng tổ chức bộ máy, đồng thời đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi bộ đảng, các tổ chức chính trị xã hội và người tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt tỉnh Lạng Sơn

Qua nửa nhiệm kỳ đại hội, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đều tăng trưởng và tiến bộ hơn nhiệm kỳ trước. Cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (GRDP) giai đoạn 2021 - 2022 đạt 6,95%, cao hơn 1,5% so với bình quân của nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ trước bình quân đạt 5,45%). Thu ngân sách đều tăng mỗi năm và vượt chỉ tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021 - 2022 đạt 49,26 triệu đồng, tăng 29,3% so với giai đạn 2015 - 2020 (trung bình giai đoạn 2015 - 2020 là 38,1 triệu đồng)…

Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được tập trung đẩy mạnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra nghị quyết lãnh đạo và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật, như: Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên xây dựng Cửa khẩu số kiểu mẫu, là 1 trong 2 đơn vị được nhận giải thưởng VietSolutions 2022 - Bài toán và giải pháp chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương; đứng thứ 6 toàn quốc về chuyển đổi số; đứng thứ 5 toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ xử lý dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 81,77%)…

Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Lạng Sơn đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tăng 34 bậc so với năm 2020, tăng 21 bậc so với năm 2021. Đặc biệt, năm 2022, Lạng Sơn đứng thứ 2 cả nước về chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).

Công tác an sinh xã hội luôn được tỉnh quan tâm chăm lo ngày càng tốt hơn. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm lãnh đạo thường xuyên, mức đầu tư mỗi năm đều tăng cao, đặc biệt là việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được đầu tư tăng gấp gần 2 lần so với cả nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Lạng Sơn luôn chú trọng củng cố quốc phòng an ninh; thực hiện tốt công tác đối ngoại, trong đó tăng cường hợp tác với Quảng Tây (Trung Quốc)…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển của tỉnh. Chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn có những hạn chế về năng lực, trình độ; chưa gương mẫu, thiếu tinh thần trách nhiệm, thậm chí còn vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp, nhất là an ninh biên giới, an ninh nông thôn, còn có tình trạng khiếu kiện tập trung đông người...

Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã phát biểu, làm rõ hơn một số vấn đề về kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, công tác chuyển đổi số; tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ địa phương; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và công tác tiếp công dân….

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đạt được trong thời gian qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện cùng cán bộ, đảng viên tỉnh Lạng Sơn. 

Tổng Bí thư đánh giá cao tập thể lãnh đạo tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế của tỉnh; đồng thời lưu ý các đồng chí lãnh đạo tỉnh cần tiếp tục phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan để đề ra các giải pháp phù hợp, quyết tâm khắc phục cho bằng được trong thời gian tới.

Tổng Bí thư hoan nghênh trong báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW mới đây của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Về phương hướng thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Đảng bộ Lạng Sơn cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về tình hình và bối cảnh chung, những thuận lợi và khó khăn riêng của một tỉnh miền núi, biên giới đi lên từ nông, lâm nghiệp, nhưng cũng có rất nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, từ đó đề ra mục tiêu, yêu cầu, xác định nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá. Tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh cần xác định rõ, phát triển kinh tế cửa khẩu không chỉ để phát triển kinh tế của tỉnh mà quan trọng hơn là để góp phần phát triển kinh tế của cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc, đồng thời tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị, tin cậy với nước bạn Trung Hoa.

Nhấn mạnh Lạng Sơn là một vùng đất vừa thơ mộng vừa trữ tình, có nền văn hóa rất đa dạng, phong phú với những nét đặc trưng riêng hiếm có, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa hơn nữa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội. Tất cả những thế mạnh, tiềm năng đó cần được khai thác, phát huy, với tinh thần lấy người dân làm trung tâm để từ đó giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tổng Bí thư lưu ý, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; lãnh đạo công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là đối với nhân lực ở nông thôn, miền núi, vùng triển khai nhiều dự án đầu tư mới. Tỉnh cần thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, với đồng bào dân tộc, vấn đề an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững; để đời sống của các gia đình chính sách, người có công, các hộ nghèo, đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Tổng Bí thư chỉ rõ, tỉnh Lạng Sơn cần tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực theo những định hướng lớn mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra; đặc biệt chú ý quan tâm tập trung làm tốt công tác cán bộ. Có quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, cho cả trước mắt lẫn lâu dài; chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, tăng cường phối hợp với các tỉnh bạn và các bộ, ngành Trung ương nhằm huy động cao nhất và sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tỉnh xác định rõ vai trò, vị trí, tiềm năng, thế mạnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội; coi trọng việc liên kết vùng để tạo động lực cho phát triển; xây dựng Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, sớm trở thành tỉnh có dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Lạng Sơn với trọng trách là "phên giậu quốc gia" về quốc phòng, an ninh, đồng thời cũng là "phên giậu về kinh tế", bảo vệ vững chắc thị trường nội địa cũng chính là bảo vệ chủ quyền, an ninh kinh tế của đất nước. Tổng Bí thư yêu cầu Lạng Sơn phải đặc biệt coi trọng chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Tỉnh thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển; chủ động thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tỉnh Lạng Sơn cần chăm lo đầy đủ, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nhất là phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, trước hết là đoàn kết nội bộ trong các cấp ủy, chính quyền và đặc biệt đoàn kết trong Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, từ đó lan tỏa, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc. Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", đồng thời bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…

Đối với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Tổng Bí thư yêu cầu Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp, gửi các bộ, ban, ngành có liên quan theo chức năng, thẩm quyền nhiệm vụ của mình sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với Lạng Sơn để giúp tỉnh giải quyết cụ thể với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất để Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.

Đồng chí Tổng Bí thư tin tưởng và mong rằng với truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng vẻ vang của quê hương đang trên đà phát triển cùng với ý chí tự lực tự cường khát vọng vươn lên mạnh mẽ tinh thần năng động sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, phấn đấu hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra để xây dựng quê hương Lạng Sơn ngày càng giàu, đẹp, văn minh, Nhân dân có cuộc sống ấm no, vui tươi, hạnh phúc./.

 
Nhóm PV
488 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 802
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 804
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87034060