Lặng lẽ lớp học xóa mù chữ nơi vùng biên Quảng Trị 

Lặng lẽ lớp học xóa mù chữ nơi vùng biên Quảng Trị Lớp học đặc biệt do các chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng (Quảng Trị) phối hợp với Hội LHPN xã A Dơi tổ chức đã trở thành điểm đến ý nghĩa giúp chị em phụ nữ dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thoát nạn mù chữ.

Cuộc sống đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở xã A Dơi (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) chủ yếu dựa nương rẫy nên bao nhiêu năm nay việc học con chữ là điều rất khó thực hiện.

Thấu hiểu điều đó, các cán bộ, chiến sĩ tại đồn biên phòng Ba Tầng và thành viên Hội LHPN xã A Dơi đã nỗ lực không biết mệt mỏi để tổ chức lớp học xóa mù chữ cho đồng bào.

Nhưng để làm được điều đó thật chẳng mấy dễ dàng. Từ những ngày đầu mở lớp, các chiến sĩ đã phải phối hợp với các ban ngành địa phương miệt mài gõ cửa từng nhà vận động dân bản đến lớp.

279471152_1013013449609205_7546315108143447868_n

Lớp học xóa mù chữ do chiến sỹ Đồn Biên Phòng Ba Tầng và Hội LHPN xã A Dơi tổ chức

Chị Hồ Thị Nữ, Chủ tịch Hội LHPN xã A Dơi cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị phối hợp mở lớp xóa mù chữ cho chị em phụ nữ trên địa bàn. Lớp học này đi vào hoạt động từ tháng 10/2021 và đã thu hút khoảng 60 người là các chị, các mẹ trên địa bàn tham gia, học vào buổi tối từ 19h các ngày thứ 3, 5, 7.

"Lúc đầu vận động khó khăn nhưng sau đó các chị, các mẹ đã tham gia rất nhiệt tình, hăng hái. Một số chị em dù ở xa nhưng chưa lần nào vắng mặt, đến muộn. Bản thân tôi muốn các học viên ai cũng biết đọc, biết viết, biết nhận diện được mặt chữ và mặt số, sớm thông thạo tiếng Việt áp dụng vào cuộc sống thường ngày”, chị Nữ tâm sự.

Chị Hồ Thị Nữ trước đây là giáo viên tiểu học nên việc giảng dạy trên lớp tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, các học viên đa phần đã lớn tuổi và bận công việc nhà nên khả năng nắm bắt, tiếp thu bài gặp nhiều khó khăn dẫn đến kết quả chưa thực sự như mong muốn.

279290644_533706971465656_8574564574590332975_n

Những người tham gia lớp học đa phần là những phụ nữ đã lớn tuổi

Vừa về đến nhà sau một ngày lên rẫy làm việc vất vả, chị Ta Phốc (38 tuổi, thôn Prin Thành, xã A Dơi) bắt tay ngay vào chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Vừ thoăn thoắt việc nhà chị Phốc cho hay, tối còn đi học chữ nên phải chuẩn bị cơm sớm để kịp giờ đến lớp.

Chị Phốc tâm sự, chị sinh ra tại Lào, lấy chồng tại xã A Dơi nên chuyển quốc tịch Việt Nam. Do sinh ra và lớn lên tại Lào nên chị không thể đọc, viết được tiếng Việt khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Trước đó, bản thân rất muốn đi học tiếng Việt nhưng không ai dạy, do đó khi nghe tin có lớp “xóa mù chữ” này chị đã đăng ký tham gia ngay.

“Được các anh Bộ đội Biên phòng, chị Chủ tịch Hội LHPN dạy chữ, dạy viết cho mình vui lắm và sẽ cố gắng học thật tốt để có thể về xuôi tìm một công việc để làm nâng cao thu nhập cho gia đình”, chị Phốc cho biết.

Nhà cách lớp học gần 20 phút đi bộ, để đến lớp đúng giờ, chị Hồ Thị Bo (36 tuổi, thôn Prin Thành) chuẩn bị sẵn sách vở, đèn pin, tắm rửa cho con gái của mình từ sớm. Chị Bo cho biết, sau gần 4 tháng tham gia lớp học giờ chị đã có thể tự viết chữ, đánh vần và nhận diện các mặt chữ, số. Không những vậy, trong quá trình tham gia học tập trên lớp, chị còn được thầy cô dạy thêm nhiều kỹ năng sống, cách giao tiếp và tuyên truyền các đường lối chính sách của Đảng.

 

Chị Bo tâm sự: “Mới học khó lắm, các mặt chữ, con số cứ lẫn lộn với nhau nhưng nhờ con gái, thầy cô giúp đỡ nên thấy cũng dễ và thú vị. Mình phải cố gắng học để biết chữ, biết tính toán, tìm một công việc nhằm thay đổi cuộc sống, biết được nhiều cái hay hơn”.

279076677_732905997738707_2649723949747110601_n

Tham gia lớp học họ không chỉ được dạy biết đọc, biết viết, biết tính toán mà còn được truyền đạt các kỹ năng sống và nắm bắt được chủ trương của Đảng về việc bảo vệ chủ quyền biên giới.

Thiếu tá Hồ Văn Hai - Đồn biên phòng Ba Tầng cho biết, để có những bài giảng hay giúp các chị, các mẹ dễ hiểu anh đã chủ động lên mạng internet tìm hiểu và đến gặp các thầy, cô giáo học hỏi kỹ năng sư phạm.

"Ngoài việc dạy đọc, viết, tính toán, chúng tôi còn truyền đạt các kỹ năng sống, kiến thức giao tiếp cơ bản hàng ngày, tuyên truyền chủ trương của Đảng về việc bảo vệ chủ quyền biên giới cho các chị, các mẹ", Thiếu tá Hồ Văn Hai cho hay.

Ông Hồ Xa Cách - Chủ tịch UBND xã A Dơi cũng cho biết, với nhiều lý do khác nhau nên đến nay trên địa bàn còn rất nhiều chị em phụ nữ, người lớn tuổi chưa biết đọc, viết, tính toán. Điều này khiến bà con gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống của mình, điển hình như lúc đi chợ họ chưa biết tính xem bao nhiêu tiền 1kg sắn. Do đó, việc mở lớp dạy học xóa mù chữ đã góp phần thiết thực trong việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

"Thời gian tới chúng tôi sẽ đề nghị tổ chức Plan - đơn vị đang hỗ trợ kinh phí cho lớp học, Đồn biên phòng Ba Tầng, các cơ quan đoàn thể trên địa bàn tiếp tục duy trì và phát huy mô hình này để giúp xóa mù chữ cho người dân trên địa bàn. Cùng với đó, phía UBND xã cũng sẽ cân đối để hỗ trợ thêm chi phí cho quá trình hoạt động của lớp", ông Hồ Xa Cách cho biết thêm.

279377135_2570330949771187_7347775832116327517_n

Lớp học đặc biệt này không chỉ giúp những người phụ nữ thoát nạn mù chữ mà còn giúp họ có những suy nghĩ về một tương lai tốt đẹp hơn

Việc mở lớp xóa mù chữ cho đồng bào do Đồn Biên phòng Ba Tầng phối hợp Hội LHPN xã A Dơi thực hiện đã được Đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị ghi nhận và đánh giá cao.

Đại tá Lê Văn Phương cho biết, công tác xóa mù chữ, nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm và chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt, tuy nhiên, thời gian vừa qua tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng tái mù chữ.

 

 

 

Theo Đại tá Phương, để góp phần xóa mù chữ và nâng cao nhận thức cho người dân đặc biệt là các địa bàn vùng biên giới, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan đoàn thể, các trường tại địa phương để tổ chức lớp học tùy thuộc theo từng độ tuổi, tầng lớp, địa điểm. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức các tiết học biên giới, phối hợp với các trường cho học sinh tham quan đường biên giới, cột mốc để giới thiệu chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia.

"Để nâng cao chất lượng giảng dạy tại các lớp xóa mù chữ, chúng tôi đã chọn lựa những đồng chí có năng khiếu sư phạm, đồng thời, phối hợp với ngành Giáo dục của tỉnh Quảng Trị để tập huấn kỹ năng, phương pháp giảng dạy cho các đồng chí này", Đại tá Lê Văn Phương nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền - Phan Vĩnh
790 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1272
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1272
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87163459