Làng biển hồi sinh. Kỳ 1: Làng biển, đất trăm nghề 

(QT) - Dù khá bận rộn cùng cánh thợ dựng lô, cạp be cả chục chiếc thuyền nan của ngư dân vùng biển bãi ngang xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong), Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng) đặt đóng mới, ông Mai Văn Bảo (52 tuổi), chủ cơ sở đóng thuyền nan thôn Đông Tân An (xã Hải An, huyện Hải Lăng) vẫn dành thời gian để tiếp chúng tôi. Ông Bảo cho biết, trong sự cố ô nhiễm môi trường biển, người dân vùng biển bãi ngang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đánh bắt hải sản cách bờ vài hải lý thì hầu như không bán được. Như gia đình ông Bảo làm nghề đóng thuyền nan công suất khoảng 6 - 24 CV cũng bị ảnh hưởng.
Làng biển hồi sinh. Kỳ 1: Làng biển, đất trăm nghề

Trước khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, mỗi năm gia đình ông đóng trên 30 chiếc thuyền nan. Riêng năm 2016, cơ sở của gia đình ông chỉ đóng được 7 - 8 chiếc. Các tháng đầu năm 2017, khi biển đang dần hồi sinh và nhiều ngư dân nhận được tiền đền bù đã dùng số tiền ấy để đóng thuyền nan tiếp tục ra biển. Hiện tại, cơ sở của ông đang nhận đóng 20 chiếc thuyền nan gắn máy có công suất 10 - 24 CV với giá bình quân 20 - 30 triệu đồng/chiếc. Ông Bảo cho hay, đó là niềm vui của nghề đóng thuyền nan gia đình ông và cũng là niềm vui chung của ngư dân vùng biển bãi ngang này.

 

Theo ông Bảo, do đặc thù các làng biển của xã Hải An (huyện Hải Lăng) như Đông Tân An, Tây Tân An, Thuận Đầu, Mỹ Thủy cũng như nhiều làng biển dọc vùng biển bãi ngang là không có cửa lạch nên ngư dân không thể vay vốn ngân hàng để đóng mới tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn. Phương tiện để ngư dân ra biển là thuyền nan. Hiện xã Hải An có 3 cơ sở đóng thuyền nan như gia đình ông. Đóng một chiếc thuyền nan nếu có đầy đủ nguyên liệu thì chỉ mất khoảng 10 - 15 ngày. Nguyên liệu chính để đóng thuyền nan thường là gỗ mít, mù u, chò, kiền kiền... có thể chịu được mưa nắng, chịu sự ăn mòn của nước biển. Phó Chủ tịch UBND xã Hải An Nguyễn Công Tuấn cho biết, xã hiện có 200 thuyền nan có động cơ, công suất 2.402 CV; 135 thuyền không có động cơ với 445 lao động thường xuyên tham gia khai thác thủy hải sản ven bờ.

 

Sự cố ô nhiễm môi trường biển đã làm giảm sản lượng khai thác thủy hải sản của xã Hải An. Trong thời gian qua, để giảm bớt khó khăn cho ngư dân, ngoài làm tốt công tác chi trả tiền bồi thường thiệt hại, xã Hải An luôn chú trọng chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đến nay, xã Hải An có 271 hộ ngư dân tham gia chuyển đổi với 37 mô hình gia trại nuôi lợn từ 20 con trở lên; 15 mô hình trồng cỏ nuôi bò lai từ 2 con trở lên (có 1 mô hình điểm của tỉnh nuôi 20 con bò); 4 mô hình nuôi cá nước ngọt; 215 mô hình trồng ném trên cát…Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho ngư dân. Điều đáng mừng là từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều ngư dân trong xã tiếp tục bám biển để đánh bắt hải sản.

 

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng khai thác thủy hải sản xã Hải An đạt 105,8 tấn (tăng 28,1 tấn so với cùng kỳ năm 2016) trong đó cá các loại 97,5 tấn; ghẹ 5,8 tấn; mực 2,5 tấn. “Không có tàu to, thuyền lớn để vươn khơi xa, nhưng ngư dân thôn 6 (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong) trong những năm gần đây đã tìm cách biến những khó khăn, hạn chế của vùng biển bãi ngang thành lợi thế trong đánh bắt thủy, hải sản. Ngư dân thôn 6 đã du nhập nhiều loại hình ngành nghề đánh bắt thủy hải sản gần bờ mang lại sản lượng cũng như hiệu quả kinh tế như lưới tôm, lưới mực, lưới ba, lưới hai, lưới cá trích, lưới cá chim, lưới lội, mức kéo ruốc, dã tôm, lừ mực lá, câu cá nghéo... Tùy theo từng mùa trong năm mà chọn nghề phù hợp để đánh bắt thủy hải sản. Thế rồi, sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, nhiều ngư dân thôn 6 kéo thuyền, cất lưới và cứ tưởng sẽ “nghỉ biển” lâu dài.

 

Đầu năm 2017, ngư dân thôn 6 bắt đầu những chuyến ra khơi đánh bắt những mẻ cá khoai, mực nang, ghẹ… thu được tiền triệu. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy thôn 6 cũng như nhiều làng biển bãi ngang khác đang hồi sinh từng ngày”, Trưởng thôn 6 (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong) Trần Luân cho biết. Xã Triệu Lăng có 265 thuyền máy với tổng công suất 3.445 CV. Nghề đánh bắt thủy hải sản tập trung chủ yếu ở thôn 6, 5, 4 trong đó đông nhất vẫn là thôn 6 với hơn 174 thuyền máy có công suất từ 9 - 12 CV. Sản lượng khai thác thủy hải sản của xã trong quý I/2017 đạt 55,5 tấn.

Thoăn thoắt gỡ từng con ghẹ ra khỏi vàng lưới, lão ngư Trần Quang Mua (60 tuổi) hồ hởi: “Vừa rồi, gia đình tôi nhận được số tiền đền bù thiệt hại khoảng 64 triệu đồng. Với số tiền đó, tôi đầu tư toàn bộ để mua sắm ngư lưới cụ như lưới ghẹ, lưới rê nổi, lưới hai đánh bắt cá trích, khoai…Để bám trụ dài lâu với biển thì phải làm cả “trăm nghề biển” mới sống được. Hiện tại, như thuyền của gia đình tôi cứ “trời yên, biển lặng” ra biển là có thu nhập 300 - 400 nghìn đồng”.

Đi dọc vùng biển bãi ngang trong những ngày này mới thấy được sự hồi sinh của nhiều làng biển. Sự hồi sinh ấy tôi bắt gặp trong nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của ngư dân trở về từ biển; trong mớ cá, mực, tôm, ghẹ… đánh bắt được đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể để ngư dân tiếp tục yên tâm bám biển, làm ăn, dựng xây cuộc sống.

(còn nữa)

 

Hoàng Tiến Sỹ

 
 

 

1352 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 992
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 992
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87007386