Làng bánh tét mặt trăng hối hả vào vụ Tết 

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, làng bánh tét mặt trăng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị lại hối hả vào mùa.

Đây là làng nghề truyền thống từ xa xưa của cha ông để lại vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Cả ngôi làng xuyên đêm “không ngủ” để gói và nấu bánh cho kịp các đơn hàng gần, xa. Đối với người dân Quảng Trị, món bánh “trứ danh” này của làng là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ ngày xuân.

Trong khi những ngành nghề khác đang loay hoay đầu ra cho sản phẩm thì tại làng bánh tét mặt trăng Đại An Khê các hộ làm bánh đã ngưng nhận đơn từ đầu tháng 12 Âm lịch do “cung không đủ cầu”. Bánh chưng, bánh tét nơi nào cũng có và là món ăn độc đáo của tổ tiên truyền lại. Thế nhưng, bánh chưng, bánh tét của làng Đại An Khê được gói theo cách riêng, có màu sắc và hương vị không thể trộn lẫn bánh nơi khác, luôn có chỗ đứng và vị trí đặc biệt trong lòng thực khách gần xa.

Chú thích ảnh

Gói bánh chưng tại làng Đại An Khê.

Ông Đào Ngọc Giã (64 tuổi), làng Đại An Khê cho biết, bánh chưng, bánh tét của làng có đặc trưng riêng biệt đó là màu xanh lá của nước rau ngót trộn với nếp thơm. Khi nấu ra, bánh không chỉ có màu đẹp át đi mùi ngấy của thịt mỡ và đậu xanh mà còn dung hòa các vị rất ngon, giàu dinh dưỡng. Riêng bánh tét được gói theo hình bán nguyệt khi cắt ra đặt lên dĩa nhìn như hình ảnh của mặt trăng lưỡi liền trên bầu trời đêm của vùng đồng quê.

Ngày xưa, món bánh chưng, bánh tét mặt trăng là những món bánh không thể thiếu trên các mâm cỗ trong các ngày lễ, Tết của quê hương. Ngày nay, kế thừa nghề xưa của cha ông để lại, bà con trong làng đã duy trì và phát triển thành nghề làm bánh. Đến nay, nghề không những gìn giữ nếp xưa của cha ông mà còn giúp bà con tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong làng…

Chú thích ảnh

Chuẩn bị nhân bánh.

Chú thích ảnh

Gói bánh chưng tại làng Đại An Khê. 

Có mặt tại làng bánh tét mặt trăng Đại An Khê trong những ngày giáp Tết, không khí nhộn nhịp hòa lẫn với tiếng nói, tiếng cười của các mẹ, các chị quây quần bên bếp lửa gói bánh đã xua tan đi rét lạnh buốt giá của mùa đông. Bên bếp lửa, nồi bánh chưng, bánh tét sục sôi như thúc giục những người con xa quê trở về sum vầy bên những người mình thân yêu. Những chiếc bánh chưng, bánh tét như gói cả mùa xuân về.

Là một trong những hộ gia đình có truyền thống làm bánh từ lâu đời, đến nay vẫn còn giữ nghề, ông Đào Bá Vây (61 tuổi) tâm sự, ngày xưa, món bánh đơn thuần chỉ được làm ra để dùng trong những ngày lễ, Tết. Sau này, bánh nổi tiếng gần xa vì chất lượng nên bà con bắt đầu nhận đơn.

Chú thích ảnh

Bánh tét mặt trăng và bánh chưng được xếp vào nồi để luộc.

Từ những hộ sản xuất riêng lẻ đến nay đã thành lập tổ hợp tác có quy mô và thương hiệu riêng, được chứng nhận 3 sao Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Trị. Kết quả này chính là sự góp nhặt của một quá trình cố gắng của bà con trong làng. Hiện nay, bánh tét mặt trăng, bánh chưng và bánh tày của làng được làm quanh năm nhưng cao điểm nhất là vào dịp Tết. Các nồi nấu bánh trong làng gần như đỏ lửa cả ngày lẫn đêm.

Dịp này, cả làng gần như “thức trắng” để ngâm nếp, rửa lá, chẻ lạt, gói và nấu bánh... cho kịp các đơn đặt hàng gần xa. Bánh của làng không chỉ đẹp về hình thức mà quan trọng nhất là chất lượng bởi độ ngon, tròn vị và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Gia đình ông Vây ngày thường sản xuất tầm 500 cái bánh các loại nhưng dịp gần Tết tăng lên gấp 2, 3 lần mới đủ đơn đặt hàng. Để tránh quá tải, gia đình đã ngưng nhận đơn từ giữa tháng 11 Âm lịch cho các khách sỉ… - ông Vây cho hay.

Chú thích ảnh

Bánh tét mặt trăng được nấu bằng bếp củi trong 8 giờ đồng hồ. 

Theo UBND xã Hải Thượng, Tổ hợp tác sản xuất bánh tét mặt trăng Đại An Khê được thành lập từ năm 2019, đến nay có 23 hộ gia đình đăng ký hoạt động. Trong quá trình sản xuất, Tổ hợp tác đã đưa ra quy chế hoạt động thống nhất về giá cả, mẫu mã, chất lượng...

Đến nay, Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả với đầu ra thị trường ổn định. Trung bình lượng bánh xuất ra thị trường hàng ngày đạt từ 1.000 - 2.000 bánh tày, 600 bánh tét và bánh chưng/hộ. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán số lượng đơn hàng đặt bánh của các hộ trong Tổ hợp tác rất cao với khoảng 100.000 bánh các loại. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn.

Chú thích ảnh

 Bánh tét mặt trăng sau khi luộc chín sẽ được cung cấp thị trường khắp nơi trong cả nước.

Bà Hoàng Thị Kim Cúc, Tổ trưởng Tổ hợp tác Bánh tét mặt trăng Đại An Khê cho biết, đáp ứng nhu cầu sản xuất của bà con, từ khi thành lập đến nay Tổ hợp tác đã hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán gần như “quá tải” đơn hàng. Nhiều hộ gia đình làm bánh đã phải ngưng nhận đơn từ sớm. Bánh sau khi được nấu chín sẽ được vận chuyển đến khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Tổ hợp tác đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các cấp, chính quyền địa phương như: tem truy xuất nguồn gốc; dự thi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; hỗ trợ kinh phí trong việc kiểm nghiệm chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ nồi nấu bánh bằng điện... Để bảo vệ được uy tín và thương hiệu của mình, Tổ hợp tác đã thường xuyên tuyên truyền bà con thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình gói và nấu bánh.

Thời gian tới, Tổ sẽ triển khai mở rộng quy mô sản xuất của các hộ gia đình. Qua đó, vừa tăng thêm hiệu quả kinh tế đồng thời giữ gìn được ngành nghề truyền thống của cha ông để lại cho các thế hệ sau…

Bài và ảnh: Thanh Thủy (TTXVN)
445 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 303
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 303
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88598515