Báo cáo đề dẫn tọa đàm cho biết, so với cùng kỳ năm 2019, năm nay, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) giảm 2.321 vụ, giảm 783 người chết, số người bị thương giảm 2010 người. Luật đã tạo nên nhiều thói quen mới cho những người tham gia giao thông, tạo thành những nét văn hóa mới. Thành công trên một phần đến từ hiệu quả của việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông vẫn còn cao.

Các đại biểu tham gia tọa đàm 

Tọa đàm nhằm cung cấp cho bạn đọc cả nước những góc nhìn toàn diện, khách quan nhất về các quy định của Luật cũng như tuyên truyền cách sử dụng rượu bia đúng cách và tham gia giao thông an toàn.

Khách mời tham gia Tọa đàm gồm các ông: Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội; Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban QP&AN của Quốc hội; Dương Minh Tuấn, Ủy viên Ủy ban QP&AN của Quốc hội; Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia; ông Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) và PGS. TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm hợp tác, đào tạo bồi dưỡng, Trường Đạo học giáo dục, ĐHQG Hà Nội.

Các đại biểu đã trao đổi về 2 chủ đề: Tai nạn giao thông bắt nguồn từ rượu bia – nỗi ám ảnh khôn nguôi của gia đình và xã hội; Để nhưng giọt nước mắt không rơi giữa thời bình. Tại đây, các đại biểu đã đánh giá về kết quả ban đầu khi Luật và Nghị định đi vào cuộc sóng; nguyên nhân của tình trạng vẫn còn nhiều vụ vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông; giải pháp để thông điệp “Đã uống rượu bia thì không lái xe” không chỉ nằm trên điều luật ở nghị trường mà nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội; giải pháp nhằm hạn chế dẫn đến chấm dứt tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi lái xe….

Kết luận tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Nguyễn Quốc Thắng khẳng định, sau 9 tháng triển khai, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, đã có nhiều thay đổi trong nhận thức, hành động và thói quen của người dân, cho thấy Luật đã bắt đầu đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, để giảm thiểu TNGT thì cần có quyết tâm của Nhà nước và sự đồng thuận của nhân dân. Những chia sẻ của các đại biểu giúp cho bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn về Luật và Nghị định, hiểu rõ hơn chủ trương của Nhà nước và cách thực hiện để Luật thực sự đi sâu vào nếp nghĩ mỗi người, tạo nên những hành động chuẩn mực, góp phần bảo vệ an toàn hơn cho gia đình và xã hội trong cuộc sống hôm nay./.

 
TH