Nhận thức rõ được vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, trong 94 năm qua Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đảng đã ban hành nhiều văn kiện lãnh đạo, chỉ đạo quan trọng[1]; Tổ chức các hội nghị chuyên đề về văn hóa[2]. Đại hội XIII của Đảng xác định: phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt, người đứng đầu Đảng ta Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong suốt quá trình công tác của mình bằng tư duy lý luận sắc bén, thực tiễn phong phú, sự am hiểu tường tận và tình cảm đặc biệt về văn hóa, Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo toàn diện về văn hóa qua các bài phát biểu, bài viết, bài nói, lược ghi, thư... được tập hợp trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nội dung cuốn sách tập hợp 92 bài viết, các bức thư... được kết cấu thành ba phần.
Phần thứ nhất: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, gồm những bài phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị công tác tư tưởng - văn hóa toàn quốc, Hội nghị Tuyên giáo toàn quốc,... Với những lập luận đầy sức thuyết phục, những dẫn chứng phong phú và sinh động, đồng chí đã lý giải cụ thể nội hàm của khái niệm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phân tích vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng giải pháp để phát huy đầy đủ, toàn diện giá trị văn hoá.
Phần thứ hai: Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững, tuyển chọn bài phát biểu, bài viết, thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các lĩnh vực văn hóa cũng như quá trình xây dựng, phát triển của các cơ quan văn hóa. Với thực tiễn phong phú và tư duy lý luận sắc bén, sự am hiểu sâu sắc về đặc trưng của từng loại hình văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo toàn diện đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật; giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ; báo chí, xuất bản;…
Phần thứ ba: Từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống, tuyển chọn bài viết, trả lời phỏng vấn của các cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong nghiên cứu, học tập và triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức tháng 11/2021, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.
Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói riêng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung. Đồng thời là minh chứng cho thấy bước trưởng thành, phát triển về tư duy lý luận và năng lực lãnh đạo thực tiễn của Đảng ta đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Để lan tỏa giá trị và nội dung cuốn sách đến cán bộ, đảng viên, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ và đông đảo nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức công tác tuyên truyền, giới thiệu cuốn sách bằng những hình thức phù hợp, hiệu quả. Chú trọng tổ chức tốt việc sinh hoạt tư tưởng, sinh hoạt chuyên đề về nội dung cuốn sách trong sinh hoạt đảng, đoàn thể. Góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân “Văn hóa là sự nghiệp của nhân dân, do vậy mỗi người dân phải tích cực tham gia, đóng góp vào việc sáng tạo nên những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, vun đắp cho nền văn hóa dân tộc ngày một hoàn thiện, cao đẹp hơn”; “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là công việc vừa có tính chiến lược, vừa mang tính cấp bách của toàn Đảng, toàn dân, trước hết là trách nhiệm của các nhà trường, của ngành giáo dục - đào tạo”.
Các cơ quan, báo chí, văn học nghệ thuật, tuyên truyền, giới thiệu về nội dung cuốn sách, làm cho “Mỗi phóng viên, biên tập viên, nhà báo phải có quyết tâm cao, có lòng say mê yêu nghề, chịu khó học tập, kiên trì rèn luyện”; đội ngũ văn nghệ sỹ hoàn thành nhiệm vụ của mình cần có “khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân dân...”.
Trường Chính trị cấp tỉnh, Trung tâm Chính trị cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ giảng viên nghiên cứu, tích hợp nội dung cuốn sách đưa vào giảng dạy cho cán bộ, đảng viên một cách phù hợp, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.
Chúng ta tin tưởng sâu sắc, việc ra mắt cuốn sách, cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của đội ngũ trí thức, của văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân, sự nghiệp chấn hưng, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới; trực tiếp góp phần xây dựng và phát triển đất nước ta phồn vinh, văn minh, hạnh phúc./. Thu Thủy
[1] Nổi bật là Nghị quyết số 03-NQ/TW năm 1998, của Ban Chấp hanh Trung ương khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW năm 2014 của BCH TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
[2] Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất 11/1946; Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai 7/1948 và Hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức tháng 11/2021.