Ban Chỉ đạo “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh kiểm tra công tác sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm đặc sản Quảng Trị - Ảnh N.P
Để lan tỏa CVĐ này đến với người tiêu dùng (NTD), mở ra cơ hội để các DN trong tỉnh đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm hàng Việt, các thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành với DN kết nối, tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến với NTD.
Trong 2 năm 2022 và 2023, Sở Công thương đã tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt dự toán chương trình xúc tiến thương mại tỉnh đối với 21 đề án với tổng kinh phí 6,435 tỉ đồng. Trong đó, sở đã chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, đề án hỗ trợ xây dựng thương hiệu nhằm hoàn thiện và phát triển cho một số sản phẩm nông sản đặc trưng, OCOP của tỉnh; tổ chức đoàn DN tỉnh tham gia các hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trong nước; tổ chức hoạt động kết nối sản phẩm OCOP tỉnh đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại; triển khai Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản...
Qua đó, đã xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy các hợp đồng hợp tác kinh doanh, phân phối và tiêu thụ sản phẩm của địa phương, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa DN sản xuất, chế biến và các siêu thị, cửa hàng giới thiệu nông sản đặc trưng, OCOP và các cửa hàng bán lẻ hiện đại trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đông Hà Đặng Tứ Minh San cho biết: “Hiện nay, trong các mặt hàng, sản phẩm kinh doanh của đơn vị thì hàng Việt Nam luôn chiếm trên 90% với trên 16.000 mặt hàng và được NTD tin tưởng, ưu tiên ủng hộ.
Siêu thị cũng tạo điều kiện đưa vào kinh doanh nhiều sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh và trưng bày tại một địa điểm giúp NTD dễ dàng chọn lựa hàng hóa địa phương như: gạo sạch Triệu Phong; bơ lạc, dầu ăn cho bé, dầu ăn mè đen, dầu lạc (SUPER GREEN); tinh bột nghệ; trà mướp đắng, trà cà gai leo An Xuân; gạo Vietgap, gạo hữu cơ Sepon... Tất cả các mặt hàng kinh doanh tại siêu thị đều được kiểm soát chất lượng ngay từ đầu vào, đảm bảo theo quy chuẩn, quy định”.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả chương trình OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 115 sản phẩm OCOP, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 73 sản phẩm đạt 3 sao.
Trong 58 chủ thể OCOP có 16 DN, 16 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác và 22 hộ sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Riêng trong năm 2023, có 82 ý tưởng sản phẩm được đăng ký chứng nhận OCOP; trong đó có 52 ý tưởng sản phẩm mới, 27 sản phẩm đăng ký đánh giá lại và 3 sản phẩm đăng ký nâng hạng và có thêm 6 -7 HTX đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Bưu điện tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Đến nay, có trên 95% sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử.
Nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện CVĐ, thời gian tới, các thành viên BCĐ tỉnh, BCĐ các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, phổ biến rộng rãi chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Đổi mới, đa dạng cách thức tuyên truyền, nhằm thay đổi tư duy “ưu tiên dùng hàng Việt” sang “tin dùng hàng Việt”.
Chú trọng hỗ trợ xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, quảng bá để NTĐ hiểu và tin dùng sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, nhất là bán hàng trực tuyến, phát triển thương mại điện tử kết hợp hài hòa với kênh phân phối truyền thống; tăng cường quản lý nhà nước về hàng hóa, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng nhập lậu, hàng giả nhằm củng cố niềm tin của NTD đối với hàng Việt Nam.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, địa phương cần phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến sản phẩm, DN; thường xuyên biểu dương, khen thưởng các DN, tổ chức, cá nhân ở trong tỉnh, người Quảng Trị ở tỉnh ngoài, nước ngoài có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người Việt Nam tin dùng hoặc có nhiều thành tích trong thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Sự vào cuộc của các DN đã giúp hàng Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn. Từ sự thân quen, gần gũi, đã trở thành niềm tin; không ít NTD chọn hàng Việt Nam là số 1 trong giỏ hàng hóa mua sắm của cá nhân và gia đình.
Điều này cho thấy, nhận thức của NTD đã thay đổi, không chỉ là sự vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà hiện tại, hàng Việt Nam trở thành lựa chọn không thể thiếu của NTD Việt.
Ngoài ra, việc gắn thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới với các CVĐ, các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận và các tổ chức thành viên góp phần vận động các tầng lớp nhân dân thi đua sáng tạo, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Quảng Trị và các DN, cơ sở sản xuất trong tỉnh có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được NTD ưa thích.
Không chỉ định hướng tiêu dùng, phát triển thị trường, CVĐ còn góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN và cơ sở sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Ngọc Lan