Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai 'giám sát lại' 

(Chinhphu.vn) – Tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn để xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành đối với 6 Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.
Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai 'giám sát lại'- Ảnh 1.
 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn - Ảnh: VGP/NH

Phiên chất vấn được truyền hình trực tuyến với 62 điểm cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động "giám sát lại", thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; qua đó đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát.

Đồng thời, cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Ngay sau phát biểu khai mạc phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Báo cáo ý kiến của Ban Dân nguyện về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.

Những kết quả tích cực

Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện 6 nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023, liên quan tới 9 lĩnh vực: công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch; tư pháp; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nội vụ; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

‎Các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cơ bản bám sát các nội dung trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đã khái quát được những kết quả, thành tựu, chỉ ra một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân; đồng thời, xác định rõ các giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, báo cáo của một số cơ quan gửi còn chậm so với yêu cầu; ở một số lĩnh vực, nội dung trong báo cáo chủ yếu liệt kê các công việc đã triển khai, chưa có đánh giá, phân tích, so sánh về hiệu quả, cũng như chưa thực sự chuyển biến rõ nét trong triển khai các yêu cầu, giải pháp đã được nêu trong nghị quyết; chưa nêu rõ được những nhiệm vụ đã hoàn thành, những nhiệm vụ chưa hoàn thành, những nhiệm vụ đang trong quá trình triển khai thực hiện…

Về kết quả đạt được, đối với lĩnh vực công thương, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, nhiều đề án về bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng được phê duyệt. Giá xăng dầu trong nước đã cơ bản bám sát giá thế giới; nguồn cung xăng, dầu cơ bản được bảo đảm. Đã tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu; chống: nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng. Hệ thống cơ sở dữ liệu trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử được xây dựng. Thực hiện hiệu quả việc cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu quan trọng và một số thị trường mới.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Đã phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2030 và Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các rào cản kỹ thuật về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm được tập trung giải quyết để mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong và ngoài nước. Hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản tiếp tục được các địa phương quan tâm triển khai. Việc tổng rà soát tàu cá và cập nhật cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia được thực hiện. Kế hoạch sản xuất lúa được điều chỉnh hợp lý, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao.

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Du lịch, các chiến lược, chương trình, đề án của Chính phủ về phát triển du lịch được tích cực triển khai; đã ban hành Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Giai đoạn 2022-2024, ngành du lịch tăng trưởng liên tục; cơ bản phục hồi so với trước khi xảy ra dịch COVID-19. Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa tiếp tục được quan tâm. Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt kết quả tích cực.

Đối với lĩnh vực nội vụ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 đã cơ bản hoàn thành. Đến hết năm 2021, 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan đảng cấp huyện, cấp xã cho nhiệm kỳ 2020-2025 và kiện toàn tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính đã được giải quyết. Các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp đã thực hiện việc rà soát, công nhận áp dụng các chính sách đặc thù theo quy định. Việc tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 bước đầu đạt kết quả tích cực. 

Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, đã hoàn thành việc rà soát đối với 109/125 nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 bảo đảm tiến độ, chất lượng; trình Quốc hội thông qua 41/43 luật và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật đã được chú trọng và siết chặt. 

Việc ban hành văn bản quy định chi tiết được quan tâm, đạt kết quả tích cực. Công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp được tăng cường; đội ngũ giám định viên được rà soát, kiện toàn, bảo đảm đủ số lượng, có trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Việc thi hành án hành chính tăng; tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng tăng cao.

Đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội được hoàn thiện. Bộ máy, cán bộ làm công tác pháp chế được rà soát, củng cố, kiện toàn theo hướng tinh, gọn, mạnh. Hầu hết các chỉ tiêu được Quốc hội giao trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 đều đạt ở mức hoàn thành trở lên. Công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội được tăng cường. 

Công tác phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng mạng viễn thông, công nghệ cao tiếp tục được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố được quan tâm. Công tác phòng cháy, chữa cháy tiếp tục được chú trọng; một số khó khăn, vướng mắc trong phòng cháy, chữa cháy và xuất cảnh, nhập cảnh được rà soát, tháo gỡ. Đã hoàn thành việc cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với lĩnh vực thanh tra, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước. Hoạt động thanh tra công vụ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo đã được xây dựng, cơ bản đáp ứng yêu cầu kết nối dữ liệu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đối với lĩnh vực tòa án, chất lượng xét xử các vụ án tiếp tục được nâng cao. Việc xét xử các vụ án, ra các quyết định thi hành án hình sự, hoãn, tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. 

Các vụ án tham nhũng, kinh tế, vụ án được dư luận xã hội quan tâm đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Tòa án đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc để quá thời hạn giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được triển khai hiệu quả. Tiến độ giải quyết việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan và xử lý người thi hành công vụ làm oan người vô tội được đẩy nhanh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức Toà án được quan tâm.

Đối với lĩnh vực kiểm sát, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, nhất là biện pháp tạm giữ, tạm giam cơ bản chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ vụ án Viện kiểm sát truy tố đúng thời hạn, tỷ lệ bị can bị truy tố đúng tội danh, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm các vụ án dân sự, tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính được Tòa án chấp nhận đều vượt chỉ tiêu của Nghị quyết số 96/2019/QH14. Công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chuyển biến tích cực. Công tác quản lý, giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát được tăng cường. Việc tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành kiểm sát đạt nhiều kết quả tích cực.

Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai 'giám sát lại'- Ảnh 8.
 

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra - Ảnh: VGP/NH

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo từng lĩnh vực.

Đối với lĩnh vực công thương, hiệu quả công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn; tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, có hệ thống; một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm. Chưa có kho dự trữ quốc gia riêng về xăng dầu. Kim ngạch xuất khẩu chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn.

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc xây dựng Nghị định về quản lý thương hiệu nông sản Việt Nam còn khó khăn, vướng mắc. Việc xây dựng Đề án Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 còn chậm. Một số tỉnh, thành phố chưa thành lập tổ chức Kiểm ngư để bảo vệ nguồn lợi thủy sản của địa phương. 

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, chưa ban hành Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá, thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nguồn lực dành cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế. Tình trạng thiếu nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao vẫn chưa được khắc phục. Việc kết nối, khai thác các thị trường du lịch mới, tiềm năng còn chậm.

Đối với lĩnh vực nội vụ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 còn một số tồn tại, hạn chế: Vẫn còn trường hợp cán bộ, công chức dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách. Kết quả rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và phân loại đô thị sau khi thực hiện sắp xếp đạt thấp so với yêu cầu. Việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư hiệu quả chưa cao…

Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa bảo đảm chất lượng và chậm về tiến độ. Tính kế hoạch của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn thấp, phải bổ sung nhiều dự án vào chương trình, nhưng cũng có dự án phải điều chỉnh tiến độ do không chuẩn bị kịp. Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được khắc phục triệt để.

Về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông có chiều hướng gia tăng. Các loại tội phạm về tham nhũng, kinh tế, "tín dụng đen", cho vay lãi nặng, rửa tiền, đòi nợ thuê, tội phạm ma túy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp. Còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ vẫn còn lớn, một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Liên quan đến lĩnh vực thanh tra, một số kiến nghị liên quan đến hoàn thiện thể chế, kết quả triển khai một số nhiệm vụ của ngành Thanh tra còn chậm so với yêu cầu của Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15.

Đối với lĩnh vực tòa án, tỷ lệ bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Cơ sở vật chất, trang, thiết bị làm việc của một số đơn vị Tòa án chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

Đối với lĩnh vực kiểm sát, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Chất lượng kháng nghị phúc thẩm vụ án hành chính, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án dân sự vẫn còn hạn chế, tỷ lệ kháng nghị được Toà án chấp nhận chưa đạt yêu cầu của Quốc hội.

Hải Liên

41 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1228
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1228
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87157435