Nhiều năm qua, Quảng Trị là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2023 toàn tỉnh có 2.800 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, thị trường Đài Loan 800 lao động; Nhật Bản 1.511 lao động; Hàn Quốc 473 lao động; các thị trường khác 16 lao động. Năm 2024 tỉnh tiếp tục thực hiện đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Hiện tại, tỉnh hết sức quan tâm triển khai thực hiện Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 27/4/2022 của Chính phủ. Việc thí điểm này được thực hiện trên cơ sở chương trình hợp tác giữa địa phương phía Việt Nam và địa phương phía Hàn Quốc theo hình thức phi lợi nhuận. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị, ý kiến tham gia của Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh và Sở Tư pháp, Sở LĐ,TB&XH đã hướng dẫn cho UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan các bước cần thiết để tiến tới trao đổi và ký kết thỏa thuận, thực hiện nội dung thỏa thuận.
Trong đó, để tổ chức tốt hoạt động thí điểm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, ngăn ngừa tình trạng vi phạm hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp, các địa phương cần phải tổ chức tuyển chọn trực tiếp, đúng đối tượng NLĐ theo quy định trong độ tuổi từ 30 - 55, là công dân cư trú dài hạn tại địa phương ký thỏa thuận; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không có tiền án và không thuộc diện cấm xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật; có đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài; đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp...
Cùng với đó, tổ chức đào tạo tiếng Hàn Quốc, giáo dục định hướng cho NLĐ trước khi xuất cảnh; thông báo công khai, minh bạch các khoản chi phí liên quan đến việc đào tạo tiếng Hàn Quốc, kiểm tra sức khỏe, làm thủ tục hành chính cho NLĐ, các chi phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương.
Đồng thời, thực hiện các biện pháp đảm bảo NLĐ thực hiện đúng hợp đồng, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và pháp luật trong nước; thỏa thuận với bên tiếp nhận về biện pháp hạn chế tuyển chọn NLĐ có thân nhân đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc để hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc.
Hiện nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc thời vụ đang rất lớn bởi sự ưu việt của chương trình này. Tuy nhiên, nhiều lao động vẫn chưa nắm rõ nội dung chương trình nên gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị lừa khi có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc ngắn hạn. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa có giấy phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn thông báo tuyển lao động với điều kiện hấp dẫn như xuất cảnh nhanh, chi phí đi thấp, đăng ký là trúng tuyển...
Tại Quảng Trị, mặc dù chưa xảy ra tình trạng này, tuy nhiên, Sở LĐ,TB&XH đã chủ động có những khuyến cáo giúp NLĐ nắm rõ hơn sự việc: chương trình này được triển khai theo hình thức phi lợi nhuận, không giao cho doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào. Vì vậy, NLĐ cần tìm hiểu thông tin và chỉ đăng ký tham gia chương trình này thông qua các cơ quan chức năng tại địa phương là Sở LĐ,TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm; không đăng ký tham gia với bất kỳ tổ chức, cá nhân môi giới nào khác.
Theo bà Lê Nguyễn Huyền Trang, một trong những vấn đề nan giải nhất của chương trình là có một số NLĐ Việt Nam sau khi qua đến Hàn Quốc thì bỏ trốn ra ngoài. Theo quy định của Hàn Quốc, hằng năm sẽ xem xét dừng việc tuyển chọn và phái cử lao động thời vụ của địa phương nước ngoài nếu năm trước đó có tỉ lệ lao động thời vụ bỏ hợp đồng cao hơn 10% và xem xét dừng tiếp nhận lao động từ quốc gia có tổng tỉ lệ lao động thời vụ bỏ hợp đồng vượt quá 50%.
Việc NLĐ bỏ trốn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến uy tín trong hợp tác quốc tế với Hàn Quốc và rất có thể phía bạn sẽ dừng, không tiếp nhận thêm lao động; thu hẹp những cơ hội việc làm của hàng nghìn NLĐ, tạo tâm lý hoang mang, tiền lệ xấu cho NLĐ đang làm việc tại Hàn Quốc.
Do vậy, trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận đưa NLĐ đi làm việc thời vụ với địa phương của Hàn Quốc, Sở LĐTB&XH đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét nghiên cứu xây dựng phương án tối ưu để chống tình trạng NLĐ bỏ trốn khi đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
Làm tốt vấn đề này giúp tỉnh tránh rơi vào trường hợp là địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao và tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, lúc đó phía Hàn Quốc sẽ tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc đối với Quảng Trị, sẽ ảnh hưởng đến công tác đưa NLĐ đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh theo các chương trình khác.
“Làm việc thời vụ tại Hàn Quốc là hướng đi mới cho lao động Quảng Trị. Tuy nhiên, các địa phương đặc biệt chú ý xây dựng phương án tối ưu nhất trong thực hiện nội dung này”, bà Huyền Trang nhấn mạnh.
Tú Linh