Làm tốt được khâu thu mua, cao su Việt Nam sẽ khó bị 'ép giá' 

(Chinhphu.vn) - Sản phẩm cao su không đồng đều giữa các nhà máy “made in Vietnam” khiến nhà sản xuất nước ngoài phải sử dụng nhiều công nghệ và phụ gia để ổn định lại chất lượng. Do đó, cao su Việt Nam luôn bị trả mức giá thấp hơn so với hàng cùng chủng loại từ các nước khác trong khu vực.

 

Ảnh minh họa

Thách thức khi cao su tiểu điền “cầm trịch”

Theo Forest Trends (Tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy bảo tồn và quản lý rừng bền vững), không thể phủ nhận vai trò của ngành cao su ngày nay đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung. Cây cao su không chỉ mang về cho Việt Nam hàng tỷ đô la ngoại tệ mỗi năm mà còn thu hút hơn 500.000 lao động tham gia vào toàn bộ các khâu của chuỗi cung ứng. Ngành cao su còn đang giữ vị thế hết sức quan trọng khi cung cấp nguyên liệu cho các ngành sản xuất nội địa khác, đặc biệt là chế biến gỗ.

Với đặc thù lịch sử và lợi thế về đất đai, ngành cao su Việt Nam hiện nay chủ yếu phát triển mạnh ở hai khâu đầu tiên trong chuỗi cung ứng cao su, đó là khâu trồng trọt và khâu chế biến mủ.

Theo đó, hiện khu vực các doanh nghiệp (DN) nhà nước và DN tư nhân (cao su đại điền) chiếm 38% sản lượng mủ sản xuất hàng năm. Còn cao su tiểu điền do các nông hộ nắm giữ cung cấp 62% lượng mủ còn lại. Cho dù tỷ trọng diện tích vườn cao su giữa 2 khu vực trên gần như là 50-50 nhưng do nhiều rừng cao su đại điền đã đến giai đoạn cuối của chu kỳ khai thác mủ (20-25 năm), còn các vườn cao su tiểu điền quy mô nhỏ chỉ mới phát triển mạnh trong khoảng hơn chục năm gần đây nên đang trong giai đoạn thu hoạch mủ “sung mãn” nhất.

Sang khâu chế biến, trước tiên là chế biến mủ, nhóm DN ngoài quốc doanh (DN nước ngoài và DN tư nhân trong nước) đảm nhận gần 60% tổng sản lượng mủ thu hoạch hàng năm. Đi sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng cao su, tức giai đoạn chế biến sản phẩm công nghiệp từ mủ cao su thiên nhiên (lốp xe, găng tay, nguyên phụ liệu cho da giày…), có thể thấy nhóm DN nước ngoài (FDI) tỏ ra lợi thế hơn hẳn nhờ sự vượt trội về công nghệ và quy mô đầu tư cho các nhà máy. Do đó ở mắt xích chế biến sâu này, khối DN FDI đã nắm giữ hơn 60% lực lượng lao động; DN tư nhân đảm nhận việc làm cho 23%; số còn lại “đầu quân” cho khu vực DN nhà nước.

Nhưng đằng sau bức tranh “nổi” ấy, thực tế phát triển của ngành cao su còn đang bộc lộ nhiều thách thức. Tuy giá cao su gần chục năm qua luôn ở thế bấp bênh, thậm chí còn bị dự báo sẽ khó hồi phục trong khoảng 10 năm tới nhưng tổng diện tích cao su trên cả nước đến năm 2017 đã gần chạm mốc 970.000 ha, vượt quy hoạch của Chính phủ tới 12%.

Những năm qua, sự phối hợp giữa các nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất nhằm hạn chế lượng cung chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, nhất là tại các nước có cao su tiểu điền đang “cầm trịch”. Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi các khuyến cáo hạn chế mở rộng sản xuất dường như chỉ có tác dụng với khối sản xuất cao su đại điền.

Áp lực từ cả thế giới lẫn trong nước

Tại Báo cáo Thực trạng ngành cao su Việt Nam vừa được công bố, các nhà nghiên cứu cũng đặc biệt lưu ý đến những thách thức mới cho ngành cao su Việt Nam, mà sát sườn nhất là cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế đến 25% lên các mặt hàng nhập từ Trung Quốc như đồ gỗ và linh kiện ô tô ngay từ đầu năm 2019. Mức thuế này còn có thể bị đẩy lên tới 44% nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang.

Ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm cao su Việt Nam vì thế chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực bởi Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của cao su thiên nhiên Việt Nam (chiếm 65,3% sản lượng xuất khẩu). Và đáng chú ý hơn là có tới 70% tổng số cao su thiên nhiên ấy được “đại công xưởng thế giới” rót vào sản xuất lốp xe. “Cần có đánh giá chi tiết về quy mô tác động của căng thẳng thương mại này lên các sản phẩm cao su Việt Nam xuất sang Trung Quốc; đánh giá về ngành công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp phụ trợ của Trung Quốc; và quan hệ thương mại Mỹ - Trung về các sản phẩm trong những ngành có liên quan khác”, Báo cáo nêu khuyến nghị.

Còn thông tin tập hợp từ khảo sát các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhiều DN ngành cao su lại cho thấy hiện tượng tranh mua, tranh bán mủ nguyên liệu diễn ra tương đối phổ biến. Giá cả nhiễu loạn tác động tiêu cực trước hết tới các nông hộ làm cao su tiểu điền - đối tượng khá yếu thế khi thương lượng giá mủ bán ra do thường lạc hậu về thông tin và chưa “có mặt” trong các tổ chức hội, đoàn ngành cao su. Cho dù gần đây Hiệp hội Cao su Việt Nam và nhiều DN đã nỗ lực cung cấp thông tin thị trường trên các trang tin điện tử nhưng dường như hiệu ứng vẫn còn hạn chế.

Sự tranh giành khiến người mua và các chủ nông hộ đôi khi bằng mọi cách chỉ cốt để có được mức giá mua bán tốt nhất. Theo TS. Tô Xuân Phúc từ Forest Trends, hiện tượng mủ cao su tiểu điền thường xuyên bị lẫn tạp chất, hoặc bị pha trộn là không hiếm. Hệ quả là cho dù Việt Nam đã có bộ tiêu chuẩn định hướng chất lượng sản phẩm (TCVN) với các yêu cầu không thua kém thế giới nhưng vẫn chỉ có một số ít DN làm được sản phẩm đáp ứng đòi hỏi của nhà nhập khẩu.

“Sản phẩm không đồng đều giữa các nhà máy ‘made in Vietnam’ khiến nhà sản xuất nước ngoài phải sử dụng nhiều công nghệ và phụ gia để ổn định lại chất lượng. Do đó người ta luôn trả mức giá thấp hơn cho sản phẩm cao su Việt Nam so với mặt hàng cùng chủng loại đến từ các nước khác trong khu vực”, ông Trần Minh - Trưởng Ban Công nghiệp Tập đoàn Cao su Việt Nam - lý giải thực tế vì sao cao su Việt Nam bị “ép giá”.

Bởi vậy, cùng với đề xuất của Forest Trends về xây dựng hệ cơ sở dữ liệu ngành cao su ở tất cả các khâu và chia sẻ cho mọi đối tượng có liên quan để giải tỏa bất cân xứng thông tin, người đại diện Tập đoàn Cao su Việt Nam cho rằng nên có quy trình cấp quốc gia trong chế biến mủ cao su để ổn định mặt bằng chất lượng. Và nhất thiết cần có cơ quan quản lý chuyên ngành giám sát chất lượng mủ trước khi xuất khẩu (như nhiều nước khác đang làm).

Như vậy, câu chuyện về các vướng mắc ở khâu thu mua trung gian dù không còn mới mẻ nhưng rất cần được tháo gỡ, đặc biệt trong bối cảnh định nghĩa về sức cạnh tranh đã không còn thu hẹp trong quy mô của một DN. Thay vào đó, thế giới đang chuyển sang xu hướng cạnh tranh theo ngành nghề, theo chuỗi cung ứng, theo cấp vùng, cấp quốc gia. Điều này có nghĩa một chuỗi cung ứng cao su đủ mạnh và có sức cạnh tranh toàn cầu khó có thể chấp nhận những trục trặc và bất bình đẳng từ mắt xích ở khâu thu mua - nơi hiện chủ yếu do tư thương đảm nhận.

Phương Hiền

398 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 583
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 583
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88310223