Tàu SAR 412 của Trung tâm 2 lai dắt tàu QNa 90129 TS cùng 52 thuyền viên bị nạn trên biển vào đất liền an toàn. Ảnh: Trúc Hà
Những năm trở lại đây, tình hình khí hậu diễn biến phức tạp, các đợt áp thấp nhiệt đới tạo mưa lớn trên diện rộng, các cơn bão tuy không mạnh song kéo dài và có đường đi, diễn biến bất thường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất của ngư dân trên biển và gây khó khăn cho công tác TKCN.
Theo thống kê, năm 2018 đến hết quý I-2019, từ vùng biển Quảng Trị đến Bình Định xảy ra 289 vụ tai nạn trên biển, làm 40 người chết, bị thương 59 người, mất tích 38 người, hư hỏng 85 phương tiện, chìm 53 phương tiện. Nguyên nhân chủ yếu là do giông lốc, tàu hỏng máy, đâm va trên biển, mắc cạn, cháy nổ, ngư dân rơi xuống biển mất tích, bất cẩn trong sản xuất...
Trước tình hình đó, từ các nội dung trong quy chế phối hợp được ký hằng năm giữa BĐBP các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Hải đoàn 48 BĐBP với Trung tâm 2, các đơn vị đã duy trì chế độ trực ban, trực canh thông tin TKCN 24/24 giờ, đảm bảo tiếp nhận kịp thời, xử lý có hiệu quả các thông tin liên quan đến tai nạn, sự cố trên biển.
Năm 2018, các đơn vị đã thực hiện 22.635 phiên/137.000 lượt phương tiện, kịp thời thông báo, hướng dẫn ngư dân chủ động phòng tránh áp thấp nhiệt đới và TKCN.
Qua đài trực canh thông tin TKCN các tỉnh, các đài duyên hải khu vực, các đơn vị đã tiếp nhận, xử lý 730 tin liên quan đến công tác TKCN, phối hợp cứu hộ, cứu nạn 206 tàu/957 thuyền viên bị nạn trên biển. Bên cạnh đó, kêu gọi 56 lượt phương tiện của ngư dân tham gia hỗ trợ, cứu nạn 697 thuyền viên, 281 phương tiện bị hỏng máy trên biển.
Riêng Trung tâm 2 có tàu chuyên dụng và đội ngũ cán bộ cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp đã phối hợp với Trung tâm y tế 115 của Đà Nẵng để tư vấn qua điện đàm cho ngư dân sơ cứu ban đầu hoặc trực tiếp đi trên tàu cứu nạn. Không chỉ nhận thông tin trực tiếp của ngư dân, Trung tâm 2 còn tiếp nhận, hỗ trợ, xử lý các vụ việc từ Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh trong những trường hợp khẩn cấp, sóng to, gió lớn và cần y, bác sĩ đi cùng.
Năm 2018, đơn vị đã điều động 31 lượt tàu chuyên dụng lai dắt 7 tàu bị nạn, trực tiếp cứu 149 thuyền viên; phối hợp với BĐBP cứu 254 thuyền viên bị nạn. Sau khi đưa các nạn nhân, phương tiện bị nạn vào bờ, Trung tâm 2 tổ chức bàn giao cho BĐBP các tỉnh tiếp nhận và xử lý.
Theo Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng BĐBP Đà Nẵng, quy chế phối hợp giữa BĐBP Đà Nẵng và Trung tâm 2 những năm qua luôn được thực hiện tốt. Điều đó được thể hiện qua công tác trao đổi thông tin, hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn trên biển. Năm 2018, hai bên đã phối hợp điều động 25 lượt tàu, huy động 14 tàu cá của ngư dân tham gia cứu nạn 12 thuyền viên bị nạn trên biển, cứu kéo 15 tàu bị trôi dạt trên biển. BĐBP Đà Nẵng cũng tiến hành tiếp nhận 55 thuyền viên bị nạn, 63 trường hợp hỏng máy trên biển từ Trung tâm 2.
Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp giữa Trung tâm 2 với BĐBP các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Hải đoàn 48 BĐBP vừa diễn ra tại Đà Nẵng, các đại biểu đã đưa ra nhiều tham luận cũng như kiến nghị lên cấp trên.
Trung tá Trần Tuấn Anh, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cho biết: Là 1 trong 2 đơn vị được Bộ Tư lệnh BĐBP trang bị tàu cứu nạn chuyên dụng (Quảng Trị và Quảng Ngãi), có thể chịu sóng to, gió lớn, đơn vị đã nhiều lần tổ chức cứu nạn, cứu hộ không chỉ cho ngư dân, mà còn các tàu hàng, các tàu nghiên cứu trên biển. Thực tế cho thấy, ý thức của người dân, thậm chí là cán bộ về việc chấp hành các quy định về an toàn hàng hải vẫn còn nhiều hạn chế. Điển hình, năm 2017, có nhóm giảng viên, sinh viên trường đại học ở Hà Nội vào Quảng Trị khảo sát, thăm dò trên biển. Mặc dù đã cảnh báo và cấm biển do áp thấp nhiệt đới, nhưng họ vẫn cố tình ra khơi vì muốn kết thúc chuyến khảo sát trước khi bão vào. Kết quả, tàu bị chết máy trên biển và BĐBP Quảng Trị đã phải đi cứu nạn trong thời tiết nguy hiểm. Bởi vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, cần có chế tài xử phạt mạnh hơn mang tính răn đe.
Trung tá Đoàn Anh Tiến, Phó Hải đoàn trưởng Hải đoàn 48 BĐBP cho rằng, với đặc thù đơn vị là hoạt động trên biển nên việc TKCN vẫn diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ cứu nạn đột xuất, tàu phải ứng lượng lớn nhiên liệu, bởi vậy cần phải được thanh quyết toán sớm để không ảnh hưởng đến nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.
Trúc Hà