Khi nói đến tác động của chuyển đổi số đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chúng ta cần nhìn nhận trên hai mặt cơ bản: Thứ nhất, đó là khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại trên các lĩnh vực nói chung, công tác tư tưởng nói riêng; Thứ hai, xem xét những yếu tố tác động trong quá trình chuyển đổi số dẫn đến những hạn chế, thiếu sót của công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Có thể khẳng định rằng, qua gần 5 năm (2019 - 2024), triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị“về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và các đề án chuyển đổi số quốc gia, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tạo động lực mới thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về kết quả chuyển đổi số năm 2023, kinh tế số của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ vào khoảng 20%, nhanh gấp 03 lần tăng GDP.
Đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) thông qua các nền tảng số xuất sắc. Tính đến tháng 12/2023, số lượt doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx: khoảng 1,1 triệu (+55,6% so với năm 2022); số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số SMEdx: 197 nghìn (+157% so với năm 2022). Tính đến tháng 12/2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,5 tỷ hóa đơn trong đó có hơn 1,6 tỷ hóa đơn có mã, gần 4 tỷ hóa đơn không mã. Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Đến tháng 12/2023, đã có hơn 36,4 nghìn doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là khoảng 58 triệu hóa đơn.
Việt Nam có khoảng 78 triệu người dùng Internet, trong đó có 161,6 triệu thuê bao di động, tương đương mỗi người có khoảng 1,5 chiếc điện thoại. Thời gian sử dụng Internet trung bình là 06 giờ 23 phút/ngày, giảm 4% so với năm 2022. Thời gian xem TV và các nội dung video streaming giảm 4,8% còn 2 giờ 39 phút/ngày. Thời gian dành cho các mạng xã hội là 2 giờ 32 phút/ngày.
Về phát triển công dân số, đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu Thẻ căn cước công dân gắn chip. Đã kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh (đạt 67,5% so với tổng hồ sơ tiếp nhận). Có 34 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt định danh điện tử cao nhất cả nước. Ứng dụng VNeID đã được tích hợp thêm các tiện ích: sổ sức khỏe điện tử; giấy phép lái xe; ví điện tử; kê khai, đăng ký, nộp thuế; thông tin sổ BHXH và nhiều tiện ích khác.
Đến cuối năm 2023, đã có trên 77,4% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2022. Các giao dịch thanh toán được thực hiện trên môi trường mạng đã tăng 66,5% về số lượng, tăng khoảng 4% về giá trị; giao dịch qua điện thoại di động tăng khoảng 63% về lượng và 8,8% về giá trị, giao dịch qua mã QR tăng 124,1% về số lượng và 16,1% về giá trị. Mặc dù mới chính thức triển khai từ cuối tháng 3/2021, tính đến tháng 6/2023, đã có gần 27 triệu tài khoản điện tử được mở thông qua hình thức eKYC.... Không những đạt thành tựu quan trọng trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, mà còn thông qua chuyển đổi số, sức mạnh tổng hợp của Ðảng được phát huy hiệu quả bằng nhiều hình thức như ứng dụng công nghệ số vào chỉ đạo, điều hành, thông tin, báo cáo và cập nhật, sao lưu dữ liệu tổ chức đảng, đảng viên; chuyển đổi số hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý cán bộ, đảng viên, sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, công tác kiểm tra, giám sát... và công tác tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết của Ðảng trong toàn Ðảng, toàn dân; hoàn thiện phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin, đưa vào sử dụng hệ thống văn bản điện tử và hệ thống thông tin báo cáo công tác đảng trong hoạt động điều hành của hệ thống Ðảng và chính quyền... Tại một số tỉnh, thành phố gần như 100% xã, phường, thị trấn thực hiện "Sổ tay đảng viên điện tử". Ðây có thể xem là một trong những bước đột phá góp phần quan trọng để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong công tác xây dựng Ðảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, ý chí và hành động trong Ðảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, chuyển đổi số thúc đẩy sự đổi mới trong các hoạt động được triển khai trên thực tiễn. Bởi vì với các công nghệ hiện đại, chúng ta có thể xây dựng, tổ chức nhiều hoạt động, sản phẩm phong phú, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của cộng đồng, thích ứng với đòi hỏi mới của xã hội. Bên cạnh những kết quả quan trọng đó, chúng ta cũng nhìn thẳng vào sự thật về những hạn chế, thiếu sót trong quá trình chuyển đổi số làm giảm hiệu quả đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mặc dù Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW trong đó có chỉ đạo cụ thể về vấn đề hoàn thiện thể chế, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia, song quá trình này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Đặc biệt, việc số hóa dữ liệu về Đảng, Nhà nước và nhân dân còn chậm, thiếu rất nhiều cơ sở dữ liệu (do lạm dụng chế độ bảo mật, không đưa lên cơ sở dữ liệu quốc gia, ngành, địa phương hoặc thiếu trách nhiệm chia sẻ cơ sở dữ liệu,...)1 chính là kẽ hở để các thế lực thù địch số hóa các dữ liệu giả, dùng công nghệ số để tích hợp, phân tích, tạo ra các dữ liệu xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật... hòng chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" khẳng định: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân. Nghị quyết chỉ rõ việc phải đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền chính trị; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao, hấp dẫn; tăng cường thông tin tích cực đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội... Ðể làm được điều này, một trong những việc cần làm trước hết là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng internet và các nền tảng số. Trong đó, cần quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện tốt Luật An ninh mạng và "Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội" do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành; tuân thủ nghiêm nguyên tắc sử dụng mạng xã hội, khai thác, sử dụng internet một cách hiệu quả, thiết thực và lành mạnh. Bện cạnh đó, cũng cần phải tăng cường việc ứng dụng công nghệ số trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng. Dựa vào chuyển đổi số, chúng ta cần tạo ra các nội dung, sản phẩm truyền thông chất lượng, phù hợp với các đối tượng khác nhau trong xã hội. Hiện nay các hình thức truyền thông như video, podcast, infographics,... đang được ưa chuộng. Ðây là những hình thức truyền tải thông tin đa dạng và hấp dẫn, giúp cho các đối tượng khác nhau có thể tiếp cận với thông tin tuyên truyền dễ dàng và nhanh chóng hơn. Do đó trong công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng cần khai thác, phát huy hiệu quả các hình thức biểu đạt mới, gần gũi, giàu tính thuyết phục, hấp dẫn; Cần tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ, đảng viên về các kỹ năng, kiến thức sử dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, để mỗi cá nhân nắm rõ cơ chế hoạt động của các mạng xã hội, các trang thông tin điện tử và sử dụng một cách thành thạo, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về an ninh thông tin, bảo mật thông tin trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng./. Phan Văn Lãn
1. Tạp chí Cộng sản điện tử, số ra ngày 16/02/2024