Một khu vực nuôi tôm hùm ở Nha Trang, Khánh Hoà (Ảnh: Đ.H)
Nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc và có bờ biển dài, rất thuận lợi phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua với mức tăng bình quân là 9,07%/năm. Theo số liệu của Tổng cục Thuỷ sản, tổng sản lượng thủy sản sản xuất năm 2016 đạt hơn 6,7 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2015. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3.076 ngàn tấn, tăng 3% so với năm 2015. Trong khai thác thủy sản, nhiều mô hình liên kết tổ chức sản xuất đã xuất hiện như chuỗi liên kết khai thác và chế biến cá ngừ đại dương. Các công nghệ khai thác hiện đại, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác và bảo quản chất lượng sản phẩm đã được ứng dụng trong thực tiễn để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 3.650 ngàn tấn, tăng 1,9% so với năm 2015.
Nhờ sản lượng thuỷ sản ngày càng tăng, đã góp phần thúc đẩy ngành chế biến phục vụ cho xuất khẩu. Năm 2016, giá trị xuất khẩu đạt trên 7 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thuỷ sản đã đạt 3,6 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Sản phẩm thủy sản được xuất khẩu sang 164 nước và vùng lãnh thổ. 3 thị trường chính là EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... chiếm trên 54% tỷ trọng. Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đã hình thành một số công ty quy mô lớn, công suất các nhà máy lớn tăng nhanh, vượt xa tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Trong hoạt động chế biến thuỷ sản, trước đây chủ yếu chỉ chế biến các sản phẩm dạng đông, nhưng hiện nay tỷ lệ sản phẩm giá trị ngày càng tăng, đến nay ước đạt khoảng 35%. Các sản phẩm sushi, sashimi, surimi, chế biến sâu đã có mặt ở hầu hết các nhà máy chế biến xuất khẩu. Một xu hướng mới hiện nay là chế biến phụ phẩm đạt hiệu quả cao, mang lại lợi ích kinh tế lớn và giảm thiểu tác động đến môi trường. Nhiều nhà máy đã nghiên cứu nhập dây chuyền công nghệ đồng bộ chế biến phụ phẩm cá để sản xuất dầu cá và bột cá chất lượng cao.
Xu hướng này cho thấy tình hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thuỷ sản ngày càng được đẩy mạnh. Việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực thuỷ sản ở nước ta trong thời gian qua có bước chuyển biến đáng kể, thông qua các chương trình hỗ trợ đầu tư đóng tàu cá xa bờ và các dự án khuyến ngư. Nhiều tàu cá đã có các thiết bị điện tử hàng hải, máy thu dây, thu lưới và các thiết bị thông tin liên lạc. Một số kỹ thuật, công nghệ sơ chế, bảo quản sản phẩm thuỷ sản đã bước đầu được nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng vào thực tế của ngành khai thác thủy sản.
Hầu hết các kỹ thuật, quy trình công nghệ, thiết bị tiên tiến trong nuôi trồng thuỷ sản trên thế giới đều đã được nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tại Việt Nam như: công nghệ điều khiển giới tính và chọn giống theo tình trạng mong muốn trong sản xuất giống; hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS), kỹ thuật nuôi ghép và nuôi kết hợp, nuôi cá nước lạnh… trong công nghệ nuôi; công nghệ enzym, vi sinh, hoá sinh, sản xuất vacine… ứng dụng trong sản xuất thức ăn, chế phẩm trong nuôi trồng thủy sản và quản lý môi trường dịch bệnh trong quá trình nuôi.
Việc đầu tư, đổi mới trang thiết bị, ứng dụng công nghệ chế biến thuỷ sản cũng có bước phát triển vượt bậc. Trình độ công nghệ chế biến sản phẩm thuỷ sản đông lạnh của Việt Nam được đánh giá là tiên tiến so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Các trang thiết bị, máy móc hiện đại, có năng suất cao, đảm bảo chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm như: hệ thống cấp đông IQF, hệ thống làm đá vảy, đá khô, đá lỏng, dây chuyền chế biến liên hoàn, máy phân cỡ, lạng da, máy rà kim loại, máy đóng gói hút chân không.
Việc nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ trong chế biến thủy sản đã tạo ra nhiều mặt hàng mới, làm thay đổi cơ cấu sản phẩm thủy sản từ những mặt hàng thủy sản sơ chế, đến nay sản phẩm thủy sản Việt Nam đã rất phong phú, đa dạng, các mặt hàng chế biến sâu, chế biến giá trị gia tăng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao (làm sẵn, ăn liền) ngày càng nhiều, mẫu mã, bao bì sản phẩm hấp dẫn. Nhiều sản phẩm bao gói nhỏ, tiêu thụ tại các siêu thị đang được khách hàng ưa chuộng. Cơ cấu mặt hàng thủy sản xuất khẩu đang chuyển biến tích cực từ xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm thô, sơ chế là chính sang sản phẩm có hàm lượng công nghệ chế biến cao hơn như đồ hộp, sản phẩm ăn liền sashimi, tẩm bột, bánh nhân thủy sản, chả giò, xúc xích, xông khói, hấp chín, tẩm gia vị ăn liền, surimi và các sản phẩm mô phỏng tôm, cua,....
Để nâng cao chất lượng sản phẩm thuỷ sản, công tác giống cũng được tập trung nghiên cứu và đưa vào ứng dụng. Chẳng hạn, Tập đoàn Minh Phú đã và đang ứng dụng công nghệ cao, hợp tác với các viện nghiên cứu trong và ngoài nước để chọn tạo tôm bố mẹ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) kháng bệnh phù hợp với tình hình dịch bệnh và biến đổi khí hậu của nước ta hiện nay. Ngoài ra, trong lĩnh vực sản xuất giống, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết thiết bị hiện đại, không sử dụng kháng sinh để sản xuất ra con giống tốt có chất lượng như Công ty CP Thái Lan, Việt Úc, Nam Miền Trung, Thông Thuận, Đắc Lộc…
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác và nuôi trồng thủy sản ngày càng được đổi mới, nhưng đội tàu khai thác hải sản, các cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản của nước ta vẫn bấp bênh, chưa ổn định, chưa phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại. Chẳng hạn, những ngày gần đây, dư luận rất quan tâm đến chất lượng của nhiều tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ ở nhiều địa phương không đảm bảo. Điều này không những gây ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt và khai thác thuỷ sản, mà còn tác động xấu đến niềm tin của công luận đối với một số cơ quan chức năng. Ngành thuỷ sản vẫn sử dụng nhiều lao động, năng suất còn thấp, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn cao. Vẫn còn rủi ro dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm và tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này dẫn đến sản xuất thủy sản ở nước ta đạt hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững và không ổn định.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của các tồn tại, hạn chế nêu trên là việc chậm đổi mới công nghệ. Hiệu quả hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào thực tế sản xuất thủy sản chưa cao. Thực tế, hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất thủy sản trong thời gian qua mang tính tự phát, manh mún, thiếu đồng bộ, sức lan tỏa chưa cao, chưa phù hợp điều kiện sản xuất thực tiễn.
Để ngành thuỷ sản đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, chất lượng sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu, theo Tổng cục Thuỷ sản, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất vật tư đầu vào như công nghệ enzym, vi sinh, hoá sinh, sản xuất vacine, thức ăn, chế phẩm và quản lý môi trường dịch bệnh chất lượng cao phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. Ứng dụng công nghệ di truyền để tạo giống sinh trưởng nhanh, sạch bệnh, kháng bệnh phục vụ nuôi hiệu quả. Ứng dụng công nghệ cao để phát triển hệ thống máy kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thuỷ sản cho các địa phương và thiết lập quản lý bằng công nghệ điện toán đám mây. Nhân rộng mô hình nuôi và chăm sóc quản lý nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, siêu thâm canh; ứng dụng hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm; nuôi quảng canh, sinh thái (tôm - rừng, tôm – lúa) và bán thâm canh tôm nước lợ an toàn sinh học và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Trong khai thác thuỷ sản, ứng dụng công nghệ cao trong quy trình kỹ thuật khai thác cá ngừ và cá nổi nhỏ hiệu quả ở vùng biển xa bờ bằng tàu lưới vây đuôi. Ứng dụng công nghệ cao trong công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương, mực và cá nổi trên tàu khai thác hải sản xa bờ đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức có sai phạm trong việc ứng dụng công nghệ mới của ngành thuỷ sản.
Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nano, công nghệ CAS, công nghệ cấp đông siêu nhanh, sấy chân không thăng hoa, sấy bức xạ hồng ngoại, công nghệ enzyme, công nghệ bảo quản thủy sản sống bằng phương pháp ngủ đông, bao gói MAP (Modified Atmosphere Packaging), để tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao, tiện dụng, mẫu mã bao bì đẹp, phù hợp với thị hiếu từng thị trường. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thủy sản. Tập trung vào các đối tượng chủ lực, hải sản, đặc biệt là cá tra vì hiện nay vẫn chủ yếu là sản phẩm phi lê đông lạnh.
Về cơ chế, cần ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp một cách cụ thể và thiết thực, đặc biệt chính sách hỗ trợ tiền thuê đất của dân, kinh phí chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, chi phí đào tạo lại cho nông dân và truyền thông xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển được tham gia vào các dự án khoa học công nghệ bình đẳng như các cơ sở nghiên cứu công. Sửa đổi Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với quá trình tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sửa đổi Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Có chính sách tín dụng trung hạn cho đầu tư nông nghiệp; hướng dẫn bộ thủ tục mẫu gọn nhẹ, thuận lợi về giao dịch vốn đối với các dự án nông nghiệp. Đẩy mạnh triển khai chính sách về bảo hiểm nông nghiệp trong đó có thuỷ sản.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thành lập trung tâm, viện nghiên cứu, tham gia thực hiện các nhiệm vụ có hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước như các đơn vị nghiên cứu công lập. Hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp liên kết với những tổ chức công nghệ để thúc đẩy quá trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong thuỷ sản. Khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ nhập khẩu công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Đầu tư công nghệ cao cần tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm. Tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu và các sản phẩm thay thế nhập khẩu, các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh. Đẩy mạnh phát triển công nghệ sau thu hoạch, tạo ra những ưu thế so sánh nhất định. Có như vậy mới nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao về cho đất nước, cho doanh nghiệp và ngư dân.
Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, mang tri thức và tiến bộ khoa học công nghệ từ nhà khoa học đến với nông dân, giúp họ áp dụng vào thực tiễn, thay đổi tập quán làm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm thuỷ sản. Chính sự liên kết này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, giúp nông dân nâng thu nhập và nhà khoa học có động lực để nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ cao…/.
Đặng Hiếu