Làm thế nào để chuyển giao kế nghiệp thành công? 

(ĐCSVN) - Kế nghiệp, duy trì và phát triển doanh nghiệp qua nhiều thế hệ là mong muốn của các doanh nghiệp gia đình. Nhiều chuyên gia khẳng định, giai đoạn mong manh nhất đối với một doanh nghiệp gia đình là giai đoạn doanh nghiệp được truyền từ thế hệ sáng lập sang thế hệ tiếp theo.

 

Nhằm làm rõ vấn đề này, ngày 25/6, tại Hà Nội, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam 2019 với chủ đề “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công”.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Ảnh: K.D)

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, doanh nghiệp gia đình hay rộng ra là kinh tế gia đình chính là hạt nhân của nền kinh tế tại bất cứ quốc gia nào. Hiện 40% GDP trong nền kinh tế thế giới được tạo ra bởi các doanh nghiệp gia đình với những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Hyundai, Estée Lauder….

Tại Việt Nam, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam có nhiều doanh nghiệp gia đình và không ít trong số này có cổ phiếu thuộc nhóm mã bluechips trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Vietjet, Thành Thành Công, Kido… “Thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp gia đình, của hộ kinh doanh cũng là thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước. Do đó, để chuyển giao kế nghiệp thành công doanh nghiệp gia đình, mỗi doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp gia đình cần một tầm nhìn, một kế hoạch cụ thể”, ông Lộc nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về thực trạng chuyển giao quyền lực trong doanh nghiệp gia đình. Nhiều ý kiến cho rằng, rất khó tìm ra một công thức chung cho chuyển giao thành công cho tất cả các doanh nghiệp gia đình vì có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến việc chuyển giao, kể cả yếu tố thị trường và cạnh tranh.

Ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam nhận định: 95% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp gia đình và 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam chiếm tới 20% GDP. Nhưng phần lớn các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang được dẫn dắt bởi thế hệ đầu hoặc đang có sự đan xen quản lý và điều hành giữa hai thế hệ nên thực trạng chuyển giao “quyền lực” nếu có chỉ có thể nói đại đa số vẫn trong thời kỳ quá độ, đan xen chứ chưa thấy được sự chuyển giao tuyệt đối. Để có “thực đơn” tốt nhất cho doanh nghiệp gia đình Việt Nam phát triển chuyên nghiệp và chuyển giao kế nghiệp thành công, ông Đoàn cho rằng, giữa các thế hệ phải thường xuyên có đối thoại, phản hồi và thế hệ kế nghiệm phải được trao quyền. Cạnh đó, tinh thần học tập của thế hệ kế nghiệm cũng là yếu tố hết sức quan trọng quyết định sự chuyển giao thành công.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế (Ảnh: K.D) 

Ông David Tay – Giám đốc Phát triển kinh doanh, PwC Malaysia và Việt Nam - chia sẻ, khảo sát của PwC cho thấy, 80% doanh gia đình kỳ vọng doanh thu của doanh nghiệp gia đình tăng ở mọi lĩnh vực, có đến 69% kỳ vọng doanh nghiệp thu cao hơn, và có 16% kỳ vọng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ. Doanh nghiệp điều hành ở thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai thường là giai đoạn doanh nghiệp có doanh thu cao nhất. Tuy nhiên, xu hướng giảm dần từ thế hệ thứ ba, thứ tư trở đi.

Chia sẻ 5 yếu tố dẫn đến thành công khi xây dựng kế hoạch chuyển giao thành công ở thế hệ thứ nhất, ông David Tay cho hay, thế hệ thứ nhất phải xác định được họ muốn để lại gì, chuyển giao như thế nào cho thế hệ thứ hai; cần phải xác định được một kế hoạch chuyển đổi lãnh đạo thế nào; cần có đội ngũ cố vấn phù hợp hơn để việc chuyển giao được dễ dàng hơn; tiếng nói và và sự tư vấn từ Hội đồng quản trị của công ty; xác định điều cần cải tiến trong kế hoạch kế nghiệp và được xem là điều cần thiết trong kế hoạch kế nghiệp.

Cùng với đó, ông David Tay cũng nêu ra 5 bước cho thế hệ kế cận để chuyển giao thành công gồm: thế hệ kế nghiệm thứ hai xác định được điều gì chờ mình ở phía trước, ai là người được kế nghiệp; thế hệ kế nghiệp thứ hai cần được trao đổi với thế hệ thứ nhất để nhận thấy rằng quan điểm và suy nghĩ của mình được lắng nghe; thế hệ kế nghiệp thứ hai cần hệ thống tư vấn pháp lý và thuế tốt để tiết kiệm thời gian; trao cho thế hệ kế nghiệp những nhà cố vấn giỏi; thế hệ kế nghiệp cần được chuyển giao công việc một cách rõ ràng….

Cũng theo khảo sát doanh nghiệp gia đình của PwC năm 2018 với 2.953 người tham gia tại 53 quốc gia cho thấy 84% kỳ vọng sẽ tăng trưởng doanh thu trong 2 năm tới, 75% cho rằng lợi thế cạnh tranh được tạo ra từ hệ giá trị rõ ràng, 85% không có kế hoạch kế nhiệm bài bản và chi tiết, 80% lo ngại về sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật số và công nghệ. Còn theo nghiên cứu của Deloitte toàn cầu, chỉ có 30% doanh nghiệp gia đình thực hiện chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 2, 12% chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 3 và chỉ 3% chuyển giao thành công sang thế hệ thứ 4 và các thế hệ tiếp theo.../.

Kim Dung

403 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 822
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 822
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87138033