Quang cảnh buổi tiếp (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bộ trưởng Lê Thành Long chân thành cảm ơn Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã dành thời gian tiếp đoàn; báo cáo với Thủ tướng về kết quả hợp tác giữa hai bộ trong thời gian qua và phương hướng hợp tác giữa hai bộ trong thời gian tới; khẳng định từ khi chính thức được thiết lập cách đây 35 năm, quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Lào nói chung, giữa Bộ Tư pháp hai nước nói riêng ngày càng phát triển mạnh mẽ theo hướng đi vào thực chất và có chiều sâu. Hai bên thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực như: xây dựng, thực thi pháp luật, thi hành án, đào tạo bồi dưỡng về luật, khuyến khích tăng cường hợp tác giữa các cơ quan tư pháp địa phương.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh Bộ Tư pháp Việt Nam không chỉ rất quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Lào, mà còn sẵn sàng giúp Lào đào tạo nguồn nhân lực trong phạm vi khả năng của bộ. Nhân dịp này, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng kiến nghị Chính phủ Lào tiếp tục giải quyết vấn đề quốc tịch cho người Việt tại Lào...
Thủ tướng Lào nhiệt liệt chào mừng đoàn đến thăm, đánh giá cao việc đồng chí Lê Thành Long chọn Lào là quốc gia đầu tiên đến thăm và làm việc sau khi nhậm chức bộ trưởng, khẳng định điều này cho thấy cá nhân Bộ trưởng và Bộ Tư pháp Việt Nam rất coi trọng và quan tâm tới việc hợp tác với Lào. Thủ tướng Thongloun Sisoulith cho biết chuyến thăm và làm việc của đoàn diễn ra vào thời điểm quan trọng khi hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đang tưng bừng kỷ niệm Năm Hữu nghị, Đoàn kết Lào – Việt Nam 2017, khẳng định điều này sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đặc biệt giữa hai nước Lào – Việt Nam anh em.
Nhân dịp này, Thủ tướng Lào cũng chúc mừng Bộ Tư pháp Việt Nam, cá nhân Bộ trưởng Lê Thành Long cùng nhiều lãnh đạo và các tập thể của bộ nhận được Huân chương cao quý của Đảng và Nhà nước Lào, khẳng định đây là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước Lào đối với sự đóng góp của Bộ Tư pháp Việt Nam cho sự phát triển của ngành tư pháp Lào nói riêng và quan hệ giữa hai nước nói chung.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith cho biết trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa hiện nay của hai nước, số lượng án tranh chấp dân sự, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế ngày càng nhiều và phức tạp, do vậy, việc hai bộ tăng cường hợp tác là rất quan trọng. Thủ tướng Lào cho biết Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và sửa đổi luật, trong khi công tác xây dựng luật của Lào còn nhiều vấn đề, do vậy Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp Việt Nam tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và giúp Lào đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cho các cán bộ và nhân viên làm việc trong các lĩnh vực liên quan tới tư pháp.
Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Chính phủ Lào tiếp tục giải quyết vấn đề quốc tịch cho người Việt tại Lào, Thủ tướng Thongloun Sisoulith cho biết trong thời gian tới, phía Lào sẽ cố gắng để người dân Việt xin nhập quốc tịch Lào được hoàn thành thủ tục một cách nhanh nhất và đúng pháp luật Lào.
Sáng cùng ngày tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào đã tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 35 năm hợp tác tư pháp Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Lào Sonesay Siphandone (Xỏn-xay Xì-phăn-đon), Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp Lào Sayxi Santivong, cùng đông đảo các quan chức hai bộ và hơn 1.000 cán bộ, sinh viên các trường liên quan tới ngành tư pháp của Lào.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Sayxi Santivong cho biết trong suốt 35 năm kể từ khi hai ngành thiết lập quan hệ hợp tác, hợp tác trong lĩnh vực Pháp luật và công tác Tư pháp của hai Bộ tư pháp Lào và Việt Nam không ngừng phát triển ngày càng thực chất và hiệu quả. 35 năm qua, Bộ Tư pháp Việt Nam đã giúp đỡ Lào rất nhiều trong công tác chuyên môn và cung cấp thiết bị giúp ngành tư pháp Lào hoạt động hiệu quả, như cử chuyên gia sang hỗ trợ trong việc xây dựng chương trình giảng dạy trung cấp Luật cho Bộ Tư pháp Lào; cử chuyên gia, chuyên viên giàu kinh nghiệm sang hỗ trợ việc xây dựng soạn thảo bản Hiến Pháp đầu tiên của Lào đã có hiệu lực ngày 15/8/1991; giúp bồi dưỡng kỹ thuật xây dựng soạn thảo và sửa đổi bổ sung các Luật trong lĩnh vực chính trị-hành chính, kinh tế-văn hoá, xã hội...
Ngoài ra, Bộ Tư pháp Việt Nam cũng luôn quan tâm, chú trọng tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp cho Lào, trong 35 năm qua, bộ đã giúp đào tạo được nguồn nhân lực Pháp luật cho Lào từ Trung cấp đến Tiến sĩ tổng cộng: 627 người, trong đó gồm 143 cử nhân, 72 thạc sỹ và 4 tiến sỹ. Những cán bộ, sinh viên đã tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo Luật của Việt Nam phần lớn đã được tuyển vào phục vụ cho Đảng và Nhà nước, các cơ quan tổ chức trên nhiều lĩnh vực của Lào và đa số trong nguồn nhân lực được đào tạo tại Việt Nam được nhận chức danh quan trọng của Đảng và Nhà nước Lào, trở thành cán bộ trụ cột và lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương của Lào.
Thay mặt Ban cán sự Đảng và lãnh đạo ngành Tư pháp các cấp Lào, Bộ trưởng Saysi đã chân thành cảm ơn và tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung và Bộ Tư pháp Việt Nam nói riêng đã có sự hỗ trợ vô cùng quý giá cho Bộ Tư pháp Lào trong suốt 35 năm qua, khẳng định điều này đã giúp ngành Tư pháp của Lào phát triển không ngừng.
Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết các hoạt động hợp tác trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao kiến thức giữa hai bộ trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực cho các thiết chế của mỗi bên; ghi nhận và đánh giá cao công lao, những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ tư pháp của hai nước, những đồng chí, người bạn đã đồng cam cộng khổ trong mỗi bước đường trưởng thành của hai Ngành Tư pháp Việt – Lào.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân các dân tộc Lào và Ngành Tư pháp Lào anh em đã ủng hộ mạnh mẽ và luôn kề vai, sát cánh cùng Ngành Tư pháp Việt Nam trong suốt 35 năm qua...
Cũng tại Lễ Mít tinh, để ghi nhận công lao đóng góp của các cá nhân và tập thể của hai bộ đối với sự phát triển của ngành tư pháp Lào và Việt Nam, Đảng, Nhà nước hai nước đã trao tặng Huân chương Issala (Tự do), Huân chương Độc lập và nhiều huân, huy chương khác cho các cá nhân và tập thể của hai bộ./.
Theo TTXVN