Quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Nga trong thời gian qua đã đạt được những thành quả tốt đẹp.

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiến hành chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 29/11-2/12/2021.

Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga năm 2020 và tổ chức Năm Chéo tại mỗi quốc gia (2019-2020) nhân kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ hữu nghị Việt - Nga và 20 năm ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Nga (2001-2021).

Kế thừa di sản quý báu của quan hệ Việt Nam - Liên Xô và xây dựng quan hệ Việt Nam - LB Nga trong tình hình mới, ngày 16/6/1994, Việt Nam và LB Nga đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và LB Nga. Ðây là một sự kiện lịch sử trọng đại, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho mối quan hệ Việt Nam - LB Nga trong giai đoạn phát triển mới. Từ đó đến nay, mặc dù phải tập trung giải quyết nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi ở Nga và đổi mới ở Việt Nam, nhưng bằng tình cảm trân trọng về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, lãnh đạo và nhân dân hai nước đã có nhiều nỗ lực trong việc vun đắp và thúc đẩy quan hệ Việt Nam – LB Nga lên tầm cao mới.

Trải qua 71 năm, quan hệ song phương ngày càng sâu sắc với những thành quả tốt đẹp trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng…Quan hệ chính trị Việt Nam-LB Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Từ năm 2020, bất chấp tác động của dịch bệnh COVID-19, tiếp xúc cấp cao song phương vẫn được duy trì thường xuyên thông qua điện đàm, hội nghị trực tuyến giữa tất cả các lãnh đạo chủ chốt của hai nước: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Nga Putin (tháng 4/2021), Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga, Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất Medvedev (tháng 2/2021); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Nga Putin (tháng 9/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Nga Matviyenko (tháng 6/2021); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (tháng 5/2021) và thăm chính thức Nga vào tháng 9/2021.

Hai nước duy trì nhiều cơ chế phối hợp và đối thoại như Đối thoại chiến lược Ngoại giao-Quốc phòng-An ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng… Ngoài ra, hai bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp Cục, Vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.

Việt Nam và Nga đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA)... Nga ủng hộ lập trường của Việt Nam về giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC).

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong ứng phó dịch bệnh. Trong giai đoạn đầu, Chính phủ Việt Nam, Quốc hội, các Bộ, ngành của Việt Nam đã tặng Nga khẩu trang y tế và một số vật tư y tế.

Hai nước duy trì phối hợp chặt chẽ trong ứng phó dịch bệnh, đặc biệt trong việc cung ứng và chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 trong giai đoạn hiện nay, bắt đầu triển khai các hợp đồng cung cấp vắc-xin Sputnik V của Nga cho Việt Nam (lô đầu tiên gồm 740.000 liều đã về Việt Nam cuối tháng 9/2021) và hợp tác sản xuất vắc-xin Nga tại Việt Nam (Nga đã cung cấp sinh phẩm đủ để sản xuất 1 triệu liều).

Hai nước duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, thành lập từ năm 1992 và được nâng cấp lên cấp Phó Thủ tướng từ năm 2011. Ủy ban liên Chính phủ họp thường niên, gần đây nhất, vào tháng 10 hai bên đã tiến hành Khóa họp lần thứ 23 (theo hình thức trực tuyến).

Trao đổi thương mại phát triển tích cực thời gian qua. Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt gần 4,85 tỷ USD, tăng gần 9% so với năm 2019, trong đó xuất khẩu đạt 2,85 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2 tỷ USD. Kim ngạch thương mại trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 3,6 tỷ USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: điện thoại, điện tử, dệt may, giầy dép, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: than đá, lúa mì, sắt thép, phân bón, ô tô, máy móc, thiết bị các loại…

Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á-Âu, mà Nga là thành viên, đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do vào ngày 29/5/2015, có hiệu lực từ ngày 05/10/2016.

Về đầu tư, tính đến tháng 4 năm nay, Nga đứng thứ 25 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 144 dự án và tổng số vốn đăng ký khoảng 944 triệu USD. Đầu tư của Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khai khoáng, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo...

Việt Nam có hơn 20 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn đăng ký gần 3 tỷ USD, chủ yếu của các dự án Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Trung tâm Văn hóa-Thương mại Hà Nội-Moscow, Dự án chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của Tập đoàn TH tại Nga. Các doanh nghiệp Nga quan tâm tham gia vào dự án Nhiệt điện khí hóa lỏng tại Cà Ná, Ninh Thuận; dự án Khu công nghiệp Việt-Nga tại Hải Phòng; dự án Điện gió ngoài khơi tại Vĩnh Phong, Bình Thuận...

Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, các Tập đoàn dầu khí lớn của Nga như Gazprom và Rosneft đang triển khai nhiều dự án tại thềm lục địa Việt Nam, bao gồm tại các khu vực xa bờ. Các doanh nghiệp dầu khí hai nước đang xem xét, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như điện khí, điện hóa lỏng, năng lượng tái tạo…

Hợp tác văn hóa, du lịch giữa hai nước cũng luôn được thúc đẩy. Các hoạt động giao lưu văn hoá được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga.

Hai bên tổ chức thường niên và luân phiên Những Ngày Văn hóa tại Việt Nam và Nga. Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch ở Việt Nam. Nếu năm 2012, Việt Nam chỉ đón 176 nghìn lượt khách du lịch Nga, thì năm 2019 con số này đã tăng lên trên 660 ngàn lượt khách, đưa Nga trở thành thị trường du lịch lớn nhất châu Âu của Việt Nam.

Về hợp tác giáo dục-đào tạo, trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40 nghìn cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2019, Nga đã tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1000 suất/năm. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Liên bang Nga.

Hợp tác an ninh-quốc phòng được đẩy mạnh. Việt Nam và Nga duy trì Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Nga là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, với việc việc tiếp tục cung cấp các vũ khí và khí tài cho Việt Nam. Hai bên đã tiến hành Đối thoại chiến lược Quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng, lần thứ 5 gần đây nhất vào tháng 12/2019.

Hợp tác khoa học-công nghệ tiếp tục được duy trì. Hai nước đã thực hiện các dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Trung tâm Nhiệt đới tại Việt Nam mang lại nhiều kết quả tích cực. Hai bên đang triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân.

Việt Nam và Nga cũng tăng cường hợp tác địa phương thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Nhiều địa phương hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác, đặc biệt giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Moscow. Tháng 11/2013, Trung tâm Văn hóa-thương mại Hà Nội được khai trương tại Moscow.

Cộng đồng người Việt Nam (khoảng 60-80 nghìn người) đã tồn tại và làm ăn, sinh sống tại Nga ba thập niên, có những đóng góp đáng kể cho đất nước, luôn đi đầu trong các hoạt động từ thiện. Tại Liên bang Nga đã thành lập các tổ chức của người Việt như Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, Hội doanh nghiệp, Hội Cựu chiến binh, Hội sinh viên tại Moscow, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Y Dược, Hội võ thuật, các Hội đồng hương.

Với nền tảng của mối quan hệ hữu nghị đoàn kết và hợp tác lâu đời, chúng ta tin tưởng, chuyến thăm chính thức LB Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp. Chuyến thăm sẽ tiếp tục góp phần nâng cao hơn nữa sự tin cậy giữa hai bên, làm sâu sắc và cụ thể hóa mối Quan hệ đối tác chiến lược, đề ra các biện pháp cụ thể trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện một cách thiết thực và có hiệu quả cao hơn.

 
Mạnh Hùng