Làm rõ vai trò, vị trí của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam 

(Chinhphu.vn) - Các ý kiến tập trung thảo luận về những nội dung lớn còn khác nhau liên quan đến vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam; phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; quy định các trường hợp nổ súng của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam tại phiên họp thứ 25 diễn ra vào sáng 11/7.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) đã phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam được xây dựng gồm 8 chương, 47 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến tập trung thảo luận về những nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau liên quan đến vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam; phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; quy định các trường hợp nổ súng của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam; phối hợp hoạt động;...

Về vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 1), một số ý kiến đề nghị quy định Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; một số ý kiến đề nghị quy định CSBVN là lực lượng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; có ý kiến đề nghị không quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất nên quy định CSBVN thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, vì trong nội dung điều 4 về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của CSBVN quy định rõ: “Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, thống lĩnh của Chủ tịch nước, quản lý thống nhất của Chính phủ, quản lý và điều hành trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng”, điều này cũng đã thể hiện rõ CSBVN thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Cũng về vấn đề trên, theo báo của UBQPAN, hiện nay, việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; tình hình an ninh, trật tự trên biển diễn biển khó lường; tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức và tội phạm ma túy diễn biến phức tạp; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống gia tăng; môi trường hoạt động trên biển khó khăn, khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ CSBVN thường xuyên phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có thể hy sinh. Nếu quy định CSBVN là lực lượng dân sự thì khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, nhất là việc tham gia giải quyết các “tình huống quốc phòng, an ninh” trên biển như trong thời gian vừa qua.

Về chức năng của CSBVN (khoản 2), một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định “CSBVN có chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển” là trùng lặp một phần chức năng của một số lực lượng khác, nên đề nghị sửa lại thành “CSBVN phối hợp với các lực lượng khác và góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển”, vì đây là nhiệm vụ chung của các lực lượng trên biển.

Về vấn đề này, UBQPAN cho rằng, các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển diễn biến phức tạp, khó lường luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang.

Thực tiễn 20 năm thi hành Pháp lệnh đã chứng minh một trong những hoạt động chủ yếu của CSBVN là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; là lực lượng chuyên trách của Nhà nước làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ an ninh quốc gia và đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Việc Pháp lệnh chưa quy định chức năng này cho CSBVN chưa tương xứng với vị trí của CSBVN.

Vì vậy, UBQPAN đề nghị UBTVQH cho giữ nguyên quy định “bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển…” như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và một số đại biểu cho rằng đây là một luật có liên quan đến nhiều dự án luật khác cũng như những điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, vì vậy, cần phải được xây dựng thận trọng, nhất là những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí của CSBVN. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị dự án Luật quy định rõ về các trường hợp nổ súng của cán bộ, chiến sỹ CSBVN.

Trong báo cáo xin ý kiến của UBTVQH, về vấn đề quy định các trường hợp nổ súng của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 3 Điều 14 dự thảo Luật Chính phủ trình), UBQPAN cho biết việc sử dụng vũ khí quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đã được quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Vì vậy, đề nghị không quy định nội dung này trong Luật.

Mặt khác, UBQPAN cũng thấy rằng, điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mới chỉ quy định trường hợp nổ súng vào phương tiện giao thông đường thủy, chưa quy định nổ súng vào tàu thuyền trên biển gây khó khăn, hạn chế cho CSBVN trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên biển, đặc biệt là trong đấu tranh phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền theo Hiệp định ReCAAP mà Việt Nam là thành viên.

Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển trong thực hiện nhiệm vụ, UBQPAN đề nghị UBTVQH cho tách khoản 3 Điều 14 dự thảo Luật Chính phủ trình và chỉnh lý thành Điều 15 quy định về trường hợp nổ súng của cán bộ, chiến sỹ CSBVN như dự thảo Luật dự kiến tiếp thu.

Nguyễn Hoàng

1052 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 643
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 643
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87010406