Làm rõ nhiều vấn đề 'nóng' tại họp báo Chính phủ thường kỳ 

(Chinhphu.vn) - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề được báo chí và dư luận quan tâm.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PV Ngọc An (báo Tuổi trẻ TTHCM): Chính phủ sẽ cố gắng kiểm soát dịch bệnh trước Tết Nguyên đán, hiện nay tình hình Hải Dương và Quảng Ninh cũng đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên dịch ở Hà Nội vẫn diễn biến khá phức tạp. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng như Bộ Y tế có thể thông tin rõ hơn, hiện nay khả năng kiểm soát dịch bệnh trên các địa bàn như thế nào?

Tới đây nhiều người dân sẽ về quê ăn Tết, nhiều địa phương có đề nghị cách ly với những người về từ vùng dịch. Chính phủ có chỉ đạo như thế nào để cách ly và phòng chống dịch đúng và đảm bảo?

Cuộc họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng có nêu về tổ công tác đặc biệt để giải quyết khó khăn cho đầu tư, xin Bộ trưởng cho biết thêm về tổ công tác đặc biệt này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Tới sáng nay (2/2), toàn thế giới ghi nhận 103.875.974 ca. Tại Việt Nam, tới sáng nay, ghi nhận 1.851 ca. Trong buổi sáng, thêm 1 ca ở Hải Dương, tới 12h trưa thêm 6 ca nữa cũng ở Hải Dương.

Đặc thù của đợt dịch bệnh lần này, chúng ta nhắm trúng được 2 địa phương: Vân Đồn (Quảng Ninh) và Chí Linh (Hải Dương).

Trong số những ca bệnh ở Hải Dương, bệnh nhân 1660 được Bộ Y tế chỉ đạo phân tích, qua đó khẳng định bệnh nhân 1660 đã mắc chủng mới lây lan nhanh. Điều đó gây ra quan ngại rằng dịch bệnh lần này dễ lây lan và nhanh hơn các lần trước, lây qua không khí, không riêng gì tiếp xúc gần.

Bộ Y tế sau khi phát hiện được hai ổ dịch đã chỉ đạo quyết liệt cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, tập trung khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm rộng, không để dịch bệnh lây lan quá rộng.

Để nhanh chóng kiểm soát hiệu quả, dập dịch triệt để, không để bùng phát trên diện rộng, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai triệt để Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/1 về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo 22/TB-VPCP, thực hiện các biện pháp chống dịch cần thiết theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và một số tỉnh hiện đang có ca bệnh cần tiếp tục huy động nguồn lực tối đa, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế triển khai các biện pháp truy vết tích cực, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng, chú trọng thực hiện phong toả nhiều lớp, truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần để thực hiện cách ly, xét nghiệm kịp thời.

Các tỉnh, thành phố đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh, đặc biệt Hà Nội, cần thay đổi chiến lược, nâng các biện pháp đáp ứng cao hơn một mức so với đợt dịch trước. Trong đó, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị 15 phù hợp với từng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Xác định trường hợp F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó truy ra F2, coi F2 gần như F1. Thực hiện truy vết đồng thời phải khoanh vùng ngay, khoanh vùng rộng và lấy mẫu toàn bộ người dân tại các khu vực lây nhiễm cộng đồng. Tiến hành khoanh vùng hẹp hoặc nới lỏng khi tất cả các trường hợp đều âm tính; khuyến cáo mạnh, yêu cầu người dân toàn thành phố bắt buộc đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người ở khu vui chơi giải trí, tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu.

Các địa phương chủ động xây dựng phương án chống dịch, tổ chức diễn tập, tập huấn về công tác phòng, chống dịch; sẵn sàng phương tiện, thuốc, vật tư chống dịch, không để bị động, bất ngờ khi có ca bệnh trên địa bàn.

Các khu cách ly tập trung tăng cường thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn phòng, chống lây nhiễm trong khu cách ly, xử lý chất thải y tế theo đúng quy định.

Các ban, bộ, ngành, cơ quan, UBND các cấp đảm bảo nguồn lực, tạo điều kiện hoạt động cho các đơn vị làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Chỉ đạo các đơn vị chức năng ở cơ sở đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng để phát hiện sớm, áp dụng biện pháp phòng, chống dịch kịp thời..

Đối với người dân, Bộ Y tế khuyến cáo một lần nữa thực hiện tốt Thông điệp 5K, vận động người thân khai báo kịp thời, đồng thời cài đặt Bluezone và khuyến khích, động viên người thân không nhập cảnh trái phép.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Nữ công nhân quê xã Hưng Đạo, TP. Chí Linh, ngày 16/1 đã xét nghiệm có kết quả âm tính 2 lần, đi từ sân bay Nội Bài, quá cảnh tại Singapore và đến Nhật Bản vào ngày 17/1, ngày 18/1 xét nghiệm có kết quả dương tính. Sau khi có kết quả như vậy, chúng ta phản ứng rất nhanh. Ngay tại Đại hội XIII của Đảng, 9h sáng 28/1, Thủ tướng Chính phủ đã họp báo, chiều ngày 29/1 đã họp Thường trực Chính phủ để lập tức chỉ đạo khi có ổ dịch xuất hiện ở khu công nghiệp và dịch liên quan đến nhân viên an ninh của Cảng hàng không Vân Đồn. Ngay trưa ngày 28/1, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 05, thực hiện ngay việc phong toả TP. Chí Linh và tạm dừng hoạt động sân bay nội địa Vân Đồn.

Nếu chúng ta kiểm soát được trong vòng 10 ngày thì rất mừng. Đó là mong muốn của người dân và của tất cả các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của toàn thể hệ thống chính trị. Cả hệ thống chính trị đang làm hết sức mình với quyết tâm cao nhất để dập dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất để sớm đem lại cuộc sống an toàn, thanh bình và hạnh phúc cho nhân dân vui xuân, đón Tết.

Giãn cách xã hội là nhà nào ở nhà đó, xã nào ở xã đó, huyện nào ở huyện đó, hạn chế tập trung đông người, không quá 2 người, thực hiện đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…

Các lực lượng công an, quân đội, hệ thống y tế khởi động lại rất nhanh, quyết liệt. Quan trọng là chúng ta khoanh vùng như thế nhưng có dập được hay không là vấn đề khác. Cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân phải cùng làm. Chúng ta phải kiểm soát rất chặt.

Với tổ công tác, như các đồng chí đã biết, giải ngân đầu tư vốn đầu tư công năm 2020 đạt 96,63%, là năm đạt mức cao nhất. Năm 2019, chỉ giải ngân được 76,75%. Đến nay, vốn quy hoạch giao chi tiết đã giao cho các bộ, ngành, địa phương rồi, đã giao 98% dự toán.

Quan trọng là phải tập trung nhanh, giải ngân nhanh vốn đầu tư công ngay những ngày đầu của năm mới. Đã thành lập tổ công tác giúp đỡ các địa phương, đơn vị có thủ tục giải ngân vốn đầu tư công nhanh nhất, tốt nhất.

Việc này đã có tiền lệ từ năm 2020, đã thành lập 5-6 tổ công tác cùng địa phương tháo gỡ thủ tục cho các địa phương, bộ, ngành.

 

 

Ngay sau họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành gặp mặt và chúc Tết các nhà báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

PV Thu Hằng (báo điện tử Vietnamnet): Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp và đã bầu Ban Chấp hành mới. Xin hỏi thời gian tới Chính phủ sẽ chuẩn bị cho việc kiện toàn nhân sự của Chính phủ như thế nào? Các bước sẽ thực hiện ra sao? 

Phóng viên Thanh (báo Pháp luật TPHCM): Sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII kết thúc, trong cuộc họp sáng nay, Thủ tướng có lưu ý gì với các Bộ trưởng không trúng cử Ủy viên Trung ương, có thể trong thời gian tới không ngồi trong Chính phủ không?

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thành công tốt đẹp và đã bầu được Ban Chấp hành gồm 180 đồng chí ủy viên chính thức và 20 đồng chí ủy viên dự khuyết. Tại cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất, đã bầu 18 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, 5 đồng chí Ban Bí thư và phân công một số đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị tham gia Ban Bí thư. 

 

Việc kiện toàn các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ là việc tiếp theo, thời điểm như thế nào, Đảng, Nhà nước sẽ làm theo đúng quy trình về nhân sự. Thời gian cụ thể sẽ phụ thuộc vào quy trình bổ nhiệm, tới đây sẽ bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp, trong quá trình làm sẽ đồng bộ kiện toàn nhân sự.

 

Tinh thần là không có “chợ chiều”, không có tình trạng rã đám, làm ngày nào thì làm đến nơi, không có chuyện lợi dụng “xế chiều”. Các đồng chí thành viên Chính phủ, mặc dù không còn là Uỷ viên Trung ương, nhưng vẫn là thành viên của Chính phủ nên vẫn tiếp tục làm hết sức mình trong vai trò của Bộ trưởng.

PV Hiếu Công (Zingnews): Lãnh đạo sân bay Nội Bài có đề nghị xét nghiệm 3.200 trường hợp liên quan đến COVID-19. Xin hỏi Bộ Giao thông vận tải việc này có ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay Nội Bài không? Bộ có phương án nào để đảm bảo việc hoạt động của sân bay khi có lượng người đi lại tăng cao?

 

Dịch ở Hà Nội dịch đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế có tính đến phương án giãn cách xã hội toàn TP. Hà Nội không?

 

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông: Tất cả các cảng hàng không đều là cửa ngõ giao thông quan trọng của tỉnh, khu vực và quốc tế. Việc thực hiện kiểm soát dịch theo chỉ đạo của Chính phủ luôn luôn được duy trì trong suốt thời gian dịch xảy ra. Vấn đề kiểm soát dịch của cảng hàng không trong thời điểm này đang được kiểm soát tốt và duy trì hoạt động ổn định.

 

Đối với cảng hàng không Nội Bài, tất cả phương tiện đều tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn phòng chống dịch. Khi có dấu hiệu bất kỳ nơi nào có nguy cơ lây lan, thì đều khoanh vùng, truy vết F1, F2 theo quy định.

 

Việc hoạt động của sân bay không ảnh hưởng. Chúng tôi đã chỉ đạo xuyên suốt từ khi dịch xảy ra, chúng ta đang khai thác 22 cảng hàng không, có thể điều tiết lực lượng giữa các sân bay. Hiện nay, mật độ một số chuyến bay ở các cảng hàng không không lớn nên có thể điều tiết được, việc duy trì nhân viên hoạt động đến nay cũng chưa có vấn đề gì.

 

Đối với việc xét nghiệm và kiểm tra y tế, các nhân viên tại cảng hàng không được kiểm tra định kỳ thường xuyên. Khi có nguy cơ, chúng tôi đều có phối hợp với cơ quan y tế để xét nghiệm. Tất cả các cảng hàng không đều thực hiện như vậy, nhằm đảm bảo cả hệ thống luôn luôn được kiểm soát, để có đủ lực lượng hoạt động tại sân bay và điều tiết tại sân bay

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Theo Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động căn cứ tình hình thực tế để xem xét quyết định có giãn cách xã hội địa phương hay không.

PV Hoàng Thùy (báo điện tử VnExpress)Liên quan đến COVID-19, lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19  khẳng định chúng ta sẽ có 10 ngày để có thể dập được dịch khi dịch bắt đầu xuất hiện ở Chí Linh, Hải Dương và ở Quảng Ninh. Tôi muốn hỏi đại diện Bộ Y tế và lãnh đạo VPCP là chúng ta có cơ sở nào để khẳng định được là chúng ta có 10 ngày sẽ dập được dịch?

Cũng liên quan đến vấn đề này, xin hỏi đại diện của Hà Nội, Hà Nội ngày hôm qua có nói rằng nếu  không có tình huống đột xuất thì hết hôm nay (2/2),  Hà Nội sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Vậy cơ sở nào để Hà Nội đưa ra nhận định trên và giờ đã sắp hết ngày 2/2, thì kết quả kiểm soát dịch bệnh của Hà Nội ra sao?

Liên quan đến vaccine, Bộ Y tế có phê duyệt mua vaccine của Anh. Vậy thì khi nào vaccine sẽ về và những đối tượng nào sẽ được ưu tiên để được tiêm vaccine đầu tiên?

PV Văn Kiên (báo Tiền Phong): Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng có yêu cầu sớm có vaccine phòng COVID-19 trong quý I. Đề nghị đại diện Bộ Y tế cho biết rõ hơn về việc chuẩn bị vaccine cho người dân?

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Sau khi phát hiện ra ổ dịch, đã phong tỏa và truy vết rất nhanh, cách ly đối tượng F1, F2 và ngay cả F3 cũng đã được xử lý. Khi phong tỏa, người dân Chí Linh, Hải Dương không được đi ra khỏi khu vực phong tỏa và người ngoài không được vào khu vực phong tỏa. Vấn đề địa giới hành chính thế nào, kể cả Đông Triều có chợ giáp ranh với Chí Linh ra sao, đó là những việc mà Thủ tướng đã giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố tự quyết định trong tình huống cụ thể ở địa phương.

Liên quan đến vaccine, hôm nay Thủ tướng có nói lại là Thủ tướng rất quan tâm đến vấn đề này và Thủ tướng nhiều lần yêu cầu Bộ Y tế quý I/2021 phải nhập được vaccine phòng COVID-19. Đúng là khi các cơ quan Bộ Y tế có đề xuất nghiên cứu thì Thủ tướng đã ủng hộ rồi, các ngành, Bộ Tài chính đều ủng hộ nhưng chúng ta phải nghiên cứu đặt hàng và thị trường phải được người dân chấp nhận. Nếu nay mai chúng ta sản xuất vaccine trong nước tốt hơn, rẻ hơn thì phải ưu tiên cho sản xuất vaccine trong nước, không nhập khẩu. Nhưng trong lúc sản xuất trong nước chưa được thì phải ưu tiên nhập khẩu. Khi có vaccine về, thì sử dụng thế nào, đối tượng nào, lúc đó chúng ta tính sau. Nhưng dứt khoát chúng ta phải có cơ chế, chính sách để cái nào Nhà nước cấp, cái nào Nhà nước thu tiền, khi thực hiện sẽ báo cáo lại các nhà báo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn: Hiện tại, được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Bộ Y tế đã ký quy tắc với Công ty AstraZeneca của Anh. Theo đó trong năm 2021, Công ty này sẽ cung cấp 30 triệu liều vaccine cho Việt Nam.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ, Bộ Y tế đang đàm phán với đối tác để làm sao trong quý I chúng ta bắt đầu có vaccine. Đương nhiên khi mới có thì lượng chưa đủ, chắc chắc chúng ta sẽ dùng cho các đối tượng ưu tiên, bao gồm các cán bộ y tế có liên quan trực tiếp đến công tác phòng chống dịch, các đối tượng lớn tuổi, bệnh nền có nguy cơ cao sẽ tử vong nếu mắc bệnh COVID-19 và một số đối tượng khác như cán bộ ngoại giao. Tuy nhiên, hiện tại khó khăn ở chỗ EU đang hạn chế xuất khẩu trong khi Bộ Y tế đang đàm phán để chúng ta có vaccine nhanh nhất. Ngoài vaccine AstraZeneca, Bộ Y tế cũng đang đàm phán thêm với Pfizer, Moderna và các vaccine của Nga và Trung Quốc.

Đối với vaccine trong nước, chúng ta đang thử nghiệm giai đoạn 1, 2 vaccine Nanocovax của Công ty NANOGEN và chuẩn bị bắt đầu thử nghiệm vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế. Dự kiến, trong tháng 3, chúng ta sẽ thử nghiệm vaccine thứ ba. Đến cuối 2021, đầu 2022, chúng ta sẽ có vaccine trong nước. Như vậy, cùng với vaccine ngoại nhập, chúng ta sẽ hoàn thiện vaccine trong nước khâu thử nghiệm, sản xuất. Chúng tôi cho rằng chúng ta có thể có đủ vaccine để tiêm cho cộng đồng.

PV Minh Phúc (báo Nông nghiệp Việt Nam): Ở những vùng có dịch như Hải Dương, Quảng Ninh, nông dân gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản, đặc biệt là khâu vận chuyển. Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải có những giải pháp gì để giúp người dân lưu thông tiêu thụ nông sản Tết một cách dễ dàng?

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Về phía Bộ Công Thương, dịp gần Tết, Bộ phối hợp với Bộ NN&PTNT, các đơn vị hữu quan, nhất là các địa phương và các doanh nghiệp, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho Tết, kể cả thời gian sau Tết. Chúng ta vẫn nói nhiều về chuẩn bị hàng sau Tết, đây là việc hết sức quan trọng, để tránh thiếu hàng, sốt giá gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Có thể khẳng định, các địa phương hết sức chủ động, hệ thống doanh nghiệp, từ doanh nghiệp phân phối đến các doanh nghiệp kinh doanh, đã làm rất tốt.

Chúng tôi khẳng định, đối với Tết, sẽ cung cấp đủ hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu cho người dân, không những ở thành phố lớn, mà ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là những vùng dịch, không chỉ Hải Dương, Quảng Ninh, chúng tôi cũng quan tâm những tỉnh thành lân cận. Tại các vùng đó, trong một thời điểm nào đó có thể có tình trạng thiếu hàng. Tất cả những việc này, chúng ta đang làm rất tốt, đảm bảo đủ hàng hóa cho nhu cầu của người dân không những vào dịp Tết mà cả sau Tết và đặc biệt cho vùng dịch

 

Muốn làm được điều đó, chúng ta cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp để cung cấp đủ hàng. Người nông dân đã kí kết hợp đồng với doanh nghiệp bán hàng phục vụ Tết, cây cảnh, thực phẩm… Đây là thời điểm khó khăn của người nông dân. Chúng tôi rất chia sẻ với người sản xuất, người nông dân trong việc này.

 

Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý: Hiện nay, chúng ta tập trung đến vệc chống dịch trước tiên để đảm bào dịch tại vùng này không lây lan ra sang các vùng khác, như Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 đã chỉ đạo quyết liệt. Chúng  tôi đang phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp và các bộ ngành như Bộ GTVT, Bộ Công an để tránh tình trạng ‘ngăn sông cấm chợ’, đưa các mặt hàng của người nông dân ra tiêu thụ ở các vùng khác. Xin nhắc lại, chúng ta vẫn phải tuân thủ quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch; đặc biệt là quy định rất cụ thể, chi tiết của Bộ Y tế, thực hiện chống dịch. Hiện nay, chúng tôi quyết liệt phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp và địa phương thực hiện tốt việc này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Hải trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông:  Chúng tôi có hướng dẫn tất cả các địa phương theo điều kiện phòng, chống dịch và đợt dịch lần này cũng có nhiều văn bản theo cơ sở chung của Ban Chỉ đạo quốc gia. Chúng tôi đã kịp thời báo cáo, có những quyết định, ví dụ Cảng hàng không Vân Đồn, trên cơ sở nhu cầu vận tải. Hiện tại trung bình 1 ngày 2 chuyến nên không tác động nhiều tới nhu cầu vận tải của chúng ta. Để khoanh vùng, dập dịch và kiểm soát tốt hơn, chúng tôi đã thực hiện theo chức năng của mình quyết định đóng cửa Cảng hàng không này một thời gian nhất định, thay vì vẫn duy trì hoạt động. Vẫn điều tiết được người từ cảng này đến cảng kia để hoạt động nhưng việc đó không mang lại hiệu quả bằng việc phòng  dịch.

 

Đối với vận tải hàng hóa, không có ngăn sông cấm chợ. Đấy là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và cũng được thể hiện trong văn bản hướng dẫn của chúng tôi. Cụ thể, giao cho địa phương có thẩm quyền quyết  định trong vận tải  nội tỉnh kể cả hành khách, hàng hóa. Đối với vận tải ngoại tỉnh, có thể thông báo cho các tỉnh liên quan về vận tải hành khách, tăng cường biện pháp phòng, chống, còn vận tải hàng hóa lưu thông bình thường, Tuy nhiên phải kiểm soát dịch.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Tinh thần chúng ta dứt khoát không ngăn sông cấm chợ. Chí Linh-Hải Dương khác với Hải Dương, mặc dù TP. Chí Linh phong tỏa nhưng hàng hóa của Chí Linh vẫn được ra vào và phải có biện pháp phòng dịch. Lái xe ra vào phải có cách ly, kiểm soát. Hàng hóa, nông sản, thực phẩm của bà con nhân dân Hải Dương được vận chuyển qua địa phận Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc tiêu thụ trong địa bàn tỉnh nhưng chúng ta phải phòng, chống dịch chứ không cấm xe qua. Chúng ta không chủ quan khinh suất nhưng không làm quá phức tạp tình hình vì chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống tốt hiệu quả nhưng vẫn phải thúc đẩy phát triển, khôi phục sản xuất, phát triển xã hội.

PV Trần Vương (báo Lao động)Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố, địa phương có thực hiện bắn pháo hoa không?

 

Vừa qua Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD&ĐT công khai minh bạch các hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Kết quả ra sao?

 

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông đã nhiều lần chậm tiến độ, đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại, xin hỏi đến bao giờ sẽ khai thác?

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Trong dịp Tết chúng ta chưa kiểm soát được dịch bệnh, tinh thần của Thủ tướng là tất cả các lễ hội đông người ở các địa phương phải dừng lại, nếu có tổ chức phải đảm bảo giãn cách và hạn chế dịch bệnh.

 

Bắn pháo hoa thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định bắn hay không bắn. Chỉ có 10 tỉnh có dịch mà 63 tỉnh, thành phố phải chịu là không nên, chúng ta phải thúc đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội.

 

Vẫn phải kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang, sát khuẩn… Những hoạt động khác vẫn diễn ra nếu kiểm soát được dịch.

 

Bắn pháo hoa tầm thấp, tầm cao thế nào… chúng ta sẽ tính toán.

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Bộ GD&ĐT đã thành lập đoàn công tác liên ngành, trong đó có thành phần của Bộ Tư pháp, để xem xét tình hình thực hiện kiện toàn Hội đồng trường và vị trí lãnh đạo chủ chốt của nhà trường. Kết quả buổi làm việc đã đưa vào hướng dẫn và gửi về cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

 

Về báo cáo của 3 Bộ có liên quan đến xử lý, kỷ luật cá nhân, trên cơ sở thống nhất ý kiến của Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp, Bộ GD&ĐT cũng có ý kiến về việc này. Dự kiến trong tuần này sẽ công bố.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Đối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, từ ngày 12/12/2020 đã tổ chức chạy liên động đánh giá toàn hệ thống, đánh giá trong vòng 20 ngày. Chúng tôi đã nhận được báo cáo của nhà tư vấn đánh giá, trong đó có nhiều khuyến cáo: Khuyến cáo về an toàn hệ thống của thiết bị, nhà thầu bổ sung thêm các giải pháp đảm bảo khi đưa các khuyến cáo ra tuân thủ thực hiện. Cũng như việc diễn tập cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra các tình huống.

 

Khi có tình huống xảy ra vẫn tiếp tục có đào tạo với nhân viên của Metro Hà Nội.

 

Song song, chúng tôi làm rất nhiều nội dung, ví dụ đã nghiệm thu cơ sở của các hợp phần. Có 11 hợp phần cơ bản đã nghiệm thu cơ sở.

 

Đã phối hợp với Metro Hà Nội kiểm đếm về tài sản, quá trình bàn giao sẽ thuận lợi, rút ngắn được thời gian.

 

Chúng tôi cũng phối hợp với Hà Nội huấn luyện thêm các cán bộ, nhân viên khai thác hoạt động sau này. Làm tiếp các thủ tục về giấy tờ để nghiệm thu cuối cùng.

 

Chúng tôi xác định, lên kế hoạch với Hà Nội không thể bàn giao trong một ngày, một tuần mà phải kéo dài, dự kiến đến cuối tháng 3/2021.

Vừa rồi UBND tỉnh Sơn La ban hành quyết định về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang nhân dân TP. Sơn La. Vị trí xây dựng nghĩa trang rất gần khu dân cư Bản Khoang, xã Chiềng Ngần, cũng như khu quy hoạch của Trường ĐH Tây Bắc, gần trung tâm thành phố. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ và của Bộ GD&ĐT về việc này thế nào?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Vấn đề xây dựng cơ sở hoả táng của các địa phương là việc rất nên làm vì chúng ta đang đặt mục tiêu bảo vệ môi trường, tiết kiệm đất… Còn địa điểm như thế nào thì địa phương quyết định vị trí xây dựng. Thông tin nhà báo nêu ra chúng tôi đã chuyển tới tỉnh Sơn La. Thông tin nói xây dựng cơ sở hoả táng ngay cạnh trường đại học, chúng tôi chưa biết “ngay cạnh” là như thế nào, nhưng chắc chắn với tư duy xây dựng thì không thể để vị trí như vậy được. Có thể có điều gì đó chúng ta chưa tìm hiểu rõ nhưng chắc chắn phải xây dựng xa khu dân cư. 

Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến của nhà báo và yêu cầu Sơn La báo cáo, thông tin thêm về vấn đề này trên tinh thần chúng ta làm gì cũng không đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.

PV Vũ Khuyên (Kênh truyền hình VOV)Tôi có một câu hỏi dành cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP như sau: Báo chí có quy định phát ngôn của báo chí, nếu chúng tôi nói sai thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Vậy nếu người đứng đầu các cơ quan đơn vị không thực hiện được lời hứa của mình thì có chịu trách nhiệm gì không hay chỉ hứa suông, hứa cho vui mồm và phải chịu trách nhiệm trước ai? Tôi lấy ví dụ cụ thể như tại cuộc họp gần đây của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của Hà Nội, người đứng đầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Chu Ngọc Anh có nói rằng: “Tôi hứa với các đồng chí nếu Hà Nội mà "bung", mà "toang" thì tôi chịu trách nhiệm. Tôi hứa với các đồng chí tôi chịu trách nhiệm mà chẳng hứa thì tôi cũng chịu trách nhiệm”. Vậy nếu Hà Nội mà "bung", mà "toang" thật thì Chủ tịch Chu Ngọc Anh phải chịu trách nhiệm như thế nào, có bị kỷ luật không? Hà Nội liệu bây giờ có đang chủ quan trong phòng, chống dịch không?

 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo: Chủ tịch Hà Nội đã hứa rất rõ ràng: Nếu "toang" thì anh ấy sẽ chịu trách nhiệm. Cần phải xem Hà Nội có "toang" hay không thì mới tính xem xử lý như thế nào.

Nhóm PV
404 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1200
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1200
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87138812