Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp Phiên thứ 10 cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện tháng 3/2022 - Ảnh: VGP
Cử tri đánh giá cao phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các Bộ trưởng
Theo Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, cử tri và nhân dân cả nước đánh giá cao phiên chất vấn đầu tiên tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XV đối với Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về nhiều vấn đề có ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất-kinh doanh, đời sống của nhân dân.
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn, trong đó đã ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, lo lắng về tình hình mưa lũ trái mùa bất thường kéo dài, xảy ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian qua khiến hàng chục nghìn ha trồng lúa, hoa màu bị ngập úng, nhiều tàu thuyền, ngư lưới cụ, lồng bè ven biển bị sóng đánh chìm, cuốn trôi, vùi lấp… gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản; tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thức ăn chăn nuôi, phân bón.
"Một số đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện thoại hoặc thông qua mạng xã hội Zalo, Viber... lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân mặc dù đã được các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp triệt phá nhưng vẫn còn tiếp diễn hết sức phức tạp", ông Dương Thanh Bình cho biết.
Tạo sự chuyển biến, quan tâm trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo
Cho ý kiến về Báo cáo của Ban Dân nguyện, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, cử tri nhân dân rất quan tâm việc các cơ quan chức năng xử lý các "đại gia", thậm chí các quan chức cấp thứ trưởng. Đây là việc có tác động rất lớn trong dư luận xã hội, đồng thời, thể hiện sự kiên quyết trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các vi phạm pháp luật không có vùng cấm, ngoại lệ, từ đó, củng cố niềm tin với Đảng, Nhà nước.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường: Tạo sự chuyển biến, quan tâm trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo - Ảnh: VGP/ Lê Sơn
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể tổ chức chất vấn một số trưởng ngành và lãnh đạo địa phương để giải trình về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn thư nhiều. "Có như vậy mới tạo sự chuyển biến, quan tâm chứ không thì đơn thư lại vẫn cứ "lòng vòng" mà thôi", Tổng Thư ký Quốc hội nói.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công an đã nhận được 121 kiến nghị của cử tri liên quan đến bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm như đòi nợ, cho vay nặng lãi, giết người, tội phạm công nghệ cao, lợi dụng tình hình dịch bệnh, sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông, phòng, cháy chữa cháy…
Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo giải quyết quyết liệt, tổ chức xây dựng và hoàn thiện pháp luật với nhiều dự án luật, bảo đảm tiến độ chất lượng, dự báo sớm và chỉ ra nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, chỉ đạo trấn áp tội phạm như tín dụng đen, đất đai, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, triệt xoá các đường dây buôn bán ma tuý đặc biệt lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị có phân tích về tình hình khiếu nại, tố cáo gia tăng với tháng trước để có giải pháp không làm tình hình an ninh trật tự phức tạp.
Đồng thời, có dự báo tình hình, địa phương nào, lĩnh vực nào gia tăng trong thời gian tới, nhất là việc người dân tập trung nhiều về Hà Nội trước các sự kiện của đất nước như SEA Games 31, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV…
Lê Sơn