|
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
FCPF là quỹ hợp tác toàn cầu của các Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức của người bản địa tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbone rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng carbone rừng (viết tắt là REDD+) ở các nước đang phát triển.
Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) - cơ quan nhận ủy thác của FCPF, sẽ ký kết Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).
Trên thế giới đã có 4 quốc gia ký kết ERPA với FCPF thông qua Ngân hàng thế giới (cơ quan nhận ủy thác của FCPF), gồm: Cộng hòa dân chủ Công gô (năm 2018), Mozambique (năm 2019), Ghana (năm 2019), Chile (năm 2019). Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 5 ký kết ERPA.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), Việt Nam không chỉ được chi trả 51,5 triệu USD cho giai đoạn 2018 – 2024 mà quan trọng hơn còn góp phần giảm suy thoái rừng, tăng hấp thụ do phục hồi, tái tạo rừng.
Được biết, ngày mai (22/10), Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ ký kết Thỏa thuận ERPA. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sáng kiến này?
Ông Hà Công Tuấn: Việt Nam là nước thành viên của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị Đại hội đồng các nước thành viên tại Paris (năm 2015), Việt Nam đã cùng các quốc gia có sáng kiến thực hiện chương trình chi trả, lượng giá việc giảm phát thải khí nhà kính. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam cam kết, bằng các giải pháp sẽ giảm phát thải 8% khí nhà kính vào năm 2030.
Sau đó, Liên Hợp Quốc đã thành lập quỹ Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF), Việt Nam là một trong những quốc gia phối hợp chặt chẽ với FCPF để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Chúng ta đã có quá trình chuẩn bị nhiều năm để thực hiện cơ chế chi trả này.
Năm 2018, FCPF công nhận Việt Nam đã cơ bản hoàn thành chuẩn bị để thực hiện REDD+. Chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả là tiếp nối quá trình chuẩn bị, sẵn sàng thực thi REDD+ tiến tới triển khai toàn diện về dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật Việt Nam, là thành quả của sự hợp tác giữa Việt Nam với FCPF và WB trong việc cùng nỗ lực thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Đến nay, chúng ta đã có chương trình thực thi REDD+, việc này cũng được luật hóa trong Luật Lâm nghiệp và được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Năm 2018, với việc trở thành một đối tác của FCPF, Việt Nam là nước đầu tiên chuyển sang giai đoạn chi trả giảm phát thải, trước mắt thực hiện thí điểm ở vùng Bắc Trung Bộ.
Việc ký ERPA vào ngày 22/10 tới thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và người dân trong nỗ lực giảm mất rừng, giảm suy thoái rừng, tạo nền tảng cho việc triển khai cơ chế tính toán giảm phát thải khí nhà kính. Với việc ký thỏau thuận này, tôi đánh giá đây sẽ là nguồn tài chính mới, phục vụ mục tiêu phát triển rừng bền vững, trong tương lai, nguồn tài chính này sẽ tăng lên và ngày càng ổn định nếu chúng ta duy trì được sự giàu có của rừng.
Cụ thể, nguồn tài chính Việt Nam nhận được sau khi ký thỏa thuận này là bao nhiêu, thưa Thứ trưởng?
Ông Hà Công Tuấn: Với việc ký kết ERPA, Việt Nam chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2018-2024. Bù lại, FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này là 51,5 triệu USD.
Việc chi trả được thực hiện trong 3 đợt, đợt sớm nhất có thể được thực hiện ngay trong năm 2021, với nguồn kinh phí khoảng 10,5 triệu USD từ ERPA.
Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Á-Thái Bình Dương và là quốc gia thứ năm trên toàn cầu ký ERPA. Các thỏa thuận chi trả giảm phát thải là công cụ mới nhằm khuyến khích quản lý đất đai bền vững ở quy mô lớn và giúp kết nối các quốc gia với các nguồn tài trợ khác về khí hậu.
Đến nay, nguồn kinh phí cam kết đóng góp cho FCPF để chuẩn bị sẵn sàng và thực hiện chi trả cho dịch vụ giảm phát thải từ rừng đã lên tới 1,3 tỷ USD. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các nỗ lực đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn và tái tạo rừng với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững trên trái đất mà Việt Nam là quốc gia đi đầu.
Để phát huy được nguồn tài chính mới này, định hướng của Bộ NNPTNT trong thời gian tới là gì, thưa Thứ trưởng?
Ông Hà Công Tuấn: Thỏa thuận này đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới đối với Việt Nam trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững, qua đó giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu với khát vọng lớn.
Sở dĩ vùng Bắc Trung Bộ được lựa chọn để thực hiện thí điểm vì tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học và tình hình kinh tế-xã hội. Toàn vùng có tổng diện tích tự nhiên khoảng 5,1 triệu hecta (chiếm 16% diện tích đất của cả nước), trong đó 80% là đồi núi, bao gồm năm hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận. Diện tích rừng của vùng trên 3,1 triệu ha, tỉ lệ che phủ của rừng năm 2019 đạt 57,76%.
Chúng tôi hy vọng việc thực hiện ERPA mang lại những lợi ích thiết thực, đồng thời mở ra cơ hội hiện thực hóa việc triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng; póp phần tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ kết quả giảm phát thải, nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế bền vững.
ERPA góp phần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý, chủ rừng, cộng đồng, hộ gia đình, khu vực tư nhân về giá trị dịch vụ các-bon rừng, hiểu được lợi ích và giá trị kinh tế, môi trường do rừng mang lại; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, chủ rừng; thu hút lao động nông thôn, tạo việc làm gắn với ổn định sản xuất và đời sống, ổn định chính trị, củng cố an ninh, quốc phòng.
Chúng tôi hy vọng góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ của rừng vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện chất lượng rừng thông qua việc trồng mới, phục hồi rừng, tăng cường chức năng phòng hộ và giá trị sinh thái của rừng, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu; được sử dụng tối đa 95% tổng lượng chuyển quyền giảm phát thải theo ERPA để thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện Thỏa thuận Paris và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
ERPA còn thể hiện tầm nhìn và trách nhiệm cao của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; phát triển rừng vì sự yên bình và thịnh vượng của thế giới.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Đỗ Hương (thực hiện)