Thoát cảnh thấp thỏm qua đường tàu
Chúng tôi trở lại làng Trường Thọ (xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) cuối tháng 8. Đoạn đường gom dài 700m vừa được tỉnh Quảng Trị đầu tư (giai đoạn 1) đã giúp người dân nơi đây vơi bớt nỗi thấp thỏm mỗi khi qua đường tàu. Ông Vương Viết Ất (75 tuổi) cho biết, làng Trường Thọ được hình thành trước khi có tuyến đường sắt Bắc - Nam và đời ông Ất đã là đời thứ 7. Làng nằm phía trong đường sắt, nhưng những năm sau này, cả hai con đường ra vào làng vắt qua đường sắt tại Km 645+980 và Km 644 đều trở thành lối đi dân sinh, bị rào đóng cọc bê tông hạn chế ô tô khiến giao thông cách trở
“Ô tô không qua được đường sắt để vào làng, cứ vào vụ thu hoạch sắn và cây tràm, người dân buộc phải gồng gánh hoặc “tăng bo” bằng xe kéo, xe gắn máy... qua đường tàu rồi mới đưa lên xe ô tô chở đi bán. Việc xây dựng công trình, nhà cửa cũng bị “đội giá” do tốn thêm chi phí. Người dân và các cháu học sinh mỗi lần ra khỏi làng luôn thấp thỏm nỗi lo tai nạn đường sắt”, ông Ất nói và cho biết, giờ được tỉnh đầu tư đường gom, dân sẽ đỡ khổ. Sau khi làm xong đoạn đường gom trên, Ban ATGT tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với UBND huyện Hải Lăng, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên và Chi cục QLĐB II.5 đóng triệt để “điểm nóng” mất ATGT tại Km 645+980.
“Thay vì thấp thỏm qua đường sắt như trước, bây giờ ra đến cổng làng, người dân theo đoạn đường gom vừa làm vào phía trong thêm 700m để qua đường sắt tại đường ngang Km 646+676 đã được lắp đặt cảnh báo tự động có cần chắn để ra QL1”, ông Ất nói.
Ông Vương Viết Luân, Trưởng thôn Trường Thọ cho biết, với đường gom được tỉnh Quảng Trị đầu tư, chạy song song với đường sắt Bắc - Nam từ đường ngang Km 646+676 (xã Hải Trường) đến đường ngang có gác chắn tại Km 642+ 015 (xã Hải Lâm), người dân muốn đi vào trường tiểu học, THCS và UBND xã ở phía Nam hay ra trung tâm huyện ở phía Bắc sẽ rất thuận lợi và an toàn. Người dân cũng đỡ vất vả phải tăng bo cây tràm khi thu hoạch bán…
Xóa hàng loạt điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt
Dự án đường gom qua đường sắt từ xã Hải Lâm đến xã Hải Trường (huyện Hải Lăng) có tổng chiều dài hơn 4.617m, nền đường 6,5m, mặt đường 3,5m, lề đường 2 x 1,5m, kết cấu mặt đường bằng bê tông ximăng. Đường gom cũng được bố trí hệ thống ATGT như: Biển báo, gồ giảm tốc, hộ lan mềm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11,8 tỷ đồng, từ nguồn thu xử phạt VPHC về trật tự ATGT và vốn Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Ông Phạm Đình Lợi, Phó chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, dự án đường gom được tỉnh đầu tư hoàn thiện sẽ góp phần đảm bảo ATGT đường sắt và phát triển KT-XH của người dân địa phương. “UBND huyện đã họp động viên bà con bàn giao mặt bằng các vị trí còn lại để triển khai và các hộ dân rất đồng thuận”, ông Lợi cho hay.
Ông Trần Kiêm Thuận, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, với nỗ lực của chính quyền địa phương, tình trạng mở trái phép đường dân sinh qua đường sắt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế được ngăn chặn và giảm bớt. Trong tổng số 176km đường sắt qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế do đơn vị quản lý có 125 đường ngang. Trong đó, 43 đường ngang có gác chắn, 5 đường ngang cảnh báo tự động (CBTĐ) không cần chắn, 35 đường ngang CBTĐ có cần chắn, 42 đường ngang phòng vệ biển báo và 142 đường dân sinh. Riêng địa bàn Quảng Trị có 62 đường ngang: 17 đường ngang có gác chắn, 2 đường ngang CBTĐ không cần chắn, 16 đường ngang CBTĐ có cần chắn, 27 đường ngang biển báo và 38 đường dân sinh. Thừa Thiên-Huế có 26 đường ngang có gác chắn, 3 đường ngang CBTĐ không cần chắn, 19 đường ngang CBTĐ có cần chắn, 15 đường ngang biển báo và 104 đường dân sinh.
“Để thực hiện tốt công tác đảm bảo ATGT đường sắt, tất cả các đường ngang có người gác trên đường sắt do đơn vị quản lý cũng đã được lắp đặt hệ thống camera để giám sát cả các phương tiện qua lại và ý thức làm việc của các nhân viên gác chắn”, ông Thuận cho hay.
Duy Lợi