|
Khẩu trang không phải là "thần dược" phòng chống COVID-19 |
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng đeo khẩu trang giúp phòng, chống bệnh đường hô hấp rất tốt, nhưng chúng ta phải xác định ở mức độ nào, nguy cơ nào, trường hợp nào, lúc nào thì dùng khẩu trang.
Người dân nên dùng khẩu trang ở nơi có nguy cơ lây lan cao như khi đi phương tiện công cộng, đến bệnh viện. Nếu ngồi trong lớp học, văn phòng làm việc thì không cần thiết phải đeo khẩu trang vì cũng có thể gây bí thở...
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cũng cho rằng không cần quá đề cao việc đeo khẩu trang vì điều này thực sự không hiệu quả bằng việc rửa tay thường xuyên, đúng cách, cũng như tránh tiếp xúc gần với bất cứ ai bị nghi nhiễm bệnh.
Bộ Y tế quy định khẩu trang y tế chỉ được sử dụng một lần và người dân sau khi dùng phải bỏ ngay vào thùng rác. Tuy nhiên, do ý thức của người dân chưa cao nên khẩu trang y tế bị vứt bừa bãi ở ngoài đường, trong công viên, trên bãi cỏ, dưới cống, rãnh… gây mất mỹ quan.
Điều đáng lo ngại hơn là do COVID-2019 tiếp tục tồn tại vài ngày trong môi trường tự nhiên nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ khẩu trang y tế rất lớn. Chính quyền và các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… cũng đã lên tiếng cảnh báo về điều này.
Việc lạm dụng khẩu trang y tế còn tạo ra tình trạng khan hiếm không cần thiết về vật dụng phòng ngừa, dẫn đến hiện tượng tích trữ trong các gia đình, găm hàng tại các cơ sở kinh doanh, kích thích hành vi đẩy giá lên cao để trục lợi, thậm chí là lừa đảo - sản xuất và tiêu thụ khẩu trang không đạt chuẩn với giá “trên chuẩn”.
Trong khi đó, việc sử dụng khẩu trang vải hai lớp, ba lớp tẩm chất sát khuẩn có hiệu quả tránh lây nhiễm COVID-19 lại chưa được chú trọng.
Theo Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM), do virus Corona chủng mới có kích thước nhỏ nhưng không tự bay lơ lửng trong không trung, mà phải có môi trường để phát tán - những giọt nước miếng bắn từ người bệnh khi nói chuyện, hắt hơi, ho… Do vậy, chỉ cần đeo khẩu trang 3 lớp là được; không nhất thiết phải cần khẩu trang chuyên dụng vốn dành cho trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người đang nhiễm bệnh và có diễn biến nặng.
Khẩu trang vải ngoài hiệu quả kháng khuẩn còn có tác dụng giảm áp lực đối với việc cung cấp khẩu trang y tế, giảm thiểu rác thải từ lượng khẩu trang sử dụng một lần, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Phương pháp chung nhất để có được sản phẩm dệt kháng khuẩn là tẩm các chất kháng khuẩn và giữ chúng ở trên hoặc ở trong vật liệu dệt trong suốt quá trình sử dụng. Các chất kháng khuẩn được đưa lên vải thường là những chất diệt khuẩn hoặc ức chế vi khuẩn phát triển.
Hiện tại, các chất sử dụng trong sản xuất vải kháng khuẩn chủ yếu là chất diệt khuẩn. Việc đưa các chất kháng khuẩn lên vải chủ yếu được thực hiện sau công đoạn tẩy trắng, nhuộm màu hoặc in hoa theo các cách khác nhau: Ngấm ép, tráng phủ hoặc phun… Được xử lý theo phương pháp này, vải thành phẩm có khả năng diệt tới 90% vi khuẩn sau 60 phút tiếp xúc và giảm còn 60-70% sau một số lần giặt (sau 10 hoặc 20 lần giặt tùy theo loại chất kháng khuẩn).
Ưu điểm của công nghệ này là có thể xử lý các lô hàng nhỏ, nhanh, linh hoạt trong việc sản xuất và cung ứng sản phẩm cho khách hàng, phù hợp với yêu cầu cung cấp kịp thời vải kháng khuẩn cho sản xuất khẩu trang. Nếu áp dụng công nghệ mới, khả năng diệt khuẩn của khẩu trang vải sẽ cao hơn và bền hơn.
Tuy nhiên, để phòng, chống COVID-19 (nCoV) một cách hiệu quả nhất thì không phải và không chỉ đơn giản là sử dụng khẩu trang. Quan trọng hơn là mọi người cần có ý thức giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM), nhấn mạnh các bệnh do virus khi chưa có vaccine thì sẽ “đến hẹn lại lên”, từ 10 - 20 năm sẽ có một dòng cúm mới. Với virus Corona, vào năm 2003 là dịch SARS, giai đoạn 2013 - 2015 là MERS, hiện tại là COVID-19 (nCoV).
Do vậy, chúng ta cần tăng cường sức đề kháng để tăng cường khả năng “bắt” tác nhân gây bệnh lại và tự tạo ra miễn dịch cho bản thân. Đây là một quá trình lâu dài, không phải khi có dịch mới được quan tâm.