|
Đốt vàng mã. - Ảnh: TTO |
Trước đây, mỗi dịp ngày giỗ, ngày Tết hay hóa vàng tiễn ông Công ông Táo, mỗi gia đình chỉ cần vài sấp vàng mã cho đủ lễ thì nay người ta đốt với quy mô lớn. Có những nơi thờ tự xây hẳn một hỏa lò lớn để đốt vàng mã và hỏa lò đó ngày nào cũng rừng rực lửa số vàng mã bị (hay được) đốt lên đến nhiều tỷ đồng.
Cùng với đó chủng loại vàng mã cũng được đa dạng hóa và liên tục đổi mới. Từ những thứ cơ bản chỉ là sấp tiền âm phủ, ngựa giấy, bộ mũ áo của ông Công ông Táo, nay tất cả các vật dụng trên trần gian hầu như đều được mô phỏng lại bằng giấy. Những sản phẩm độc lạ liên tiếp ra đời, từ những tòa nhà chung cư cao tầng, biệt thự bằng giấy, những chiếc ô tô mô phỏng các nhãn hiệu đắt tiền, những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng... Người trần đang cố gắng đa dạng hóa, sáng tạo càng nhiều mẫu mã bắt mắt độc lạ càng tốt và càng sản xuất thật nhiều chỉ để... đốt.
Khi kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tâm linh cũng có cơ hội phát triển. Nhu cầu tâm linh cũng là nhu cầu chính đáng của một bộ phận người dân. Tuy nhiên kèm theo đó là sự bùng phát những hiện tượng mê tín, dị đoan, không ít người từ quan niệm có thờ có thiêng có kiêng có lành chuyển sang cầu cúng và đốt vàng mã như một “kênh đầu tư” cho cõi âm để mong có thêm những phù trợ cho mình toại ý ở trần gian. Đốt vàng mã ngày càng mang tính thương mại hóa.
Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức lên tiếng về vấn đề này với công văn do Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký.
Công văn đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trị các tự viện, nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo.
"Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam", công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ.
Ngoài tác hại rõ nhất là chuyện lãng phí quy mô lớn, đốt vàng mã còn góp phần làm trầm trọng tệ mê tín dị đoan. Khi những toan tính đổi chác ngày càng lấn sâu vào những hoạt động tín ngưỡng tâm linh, đồng nghĩa với việc tệ mê tín dị đoan ngày càng lấn át những hoạt động vốn thuộc về địa hạt của tinh thần. Vàng mã trở thành những lễ vật không thể thiếu trong những lễ dâng sao giải hạn, cầu tài cầu lộc, cầu danh.
Trong sự lẫn lộn giữa tín ngưỡng mà mê tín, ngày càng có nhiều người chạy đua trong việc cúng tế dùng thật nhiều lễ vật mong đạt được những ham muốn cõi trần thế và vàng mã là một trong những lễ vật không thể thiếu. Hoạt động đốt vàng mã cũng làm mất đi tính tôn nghiêm ở những cơ sở thờ tự.
Bên cạnh đó, vàng mã còn tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn ở những cơ sở thờ tự, những cửa hàng tàng trữ. Trong vài năm gần đây, năm nào cũng xảy ra những vụ cháy cửa hàng, xưởng sản xuất vàng mã gây thiệt hại cả người và tài sản. Ngày 10/1 năm nay đã xảy ra vụ cháy xưởng sản xuất vàng mã tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang khiến một người chết, một người bị thương nặng. Mới đây nhất 10 ki ốt bán vàng mã trong khuôn viên đền Mẫu ở thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn đã bốc cháy dữ dội.
Sự lên tiếng cần thiết từ cơ quan cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng chính là sự khẳng định tính vô lý, lãng phí của lạm dụng đốt vàng mã. Hy vọng với nỗ lực của các tổ chức tôn giáo và cơ quan quản lý, một tập tục bị lạm dụng gây lãng phí sẽ dần được loại bỏ khỏi đời sống hôm nay...
Quang Lê