Lai và những cây xương rồng bát tiên 

TP - Không chấp nhận gục ngã trước số phận sau vụ tai nạn bom mìn năm 10 tuổi, chàng trai ấy đã chọn cách đứng dậy để làm nên những điều ý nghĩa cho đời và chính mình.

Hồ Văn Lai chăm sóc những cây xương rồng bát tiên ở Trung tâm RENEW/NPA

Hồ Văn Lai chăm sóc những cây xương rồng bát tiên ở Trung tâm RENEW/NPA

TUỔI THƠ NGHIỆT NGà

Đến Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn của RENEW/NPA (Dự án “Phục hồi môi trường và Khắc phục hậu quả chiến tranh” của Tổ chức Viện Trợ Nhân Dân Na Uy tại Quảng Trị) ở thành phố Đông Hà, khách rất xúc động khi nghe Hồ Văn Lai (29 tuổi, trú tại khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) chia sẻ về nỗi đau thời hậu chiến. Đến giờ, bóng đen chiến tranh vẫn còn ở lại trên mảnh đất đầy nắng gió Quảng Trị, dưới hình hài những quả bom lẩn khuất trong từng lớp đất, cánh rừng, con suối…

Một thời, nhiều đứa trẻ lên 10 như Lai vẫn tưởng những quả bom gỉ sét kia cũng vô hại như bao thứ đồ chơi khác. Đến năm 2000, khi vụ tai nạn bom mìn đầy ám ảnh xảy ra, suy nghĩ non nớt ấy của Lai cũng như các cô cậu bé miền chân sóng mới thay đổi. Đó là một buổi chiều yên ả cuối tháng 6. Trong lúc đang chơi đùa cùng 3 người em, Lai lấy đá gõ vào quả bom vô tình nhặt được. Một tiếng nổ khô khốc vang lên cướp đi sự sống hai người em họ, còn Lai bị thương nặng.

Lai vẫn nhớ như in phút giây kinh hoàng sau vụ tai nạn bom mìn. Lúc ấy, em chỉ cảm thấy người nóng ran, như bị thiêu đốt từ bên trong. Không gian quanh em đặc quánh mùi máu và thuốc nổ, vẳng đâu đây là tiếng người kêu khóc. Sau bốn ngày mê man, em tỉnh dậy trong bệnh viện trước sự ngỡ ngàng của các y bác sĩ. Thấy em vượt qua cửa ải đầu tiên của tử thần mà chẳng ai dám mừng bởi biết nỗi đau đớn tận cùng chỉ mới là khởi điểm. Bốn tháng trời trong viện, em không nhớ hết số ca phẫu thuật và những lần chết đi, sống lại. Cơn đau hành hạ em ngay cả trong giấc mơ. Nhưng đó mới chỉ là nỗi đau thể xác.

Rời viện với thương tật trên 86%, Lai tiếp tục chạm với chuỗi ngày nặng trĩu. Niềm khao khát sống trong những ngày nằm viện rơi rụng dần. Em không thể tự lo liệu những công việc dù là nhỏ bé, đơn giản nhất. Trái tim em như bị bóp nghẹt mỗi lần nhìn đôi tay, đôi chân không lành lặn. Cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới mà em hiếm lúc có giấc ngủ ngon. Mỗi lần đặt lưng xuống chiếc giường nhỏ, em lại giật mình tỉnh giấc vì nghe những tiếng nổ không biết từ đâu dội lại. Suốt mấy tháng trời, đêm đêm, ngôi nhà nhỏ của gia đình em phải sáng điện. Mọi máy móc, đồ dùng phát ra tiếng động lạ được cất kín vì sợ làm em hoảng loạn thêm. Điều đặc biệt là những nỗi đau ấy không thể dập tắt được ngọn lửa hiếu học trong Lai. Em kéo áo, xin bố mẹ đi học sau những ngày thèm thuồng nhìn chúng bạn đến trường.

Niềm vui đi học của Lai như cơn mưa rào giữa mùa hạ nóng bức. Những ngày đầu học tiền hòa nhập tại thành phố Đông Hà, em rất sốc bởi đôi mắt không còn nhìn rõ giấy trắng, bảng đen và bàn tay trở nên bất lực. Sự cảm thông của thầy cô và những người bạn khuyết tật khác trong lớp cũng làm em ngại ngùng, thậm chí có lúc sợ hãi. Thế nhưng, em không cho phép mình bỏ cuộc. Sau 3 năm tiền hòa nhập, em trở về ngôi trường ở quê nhà.

VƯỢT QUA NỖI ÐAU BOM MÌN

Tốt nghiệp THCS, Lai cơm đùm, gạo bới lên thành phố Đông Hà trọ học. Sau 3 năm trong căn nhà trọ nhỏ bé, ẩm thấp nằm trên đường Lê Lợi, em bước chân vào giảng đường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Hành trình của chàng trai Hồ Văn Lai mang trên mình nỗi đau bom mìn khiến nhiều người rất bất ngờ, khâm phục.   

Hoàn cảnh không cho phép nên gần 4 năm trước Lai đã ngậm ngùi gác lại ước mơ trở thành chuyên gia công nghệ thông tin. Đang loay hoay tìm việc làm, em bất ngờ nhận được lời mời từ Dự án RENEW/NPA. Lai bảo: “Đúng cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Không ngờ một cậu bé bị bom mìn cướp đi sự lành lặn, ám ảnh bởi những tiếng nổ như em lại có ngày trở thành tuyên truyền viên phòng tránh tai nạn bom mìn. Đây là công việc hết sức ý nghĩa. Càng làm, em càng yêu nó hơn”.

Lai và những cây xương rồng bát tiên - ảnh 1
Lai không còn mang nỗi ám ảnh bom mìn, vật liệu nổ

Một ngày của Lai bắt đầu từ 5 giờ sáng với việc vệ sinh cá nhân và ra chợ, chuẩn bị đồ ăn để mang đi làm. Sau đó, cậu lên chuyến xe buýt sớm nhất từ thị trấn biển quê nhà Cửa Việt lên thành phố Đông Hà ngót 20km để bắt đầu một ngày bộn bề công việc. Những vị khách mà Lai đón tiếp tại Trung tâm rất đa dạng nhưng đa phần là các em học sinh. Những ngày đầu chưa quen với công việc, Lai hồi hộp đến mức mồ hôi tứa ra như tắm. Chuyện đứng cả tiếng đồng hồ để chia sẻ về thực trạng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn, nỗi đau do bom mìn gây ra, cách phòng tránh tai nạn bom mìn, rồi những nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn… là một thử thách không nhỏ đối với một người khuyết tật như Lai, song em vượt qua thử thách ấy một cách dễ dàng. Lai thích thú lúc thường xuyên gặp gỡ nhiều người bạn mới, ngắm nhìn từng gương mặt, ánh mắt... và được chia sẻ với họ những điều bổ ích. Để truyền đạt thông tin tốt hơn, em cố nói chậm lại, tròn vành, rõ chữ; đọc nhiều tài liệu, sách, báo; không ngại ngần khi chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình… Lai chinh phục mọi người bằng sự chân chất, mộc mạc. Có lẽ vì thế mà ngày có càng nhiều vị khách đến Trung tâm và chia sẻ mong muốn rất thích gặp em.

Trước đây Lai vẫn nghĩ, cuộc đời em chỉ có thể sang trang khi học thật giỏi và trở thành một chuyên gia công nghệ thông tin. Từ ngày gắn bó với Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn của RENEW/NPA, suy nghĩ ấy hoàn toàn thay đổi. Lai ngày càng thấy yêu công việc của mình hơn. Công việc ấy không chỉ đơn thuần giúp Lai có thêm khoản tiền nhỏ đỡ đần ba mẹ, mà cao hơn, nó giúp chữa lành những vết thương còn tồn sót trong trái tim em sau vụ tai nạn bom mìn ngót 20 năm trước.

Đưa cánh tay chằng chịt vết tích chiến tranh còn lại ra, Lai giới thiệu về những cây xương rồng bát tiên mà các cán bộ Dự án RENEW/NPA kỳ công trồng trên những thân bom đạn đã được lấy ngòi nổ trên đường chính vào Trung tâm. Lai bảo, em từng nghe các vị khách nước ngoài kể, ở phương Tây, người ta gọi xương rồng bát tiên bằng nhiều cái tên như “Vòng gai của Chúa” hoặc “Vương miện Jesus” hay “Máu của Chúa”. Những cái tên ấy bắt nguồn từ sự tri ân, tưởng nhớ Chúa Jesus đã vì các tín đồ của mình mà chết giữa khổ đau. Máu của Chúa đã rơi xuống, thấm nhuộm vòng gai và nở thành những bông hoa đỏ rực như màu lửa…   

Giữa thời bình, máu và nước mắt của Lai rơi vì bom mìn thời hậu chiến. Em đã biết chọn cách đứng dậy để sống đẹp như những cây xương rồng bát tiên đang vươn nhành tỏa sắc dưới ánh trời xanh.

 

HỮU THÀNH

1067 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 816
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 816
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87151086