Đây là ý kiến của TS. Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN nêu tại Hội thảo về kinh tế vĩ mô 2019 ở Đại học Ngân hàng TPHCM chiều 8/1.
Lãi suất đã dễ chịu hơn với doanh nghiệp
Diễn biến tại cuộc Hội thảo đã cho thấy mối quan tâm lớn của giới chuyên gia đến thị trường tiền tệ ngân hàng - nơi được xem là huyết mạch quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, một báo cáo hết sức công phu của hàng chục nhà khoa học từ Đại học Ngân hàng TPHCM đã vẽ nên một bức tranh khá tươi màu cho mặt bằng lãi suất năm nay.
Theo đại diện nhóm nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Đức Trung, khi lập bảng theo dõi hệ số khả năng thanh toán lãi vay (ICR) trên nền dữ liệu từ nhà thống kê tài chính StoxPlus, có thể thấy suốt giai đoạn từ năm 2012 tới nay, tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng chịu đựng hoặc “thừa sức” chịu đựng chi phí vay vốn ngân hàng đã tăng dần. Đồng thời, số DN vay vốn quá nhiều so với khả năng hoặc kinh doanh kém tới mức lợi nhuận không đủ trả lãi cũng co hẹp (đến năm 2018 chỉ còn 10%). “Điều này cũng đồng nghĩa rằng mức lãi suất hiện tại là chấp nhận được với đa số DN”, vị Phó Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM nhận định.
Riêng năm 2018, ngay từ những tháng đầu tiên, các nhà điều hành chính sách tiền tệ đã chủ động giảm lãi suất. Theo đó, NHNN đã hạ dần lãi suất chào mua trên thị trường mở từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm, gián tiếp tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Từ đó, giúp giữ lãi suất bình quân cho vay năm qua tăng không đáng kể trong khi lãi suất huy động tăng khá mạnh (nhất là tiền gửi ở kỳ hạn ngắn những tháng cuối năm 2018).
Lãi suất nhìn từ ảnh hưởng của tỷ giá và lạm phát
Một số nghiên cứu được dẫn ra tại hội thảo cho thấy, trước năm 2011, tác động của tỷ giá lên lạm phát là rất lớn. Tuy nhiên, ở giai đoạn sau đó, tác động truyền dẫn này thấp hơn hẳn. Một nghiên cứu khác của GS. Trần Ngọc Thơ từ Đại học Kinh tế TPHCM cũng cho thấy khi lạm phát tăng cao thì tác động của tỷ giá lên lạm phát là rất lớn và ngược lại.
Do đó, quá trình giảm tốc liên tục của lạm phát trong các năm qua đã hỗ trợ “đắc lực” cho kiểm soát biến động tỷ giá.
Nhìn vào diễn biến của thị trường ngoại tệ năm 2018, có thể thấy tuy từng “rung lắc” ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm nhưng tới thời điểm cuối năm, tiền đồng đã bắt đầu lên giá so với đồng USD.
Trước đó, dòng vốn trên thị trường bị “găm giữ” suốt từ tháng 6 đến tháng 12 do các tổ chức và cá nhân không bán USD cho ngân hàng (tức chỉ giữ USD trên tài khoản). Tuy nhiên, khi nhận thấy kinh tế chung khá ổn định và vững vàng trước nhiều biến động cả trong và ngoài nước, người găm USD đã quyết định bán lượng tiền này ra để có thể nhận lại tiền đồng với lãi suất cao hơn rất nhiều lần. “Dự trữ ngoại hối vì vậy sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Áp lực tỷ giá do đó cũng sẽ giảm đi trong năm 2019. Khi ngành ngân hàng bơm tiền đồng ra để mua vào USD thì áp lực lãi suất cũng sẽ giảm theo”, TS. Nguyễn Tú Anh phân tích thêm.
Động lực nào cho xu hướng lãi suất tích cực?
Khảo sát gần nhất của Ngân hàng Nhà nước trên 28 tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam đã cho thấy tính thống nhất rất cao trong các kỳ vọng của thị trường. Theo đó, 100% các nhà cho vay tin rằng năm nay tỷ giá sẽ đi xuống. Đáng chú ý, 28/28 ngân hàng đều tin CPI cả năm chỉ tăng 3,6-3,8%. Cũng có 17/28 ngân hàng dự báo lãi suất sẽ nhích lên nhưng với mức tăng không đáng kể.
Vậy đâu là động lực lớn cho một mặt bằng lãi suất theo hướng tích cực trong năm 2019?
Ở đây có thể đề cập tới vai trò của nguồn đầu tư công, nếu dòng vốn này được thoát ra thị trường thì trong khoảng một tháng sẽ lập tức quay lại hệ thống ngân hàng, giảm áp lực huy động vốn của các nhà cho vay. Xu thế tăng của lãi suất vì vậy cũng sẽ bị kìm hãm.
Ngoài ra, cùng với chủ trương của NHNN về kiên quyết kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2019 ở mức 14% (như năm 2018), các ngân hàng sẽ có xu hướng lựa chọn khách hàng kỹ càng hơn. Sự cạnh tranh giữa các ngân hàng để “chọn mặt gởi vàng” cũng khiến mặt bằng chi phí tài chính của DN giảm đi.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tới bối cảnh mặt bằng lãi suất cả trong khu vực và trên thế giới đều đang tăng lên theo đà điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Phương Hiền