Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, đến 17 giờ 30 phút ngày 10/12, mưa lũ đã khiến hai người chết, hai người bị thương.
Mưa lũ cũng làm 680 nhà dân bị ngập cục bộ, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Đông Hà, Gio Linh và Vĩnh Linh. Tại huyện Vĩnh Linh mưa lũ khiến 9,5 tấn giống và 2 tấn mạ bị hư hỏng, hơn 69ha hoa, rau màu bị thiệt hại trên 70% và 99,5ha bị thiệt hại từ 50-70%...
Huyện Gio Linh thiệt hại 32ha cây hoa và rau màu, 14 tấn lúa bị ướt. Tại Thành phố Đông Hà số lương thực bị hỏng ước trên 48 tấn, hơn 26ha rau màu bị thiệt hại, trên 1.000 chậu hoa và 4,5ha hoa trồng bị ngập úng hư hại.
Tại huyện Triệu Phong có 180ha rau màu các loại bị thiệt hại hoàn toàn, tập trung chủ yếu ở các xã Triệu Trạch, Triệu Trung, Triệu Tài, Triệu Thượng, Triệu Đông, Triệu Long, Triệu An. Trên toàn tỉnh Quảng Trị, mưa lũ đã khiến trên 7.000 con gia cầm bị chết, gần 30 con gia súc bị nước cuốn trôi, trên 240ha diện tích hồ cá nước ngọt bị thiệt hại...
Một tuyến đường ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong bị ngập nước. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)
Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị đã có hai đập bị vỡ là đập Cầu Đúc (thị trấn Cửa Tùng) và đập Đình (xã Vĩnh Thái); tại Vĩnh Linh đã có hơn 19.250m kênh mương bị sạt trôi, hư hỏng, hơn 1.330m đê từ cấp 4 trở xuống bị hư hại, hơn 200m bờ sông ở xã Vĩnh Sơn bị sạt lở; tại huyện Gio Linh hơn 2km kè bảo vệ bờ sông bị sạt lở, hơn 500m kênh mương bê tông tưới tiêu bị hư hỏng nặng; tại huyện Triệu Phong, bờ sông qua khu dân cư thuộc thôn Đâu Kênh xã Triệu Long tiếp tục bị sạt lở, ăn sâu sát đường bêtông, tổng chiều dài 30m, công trình thủy lợi thuộc hệ thống tưới Nam Thạch Hãn ở xã Triệu Độ bị sạt lở 80m, bờ sông Thạch Hãn tại thôn Đại Lộc-Rào Hạ bị sạt lở 500m, hư hỏng 270m hệ thống mương tưới nội đồng, 300m đê tại thôn Hà Lộc, xã Triệu Phước bị hỏng nặng...
Về giao thông, tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Đông Hà nhiều tuyến đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng gần 46.000m. Ngoài ra, một số tuyến đường giao thông tại các huyện, thị xã và thành phố Đông Hà bị ngập sâu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Hồ Xuân Hòe cho biết hiện nay tất cả các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều đảm bảo an toàn. Đối với những hồ chứa đạt trên 100% dung tích thiết kế đang mở xả qua tràn xả lũ, luôn luôn duy trì mực nước ở trong hồ để đảm bảo an toàn cho công trình. Bên cạnh đó, tiếp tục điều tiết xả nước về vùng hạ du theo quy trình.
Bờ sông Thạch Hãn bị sạt lở do mưa lớn. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVNTrong ảnh: Mưa lớn gây ngập úng nhiều diện tích lưa và hoa màu tại huyện Triệu Phong. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN
Đối với những công trình đê kè, bờ sông, kênh mương bị sạt lở, hư hại, Sở đã cắt cử người trực tiếp đi kiểm tra cũng như phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai những giải pháp xử lý trước mắt như khoanh vùng, lập hàng rào bảo vệ, cắm biển cảnh báo sạt lở để người dân được biết, tránh tai nạn đáng tiếc cho người dân và các phương tiện qua lại. Đối với diện tích hoa, rau màu, lúa giống bị hư hại sau khi kết thúc đợt mưa lũ ngành sẽ có giải pháp để chỉ đạo các địa phương tổ chức sản xuất lại cây vụ Đông để đảm bảo thu nhập cũng như cuộc sống cho bà con nhân dân.
Nhằm đảm bảo an toàn và tính mạng cho người dân, trong những ngày qua, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị và các sở, ban, ngành có liên quan đã có mặt tại các địa phương bị ngập lụt, địa điểm sạt lở để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó. Đồng thời, các lực lượng quân đội như công an, biên phòng, quân sự cũng đã triển khai lực lượng có mặt tại các điểm "nóng" để hỗ trợ người dân bảo vệ tài sản và khắc phục hậu quả khi nước rút.
Cũng trong ngày 10/12, tại Thừa Thiên-Huế, mưa lớn xảy ra trên diện rộng khiến một người mất tích do lũ cuốn trôi. Nạn nhân là anh Nguyễn Thế C. (21 tuổi), trú tại thôn Chằm, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà.
Nước sông Hương (Thừa Thiên - Huế) mưa to dự báo có thể gây úng ngập vào ban đêm. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN
Thông tin ban đầu cho biết khoảng 12 giờ ngày 10/12, khi anh C. đi đến đoạn đập tràn thủy lợi khe Ngang (thôn Chằm) thì nước khe đột ngột dâng cao, chảy xiết và anh bị cuốn trôi. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến những người dân sinh sống gần đó không kịp ứng cứu. Ủy ban Nhân dân phường Hương Hồ đã cử lực lượng, phương tiện phối hợp với người dân trong vùng tìm kiếm nạn nhân, nhưng mưa lũ diễn biến phức tạp nên việc tìm kiếm đang gặp nhiều khó khăn.
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Thừa Thiên-Huế, trong vòng 24 giờ qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến ở vùng núi là 50-70mm, vùng đồng bằng 120-220mm, riêng ở khu vực Bạch Mã (Phú Lộc) là 347mm. Tại huyện Phong Điền có hơn 40 nhà dân sinh sống gần sông Ô Lâu bị ngập do mưa lũ, nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước và chia cắt.
Tại các xã đầu nguồn sông Ô Lâu, sông Bồ Hòa bị ngập sâu và chia cắt, nhiều đoạn nước ngập cao từ 30-70cm. Sáng 10/12, học sinh tại một số trường học ở các xã vùng thấp trũng như Phong Bình, Phong Chương, Phong Hòa phải nghỉ học.
Mưa lớn kéo dài đã gây ngập úng trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc với độ sâu ngập từ 0,2-0,3m gây ách tắc giao thông cục bộ (khoảng từ 3-7 giờ ngày 10/12), công an huyện Phú Lộc đã tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi lưu thông qua khu vực bị ngập úng.
Trường học ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc bị ngập lụt học sinh phải nghỉ học. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Dự báo trong ngày 11/12 tới tại Thừa Thiên-Huế tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến (từ 13 giờ ngày 10/12 đến 13 giờ ngày 11/12), ở vùng núi 50-80mm, vùng đồng bằng 70-150mm, có nơi trên 200mm. Trên sông Hương, mực nước tại trạm Kim Long trên báo động 1 là 0,02m; trên sông Bồ, mực nước tại trạm Phú Ốc trên báo động 1 là 0,13m.
Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã gửi công điện khẩn tới các cơ quan, đơn vị tổ chức ứng trực 24/24 giờ nhằm chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp. Các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ để có phương án di dời người dân ở vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở; đặc biệt là khi nước trên các triền sông đổ mạnh vào ban đêm, nhằm chủ động lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời ứng phó với thiên tai tại các địa phương khi lũ lên cao./.