Phạm Thị Hường từng “chữa bệnh” cho nhiều người bằng những chiêu “quái gở” như thế này. Hậu quả, đã có không ít người tự mang vạ vào thân. ẢNH: H.L.
CÔ ĐỒNG CHỮA BỆNH
Mấy năm gần đây ở Quảng Trị, các cơ sở chữa bệnh trái phép bằng nước thánh, lên đồng nhiều như nấm mọc sau mưa. Trong số đó có những cơ sở được rất đông người tìm đến như cơ sở của cô đồng Nguyễn Thị Hồng (phường 5, TP Đông Hà), Phạm Thị Hường (thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên) của huyện rẻo cao Đakrông, Trần Thị Quỳnh và Phạm Thị Nhung ở xã bãi ngang Gio Hải, huyện Gio Linh... Đa phần các cô đồng đều có hoàn cảnh tương tự nhau, như đơn thân, chồng bỏ và trình độ học vấn thấp.
Các cô đồng chữa bệnh thì muôn hình vạn trạng. Cô thì múa may quay cuồng, nhào lộn như trong phim kiếm hiệp rồi đứng hẳn lên người bệnh được nằm sấp nhún nhảy, đạp mạnh từ phần chân lên tới vùng đầu. Có cô ngồi xếp bằng, hai tay múa như xà quyền rồi bất ngờ tung quả đấm vào đầu người bệnh hoặc dang tay tát mạnh vào mặt con bệnh. Có cô cũng với chiêu này, song tỏ ra độc đáo hơn bởi sau một cú đánh mạnh vào người bệnh là tiếng chiu chiu kèm theo phát ra từ chính miệng cô đồng y như trong phim chưởng của Kim Dung vậy. Nhiều cô khác chữa bệnh bằng cách cúng bái.
Cô đồng sau khi thắp hương khấn vái, xin bề trên (thường là ngài đông y A, B, C nào đó một ngàn năm hoặc vài ngàn năm tuổi) nhập hồn vào mình để bắt bệnh cho người đến xin được cứu chữa. Việc bắt bệnh diễn ra khá chóng vánh, với những lời nói mơ hồ đầy màu sắc ma mị như mộ ông nội bị động, bị quở trách nên sinh ra đau ốm; bếp nhà có cái vòi nước đằng sau, không hợp với bổn mạng của gia chủ, cần phải tháo bỏ hoặc dời đi nơi khác để được yên lành. Vân vân…
Sau bắt bệnh là y lệnh của “người âm” ban cho nhưng rút cuộc những người bệnh đến đây đều được uống một thứ nước gọi là nước thánh. Nước thánh thực chất do cô đồng lấy từ một vòi nước lạnh trong nhà bếp rồi đặt lên bàn thờ. Sau khi uống thứ gọi là nước thánh đó, những người bệnh đều có nghĩa vụ trả ơn cô đồng bằng tiền mặt và các vật chất khác.
Miếu Ngài Đông Y nằm giữa cánh đồng lúa thấp trũng thôn Phú Lễ thực chất là nơi thờ tự vị thầy thuốc nam đã mất mấy trăm năm trước.
RƯỚC HỌA VÀO THÂN
Chị Nguyễn Thị H. 48 tuổi, ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình nức nở: “Giữa năm 2011, chồng tui ốm nặng, đến khám bệnh viện được chẩn đoán bị ung thư máu. Do suy sụp tinh thần nên sức khỏe anh ấy tụt rất nhanh. Tháng 8 năm đó, anh ấy nghe ở thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông, Quảng Trị có cô đồng Phạm Thị Hường chữa bệnh rất hiệu nghiệm nên anh nói lại chuyện này với tui.
Trong thâm tâm tui lúc đó không hề tin vào chuyện bói toán, cúng cầu hay lên đồng chữa bệnh song có bệnh thì vái tứ phương nên hai vợ chồng vay mượn tiền bạc vào gặp bà đó để chữa bệnh. Nhưng do cách chữa bệnh quái gở của bà ta như giẫm đạp lên người, đấm mạnh vào đầu người bệnh nên sức khỏe của chồng tui vốn đã yếu, trở nên suy kiệt rất nhanh. Tui vẫn nhớ như in, hôm đó sau lần bà Hường ni nhập hồn, múa may, nhào lộn rồi đấm liên tục vào đầu chồng tui, anh ấy ngã lăn ra đất, bất tỉnh. Tui vội nhờ người dân ở đó cùng đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cấp cứu… Vào viện nằm được vài tiếng đồng hồ thì anh ấy tắt thở”. Chúng tôi hỏi chị H, lúc đó hoặc sau này có báo sự việc với cơ quan công an không? Chị H. bảo: “Tui không báo song được biết sau vụ việc, Công an huyện Đakrông có mời cô đồng Hường lên trụ sở làm việc và có xử phạt hành chính. Lỗi một phần do mình mà ra, bởi vì mình mù quáng nên rước lấy hậu quả”.
Ở huyện miền núi Hướng Hóa có người bệnh Trần Văn Đ. cũng chết đau đớn vì cách chữa bệnh quái gở của cô đồng Hường... Anh Trần Văn Đăng, em trai anh Đ. kể, tháng 12/2012, anh Đ. đau ốm vào viện, được bác sĩ khám, làm các xét nghiệm và cho biết bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Sau 3 tháng nằm điều trị tại Khoa Ung bướu Bệnh viện T.Ư Huế, do không đủ sức khỏe để xạ trị và truyền hóa chất nên người nhà xin được đưa người bệnh về nghỉ ngơi. Thời gian trước đó, người dân huyện Hướng Hóa và người nhà anh Đ. đã nhiều lần nghe cô đồng Hường chữa bệnh bằng cách lên đồng nhưng họ không tin cho tới khi người nhà mắc bệnh nan y không thể cứu chữa được.
“Tôi nói với chị Thương, vợ anh tôi là còn nước thì còn tát, giờ bệnh viện chịu rồi, còn chỗ “người âm” thì mình cũng nên thử, biết đâu ông trời thương sẽ cho mình khỏi bệnh. Song khi sự việc xảy ra thì tôi ân hận vô cùng. Nếu tôi không đem anh đến chỗ bà Hường chữa bệnh với kiểu dùng nắm tay đấm vào đầu nhiều lần mỗi ngày thì anh ấy sẽ còn sống được với vợ con thêm một thời gian nữa. Cũng là do đầu óc tôi lúc đó mụ mị, tin vào những điều mê tín vớ vẩn”, anh Trần Văn Đăng day dứt.
Ông Võ Thương, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Nguyên kể: “Đệ tử của cô đồng Hường là Nguyễn Văn Q., ở xã Mò Ó, huyện Đakrông, cách nhà Hường khoảng 3km. Anh này ngoài nhiệm vụ soạn lễ, cúng cầu, phụ giúp chữa bệnh, còn bao thầu việc đưa đón người bệnh, bố trí sắp xếp việc chữa bệnh và nơi ăn ở cho họ.
Khi anh Q. đổ bệnh, Hường vẫn an nhiên, cho rằng người ngoài còn chữa khỏi huống là đệ tử ruột của mình! Nhưng kết cục thật đau lòng, sau nhiều lần bị thầy giẫm đạp lên thân thể, đấm vào đầu, sức khỏe anh yếu đi nhanh chóng và chỉ một thời gian ngắn sau anh tử vong vì kiệt sức”.
Nước trên bàn thờ trong miếu Ngài Đông Y thực chất là nước lọc được đặt lên theo phong tục cúng kỵ dân gian, không phải là “nước thánh” như nhiều người lầm tưởng.
NƯỚC THÁNH MIẾU NGÀI
Ở thành phố Đông Hà, chúng tôi tìm đến Mộ Ngài ở thôn Phú Lễ, phường Đông Lễ để mục sở thị cảnh người bệnh khắp nơi tới đây cúng cầu, xin cái gọi là nước thánh chữa bách bệnh. Qua khỏi Bến xe khách phía Nam Đông Hà chừng 20m, theo con đường thảm nhựa đến ngã tư đường Thạch Hãn-Hàn Thuyên nơi đối diện có đình làng Lập Thạch rồi theo con đường đất chừng 500m là đến Mộ Ngài.
Mộ Ngài kỳ thực là một ngôi miếu. Những năm gần đây Ban điều hành làng Phú Lễ sửa sang, lợp lại mái ngói mới đỏ tươi, nằm giữa cánh đồng lúa mênh mông. Khác với những gì đã nghe kể, lúc chúng tôi đến ngôi miếu chỉ phảng phất mùi hương song do người chăm sóc miếu thắp theo thường lệ vào mỗi buổi chiều muộn.
Dân làng Phú Lễ kể chuyện xin nước thánh ở ngôi miếu. Miếu có tên Miếu Ngài Đông Y, thờ cúng một vị thầy thuốc Nam người làng đã có công rất lớn trong việc khám chữa bệnh, cứu người từ hàng trăm năm trước. Việc thờ cúng không chỉ là bổn phận của dân làng mà còn là tình cảm, sự kính trọng đối với ngài. Bên cạnh việc thờ cúng, mỗi khi làng có người đau ốm, theo tục dân gian, bà con ra miếu thắp hương với mong muốn được người đã khuất linh thiêng phù hộ, giúp đỡ cho người bệnh tai qua nạn khỏi.
Nhưng về sau phong tục dân gian này đã bị đồn thổi, thêu dệt nên câu chuyện thần thánh với đầy màu sắc huyền bí. Rồi người ở nơi khác (thường là người bị nan y, trọng bệnh) tìm đến đây bởi những lời đồn thổi, thêu dệt ấy. Bà con còn thêu dệt chuyện nước thánh chữa bách bệnh vốn là nước lọc được đặt trên bàn thờ theo phong tục cúng kỵ lâu nay. Thực tế sau những lần uống cái gọi là nước thánh đó, bệnh tình không hề thuyên giảm, thậm chí nhiều trường hợp bệnh trở nên nặng hơn và có người đã không qua khỏi.
Theo Hữu Thành -Hiền Lương (Báo Tiền Phong)