Đã có chỉ đạo Chính phủ nhưng giá thịt lợn vẫn tăng chóng mặt
Tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về bình ổn giá trong bối cảnh giá thịt lợn đang tăng cao (18/11), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp đáp ứng cung – cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp lễ, tết, khi nhu cầu thịt lợn tăng 25-30% một ngày. Đến nay, đã hơn 1 tháng sau khi có chỉ đạo của Phó Thủ tướng, giá thịt lợn vẫn đang tăng vù vù tại các chợ dân sinh và siêu thị.
Qua khảo sát của phóng viên tại các chợ Bưởi, Cống Vị, Ngọc Hà, Hà Đông, chợ Quang (Hà Nội), giá thịt lợn tăng lên mỗi ngày, làm người đi chợ ngày nào cũng thấy thiếu hụt, không thể mua đủ lượng thực phẩm dự kiến khi lượng tiền mang đi chợ vẫn như mọi khi.
|
Giá thịt lợn tăng chóng mặt tại các siêu thị (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: T.X) |
Cụ thể: Thịt vai sấn 180.000 đồng/kg, thịt thăn 200.000 đồng/kg, thịt ba chỉ (loại 1) 210.000 đồng/kg, sườn thăn 210.000 đồng/kg, xương cục 160.000 đồng/kg, thịt bắp giò 200.000 đồng/kg.
Khi giá thịt lợn tăng cao, người dân chuyển sang ăn thịt gà, thịt bò và các thực phẩm khác. Tuy nhiên, những loại thực phẩm này cũng đang theo đà giá thịt lợn tăng từ 7-14%. Theo đó, giá thịt bò thăn ở mức 275.000 đồng/kg, gà ta 125.000 đồng/kg, vịt 90.000 đồng/kg, ngan 100.000 đồng/kg (làm sạch), gà tây 85.000 đồng/kg, cánh gà tây 100.000 đồng/kg, đùi gà tây 85.000 đồng/kg, cá trắm giá 80.000 đồng/kg, cá rô phi 50.000 đồng /kg, cá chép 60.000 đồng/kg...
Giải thích việc giá thịt lợn tăng giá theo từng ngày, chủ cửa hàng chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Giá thịt lợn tăng đến các chị còn hoa hết cả mắt mũi. Tối hôm trước báo giá 140.000 đồng/kg thịt móc hàm, sáng ngày hôm sau đi lấy hàng lại phải trả đủ 150.000 đồng/kg thì mới được mang thịt về. Đi mua thịt bây giờ cũng khó khăn, mà còn tranh nhau nữa. Bán lẻ thì tăng giá mỗi ngày, người mua kinh ngạc, hỏi lại giá và chị phải mất công giải thích; còn bán thịt cho các nhà hàng thì lại còn khó khăn hơn vì giá không thể chốt theo tháng, mà chỉ có thể chốt 3 ngày một và biên đột dao động tăng không quá 5%.
Người bán thịt lợn kêu, người nội trợ than: “Thật sự, cầm 200.000 đồng ra chợ bây giờ chỉ loáng một cái là hết sạch, mình mới chỉ đứng ở hàng thịt thôi mà đã như người mất cắp rồi. Mua thì có gì, 3 lạng thịt vai xay, 3 dẻ sườn thăn và 4 lạng thịt 3 chỉ kho tầu, thế là đã hết gần 200.000 đồng cầm trong tay rồi, chưa kể mua thêm rau củ. Bây giờ ra chợ mà không khéo tính thì về nhà con cháu lại tưởng mình bớt xén tiền đi chợ của chúng...” - cô Chi (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Bài học cung - cầu về thịt lợn
Mặt hàng thịt lợn năm nay ngược hẳn với năm 2017 khi rơi vào trạng thái “mất mùa được giá” như đã thấy những tuần gần đây. Nhưng chính việc “được giá” này lại tỏ ra hết sức bất thường trong chuỗi sản xuất với việc lợi nhuận không rơi vào người chăn nuôi mà lại rơi vào thương lái và thương nhân ở chợ, khiến các nhà quản lý đau đầu trong việc cân đối, dự liệu nguồn cung và lớn hơn là sự ổn định của các tiêu chí kinh tế vĩ mô.
Trên thực tế, do đặc thù quản lý ở Việt Nam, việc bình ổn thị trường cũng như bảo đảm nguồn cung không thể chỉ dựa vào nỗ lực riêng của Bộ Công Thương. Chính do điều này mà Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chính xác nguồn cung hiện tại và dự báo đến Tết Nguyên đán (tháng 1 và tháng 2 năm 2020). Chưa có số liệu cụ thể cho biết chính xác thiếu hụt nguồn cung là bao nhiêu nhưng biên độ dao động rất lớn (khoảng từ 200.000 đến 600.000 tấn).
Trong bối cảnh đó, ngày 17/12/2019, tại Văn bản số 11451/VPCP-KTTH, Thủ tướng Chính phủ đã phê bình và yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm. Văn bản 11451 nhấn mạnh, từ nay, “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô”. Những lý do trên đây đưa tới cái nhìn về định liệu cung cầu thị trường, không chỉ có ích với mặt hàng thịt lợn mà còn với nhiều mặt hàng nông sản khác.
Mặt khác, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để ổn định thị trường cung – cầu cần phải chuyển sang quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn để khi "có biến” vẫn kịp trở tay hoặc chí ít mức độ thiệt hại không mang tính phổ biến. Công tác phối hợp thường xuyên liên tục giữa các bộ hữu quan cần phải được đề cao vì lợi ích chung của người tiêu dùng, người sản xuất và tâm lý bình ổn chung của thị trường./.