LẠC QUAN, HÀNH TRANG CUỘC SỐNG NGƯỜI QUẢNG TRỊ 

Lạc quan trước mọi hoàn cảnh là một phẩm chất của con người Quảng Trị. Sự lạc quan là “giá đỡ”, là “cứu cánh” cho cuộc sống mưu sinh đầy gian khó.

Người Quảng Trị sống trong một điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, là“Ô châu ác địa” như câu nguyền rủa của dân gian. “Một vùng đất nghèo xơ xác- nghèo đến độ con đói ba ngày đòi cơm, cha mắng “mới ăn cơm bữa diếp mà đã đói”. Nghèo phải mò cua bắt ốc, hái củi đốt than. Đau đến độ không thuốc thang, phải nhờ Đức mẹ hiện hình dạy chặt lá vằng múc nước mội sắc lên uống để chữa bệnh” [1].  Ngoài ra, còn kể đến bối cảnh lịch sử xã hội liên tục bị tác động bởi chiến tranh, ly loạn. Sống trong điều kiện ấy nếu chỉ có chịu khó, chịu khổ thôi chưa đủ để con người vượt qua mọi hiểm họa, rủi ro; chưa đủ để giúp cho con người không buông bỏ, không tuyệt vọng và tiếp tục đứng lên, giành giật lấy sự sống cho mình; đó chính là: Lạc quan. Lạc quan để vươn lên, tiếp tục cuộc sống và hướng về tương lai.

Chúng ta có thể nhìn thấy trong cuộc sống cũng như có thể tìm thấy trong di sản tinh thần (như ca dao tục ngữ) hình ảnh nhẫn nại chịu đựng của người dân trước rủi ro bất hạnh có khi đến mức phi thường không thể tưởng tượng được và liền theo đó lại là một tinh thần lạc quan kì diệu của con người trên mảnh đất này. Chẳng hạn như, bài ca dao Mười quả trứng (được cho xuất phát từ vùng đất Triệu Hải) [ huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng ngày nay] là sự khái quát điển hình nhất cho sự nghèo túng, xui xẻo, nhưng đằng sau đó ẩn chứa tình thần lạc quan vì họ đã nắm được tinh thần triết lý phương Đông: Trong họa có phúc; cùng tắc biến, biến tắc thông; bĩ cực thái lai: Tháng Giêng/ tháng Hai/, tháng Ba/ tháng Bốn/ tháng khốn/ tháng nạn/ Đi vay đi dạm được một quan tiền/ Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái về nuôi, hắn đẻ ra mười trứng/ Một trứng ung/ Hai trứng ung/ Ba trứng ung/ Bốn trứng ung/ Năm trứng ung/ Sáu trứng ung/ Bảy trứng ung/ Còn ba trứng nở ra ba con/Con diều tha/ Con quạ bắt/ Con cắt xơi/ Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. Bài ca dao có 18 câu thì hết 16 câu đầu miêu tả sự phụ bạc đến bất nhân của hoàn cảnh. Cứ ngỡ sự tàn khốc đến mức ấy thì ai cũng sẽ phải sụp đổ. Nhưng chỉ cần hai câu cuối: “ Đừng than phận khó ai ơi/ còn da lông mọc, còn chổi nảy cây” chúng ta lại thấy sự chịu đựng, nhẫn nại, quyết không buông bỏ, không tắt niềm hy vọng, cùng với đó là sự lạc quan đến kinh ngạc của con người nơi đây trước nghịch cảnh. Và nếu hiểu một cách khác là họ đã nắm được tinh thần triết lý phương Đông như đã nói ở trên để họ có niềm tin ngày mai tươi sáng.

Một biểu hiện khác rất đặc biệt ở phẩm chất lạc quan, đấy là tố chất nghệ sĩ trong những con người sống trên mảnh đất này. Tố chất ấy là sự hình thành tự nhiên ở những con người có tinh thần lạc quan. Ngược lại, nhờ có tinh thần lạc quan mà tố chất nghệ sĩ có điều kiện phát triển, trở nên điển hình thành một “vũ khí” giúp con người có đủ sự tự tin để lạc quan trước mọi thử thách của cuộc sống. Chúng ta có thể nhận ra tố chất nghệ sĩ của người Quảng Trị qua những cơ sở thực tiễn sau:

 Thứ nhất, Quảng Trị là cái nôi của vùng dân ca đặc sắc Bình Trị Thiên mà nổi bật nhất là nơi đã sản sinh ra những điệu lý và những điệu hò rất độc đáo.

Thứ hai, điều bất ngờ và khá thú vị của vùng đất vốn được coi nghèo đói xác xơ này, là đã hình thành nên một số vùng quê được cả nước gọi tên là Làng Nghệ sĩ như: Làng Tùng Luật ở bên sông Hiền Lương hay làng Như Lệ ở bên sông Thạch Hãn. Làng nói trạng Vĩnh Hoàng cũng có thể được coi là một làng nghệ sĩ.. Từ những Làng Nghệ sĩ đó và nhiều làng quê khác dọc theo ba con sông: Hiền Lương, sông Hiếu, sông Thạch Hãn đã xuất hiện những văn nghệ sĩ nổi tiếng đứng vào hàng số một của Quốc gia, thậm chí còn được coi là nổi tiếng thế giới. Trí Ánh    

 

     [1]  Theo Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Đàm

1224 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 679
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 679
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76764257