Học sinh tại các trường Tiểu học - THCS A Bung và Tiểu học - THCS A Ngo ở huyện vùng cao Đakrông cũng học thêm ngoài chương trình chính khóa, nhưng nội dung thì khác xa so với dưới xuôi. Bởi kiến thức chỉ xoay quanh các vấn đề như: Luật biên giới, tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, vận động học sinh đến trường… Thầy cô đứng lớp lại càng khác: những chiến sĩ ở Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay (đóng trên địa bàn xã A Ngo, H.Đakrông).
Đại úy Nguyễn Duy Thánh trong lần đứng lớp.
ẢNH: T. L
|
Đại úy Nguyễn Duy Thánh (31 tuổi, Chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay) bảo tiết học này nằm ngoài chương trình chính quy của Bộ GD-ĐT, áp dụng cho học sinh ở địa bàn 2 xã thuộc đồn quản lý đã được 2 năm. “Ban đầu, đấy chỉ là buổi tuyên truyền chính sách trong nhân dân, nhưng chúng tôi nhận thấy tại các buổi đó trẻ con lúc nào cũng đông. Được sự ủng hộ của lãnh đạo đồn, tôi cùng một số anh em trong chi đoàn xây dựng kế hoạch, soạn giáo án chi tiết có tên là… tiết học biên giới”, đại úy Thánh, người được cho là có công đầu khởi sự chương trình này, nhớ lại.
Sự ủng hộ nhiệt thành của chính quyền địa phương và các thầy cô giáo đã giúp ý tưởng của lính biên phòng nhanh chóng được áp dụng trong thực tế. Từng tốt nghiệp Học viện chính trị quân sự, lại có chút kỹ năng sư phạm, đại úy Thánh đã đứng lớp thành công hơn chục lần. “Ban đầu chúng tôi tổ chức tiết học ở giờ chào cờ, có cả trăm em học sinh cùng nghe. Về sau, chúng tôi đưa tiết học vào từng lớp học nhỏ để tăng khả năng tiếp thu cho các em”, anh giải thích thêm. “Chia lửa” với anh còn có thượng úy Nguyễn Văn Bằng (26 tuổi, Đội trưởng đội tham mưu hành chính của đồn biên phòng). Có năng khiếu sư phạm, từng ôn luyện cho chiến sĩ trẻ trong đơn vị đỗ cả đại học, nhưng thượng úy Bằng vẫn nhận thấy chuyện đứng lớp không hề “đơn giản”. “Bởi học trò ở miền núi thường rụt rè, chỉ lắng nghe mà… không dám hỏi hay tranh luận. Mình đã phải gợi mở rất nhiều, tìm mọi cách để biến tiết học trở nên gần gũi, may ra các em mới “thấm” được”, thượng úy Bằng tâm sự.
Thượng úy Nguyễn Văn Bằng trong lần đứng lớp.
ẢNH: T. L
|
Ấy vậy mà, riêng năm 2017, “tiết học biên giới” cũng mở được 5 lần trong giờ chào cờ với lượng “khán thính giả” lên đến 1.500 em. Sang năm 2018, những tháng đầu của học kỳ 2 đã có thêm 5 tiết học như thế được mở, gói gọn bên trong lớp học. Trước mắt sẽ là những tiết học khác, khi năm học mới 2018-2019 khởi động… Vậy nên, đừng bất ngờ khi lên vùng cao này lại bắt gặp không ít học sinh thuộc làu kiến thức về biên giới quốc gia hoặc đơn giản là kỹ năng sống, tránh xa tệ nạn xã hội. Và cũng dễ hiểu khi Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Trị đã chỉ đạo triển khai mô hình của La Lay rộng khắp ra các đồn vùng biên trong toàn tỉnh.
Ổ bánh mì tình nghĩa
Cũng như bao vùng cao khác, trẻ con sống ở quanh đồn La Lay thường đến trường với… cái bụng rỗng. Ở chốn thâm sơn cùng cốc này, cha mẹ chúng xoay xở mỗi ngày 2 bữa cơm đã là giỏi lắm rồi. Thiếu ăn đã là một trong những nguyên nhân khiến học trò vùng cao bỏ học.
Nhưng đã 2 năm nay, học trò ở A Ngo, A Bung mỗi tuần lại có 2 bữa ăn sáng miễn phí khá “sang chảnh” với bánh mì chấm sữa. Những người phát bánh mì không ai khác lại chính là những chú lính biên phòng. Thượng úy Nguyễn Văn Bằng, người khởi xướng việc này, khiêm tốn bảo đấy chưa phải là chương trình gì to tát, tất cả chỉ bắt nguồn từ tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng La Lay. “Do thấy các cháu nhịn đói đi học tội nghiệp quá, anh em chúng tôi trích lương mỗi người chừng 100.000 - 200.000 đồng mỗi tháng để nộp vào quỹ. Các chỉ huy đồn cũng rất ủng hộ, nộp quỹ nhiều và… đều hơn chúng tôi. Gần đây chúng tôi mới kêu gọi mạnh thường quân bên ngoài khi số lượng học sinh ngày càng đông”, thượng úy Bằng cho hay.
Các chiến sĩ biên phòng không thể nhớ mình đã phát bao nhiêu ổ bánh mì. Họ chỉ biết, đều đặn mỗi tuần 2 lần, học sinh ở 19 bản ở các xã A Ngo, A Bung sẽ được luân phiên nhận 100 ổ bánh mì về cho mỗi bản. Còn tại trường, bánh mì thường có vào 6 giờ sáng ngày đầu tuần và cuối tuần. “Trẻ con mà, cứ nghe đến trường có bánh mì sữa ăn sáng là các cháu kéo nhau đi đều đặn lắm! Và khi bụng no, cái chữ cũng dễ thấm hơn”, thượng úy Bằng nói vui về “mẹo” dụ trẻ con của mình.
Khi nhìn thấy ánh mắt ngời hạnh phúc của đám trẻ vùng cao đang nhai bánh mì trước khi bước vào “tiết học biên giới”, bạn sẽ tự cắt nghĩa vì sao. Bởi đấy đâu đơn giản chỉ là ổ bánh mì, mà còn gói ghém bên trong rất nhiều tâm tình của lính biên phòng dành cho những mầm xanh nơi rừng sâu núi thẳm…
Hai “hạt giống đỏ”
Đại úy Nguyễn Duy Thánh vừa được T.Ư Đoàn tặng Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2018, còn thượng úy Nguyễn Văn Bằng cũng vào top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng năm 2017. Hai chiến sĩ biên phòng này gắn liền với những thành tích nổi bật trong các phong trào tình nguyện vì cộng đồng, mà “tiết học biên giới” và “ổ bánh mì biên cương” là thí dụ điển hình.
|