20h, sau bữa cơm tối vội, Phó đồn Biên phòng xã Thuận (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), đại úy Nguyễn Tuấn Anh cùng các cán bộ nhanh chóng lên xe bán tải, bắt đầu hành trình băng rừng, vượt suối đến các lán trại tạm được dựng dọc bờ sông Sê Pôn để kiểm tra hoạt động kiểm soát.
|
Lực lượng biên phòng Quảng Trị cùng công an, dân quân tự vệ chống dịch nơi biên giới |
Kể từ thời điểm dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, đây là việc thường xuyên mỗi đêm. Đại úy Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đồn được giao quản lý hơn 13km biên giới, trải dài dọc sông Sê Pôn tiếp giáp với Lào.
|
Lán trại được lập vội bên dòng Sê Pôn |
“Bên kia sông Sê Pôn là những bản làng của huyện Savanakhet, nơi có hàng trăm người dân Lào sinh sống, có mối quan hệ thân tộc với nhiều người dân địa phương.
Từ xưa tới nay, người dân 2 bên biên giới vẫn thường qua sông, theo các đường mòn, lối mở để trao đổi hàng hóa, thực phẩm hoặc qua về làm nương rẫy.
Từ khi Chính phủ có chủ trương tạm dừng việc nhập cảnh, lực lượng biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương lập các chốt chặn 24/24 giờ, kiểm soát ngăn chặn người dân qua biên giới”, đại úy Tuấn Anh cho biết.
Cũng theo đại uý Tuấn Anh, địa hình biên giới tiếp giáp với Lào hiểm trở, việc thông thương, qua lại giữa người dân 2 bên biên giới đã tồn tại từ lâu nên rất khó để kiểm soát chặt hoạt động đi lại của người dân.
“Quán triệt chỉ đạo của lãnh đạo Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đồn Biên phòng xã Thuận đã lập “vành đai sống” với 10 điểm lán trại, cùng với lực lượng công an, dân quân tự vệ kiểm soát chặt hoạt động qua về của người dân. Các điểm lán trại được dựng tạm tại khu vực các bến đò lên xuống sông Sê Pôn, nơi người dân vẫn thường qua lại”, Phó đồn Biên phòng xã Thuận chia sẻ.
Đêm trắng vùng biên
|
Đốt lửa trại trực xuyên đêm |
Bên dòng sông Sê Pôn mùa nước cạn, những lán trại của các chiến sĩ biên phòng được dựng vội. Một cán bộ biên phòng đang “trực chiến” tại lán trại thôn 5 cho biết, công việc canh gác ban đêm ở vùng biên tuy khó khăn, vất vả nhưng mọi người vẫn vui vì được làm nhiệm vụ ngăn chặn dịch bệnh ở tuyến đầu.
Không giống khu vực cửa khẩu, người dân nơi đây chủ yếu tự mở đường mòn, qua về biên giới để trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm. Đặc biệt, những đường mòn, lối mở mang tính tự phát nên công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
|
|
Lực lượng biên phòng tuyên truyền cho bà con dân bản |
|
Cùng với việc lập các lán trại dọc biên giới và cắt cử cán bộ chốt chặn 24/24 giờ, đồn Biên phòng xã Thuận cũng lập tổ cơ động với 30 chiến sỹ, thường trực tại đồn và sẵn sáng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
"Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng tuyên truyền để người dân hiểu, giúp họ ý thức được diễn biến phức tạp của dịch bệnh để mỗi người dân có thêm kiến thức, tự bảo vệ mình và người thân”, vị cán bộ cho biết.
|
Cán bộ tại các chốt chặn vùng biên ấm lòng khi được người dân quan tâm, tặng nhu yếu phẩm |
|
Sau chuyến chở chuối cuối cùng qua biên giới, anh Rưng (giữa) được vận động ở nhà để tránh dịch |
Anh Văn Rưng (trú thôn 3, xã Thuận) chia sẻ, công việc hàng ngày của gia đình là chèo đò vượt sông Sê Pôn qua Lào, cùng với dân bản địa trồng chuối.
“Cả nương chuối bên Lào đang đến mùa thu hoạch nhưng mấy ngày qua, chúng tôi được các chú biên phòng và chính quyền tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh, tạm thời không được qua Lào nữa để tránh lây lan nên tôi và gia đình cũng chấp hành", anh Rưng chia sẻ.
Đại úy Tuấn Anh xác định, diễn biến dịch Covid-19 dự kiến sẽ còn kéo dài và phức tạp, đồng nghĩa với việc lực lượng biên phòng và các cơ quan khác trong thời gian tới sẽ còn phải căng mình để chống dịch. Những người lính biên phòng nơi đầu tuyến biên giới phải là chốt chặn vững chắc, những lá chắn sống trong công tác phòng, chống dịch.
Quang Thành