Kỳ vọng một đại hội đổi mới 

(ĐCSVN) - Đại diện cho hơn 9,9 triệu thanh niên Việt Nam dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ VIII, các đại biểu đã nói lên tiếng nói, nguyện vọng gửi gắm đến Đại hội.

 

 Anh Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN TP Hà Nội. 

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Theo anh Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN TP Hà Nội, Đại hội lần này là đại hội đổi mới, sáng tạo nên tổ chức Hội cần thực sự là người bạn đồng hành của thanh niên trong khởi nghiệp, sáng tạo; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức và tinh thần về khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên và cộng đồng; xây dựng chương trình truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp; biểu dương, tôn vinh các cá nhân và tập thể tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp.

Hội cần tìm kiếm, phát huy ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên, hình thành cơ sở dữ liệu về ý tưởng khởi nghiệp; tham gia xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; kết nối ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng. Thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, chuyên gia… nhằm hỗ trợ thanh niên trong hợp tác, trao đổi thông tin, kiến thức và kỹ năng; hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp khả thi; kêu gọi các nguồn vốn, tổ chức hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở Đoàn, Hội...

Bên cạnh đó, tôi mong muốn tổ chức Hội là diễn đàn thanh niên sống đẹp, hữu ích để từ đó thanh niên Việt Nam hình thành được ý thức ngay trong những việc nhỏ hằng ngày, xây dựng lối sống văn minh, hiện đại và vẫn mang trong mình những giá trị truyền thống.

Hoạt động Hội cần hướng tới các đối tượng thanh niên

Anh Phan Thanh Trẻ, Phó chủ tịch thường trực Hội LHTN tỉnh Bến Tre cho rằng, hỗ trợ thanh niên nông thôn thoát nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp Hội cần triển khai.

Anh Phan Thanh Trẻ, Phó chủ tịch thường trực Hội LHTN tỉnh Bến Tre. 

"Tôi mong rằng, Trung ương Hội LHTN Việt Nam và các ngành chức năng sẽ có chính sách hỗ trợ để các cấp Hội tiếp tục quan tâm chăm lo hơn nữa đối với lực lượng lao động trẻ có học vấn thấp, thu nhập thấp, quan tâm đến việc học tập văn hóa, đào tạo nghề trong thanh niên. đặc biệt là thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân các khu công nghiệp.

Hội cần nghiên cứu mở rộng loại hình trường bổ túc văn hóa, trường nghề với thời gian và phương pháp học tập linh hoạt nhất, gần với nơi sản xuất, nơi ở trọ, gần khu công nghiệp, tạo điều kiện cho thanh niên theo học”, anh Trẻ bày tỏ.

Bên cạnh đó, Hội cần có chính sách chăm lo phát triển tài năng trẻ trên tất cả các lĩnh vực, giúp các tài năng trẻ có điều kiện học tập, trau dồi phát triển toàn diện tài năng theo hướng sớm phát hiện năng khiếu, hỗ trợ học tập, đào tạo phát triển tài năng. 

Hội cần xây dựng các loại hình tập hợp du học sinh, trí thức trẻ và phát huy tốt nhất lực lượng lao động trẻ có trình độ cao tham gia phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng chương trình “Vườn ươm khoa học trẻ” gắn liền với chuyển giao và ứng dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh. Công tác giảm nghèo cho thanh niên cần được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược giảm nghèo, bởi nó không chỉ đơn thuần giúp thanh niên thoát nghèo mà còn giúp giải phóng tiềm năng to lớn của thanh niên để thanh niên đóng góp xứng đáng vào công cuộc giảm nghèo, phát triển đất nước.

Quan tâm đến thanh niên yếu thế

Đại diện cho thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc, cũng là cá nhân tiêu biểu dự Đại hội, Hoa khôi Cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” 2019 Bế Thị Băng chia sẻ, mỗi đại biểu dự Đại hội đều là người đặc biệt. Tuy nhiên, người khuyết tật, dân tộc thiểu số là đối tượng yếu thế, còn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, rất cần sự đồng hành, chung tay của Hội LHTN Việt Nam để thanh niên yếu thế phát triển bình đẳng.

 Chị Bế Thị Băng.

"Sau Cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết” - cuộc thi được tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội LHTN Việt Nam dành cho các nữ thanh niên khuyết tật, tôi cảm thấy tự tin hơn, phải sống tốt hơn để những người bạn cùng cảnh ngộ cần tôi, lấy tôi là chỗ dựa được tiếp thêm động lực.

Nếu như trước đây 7 năm, khi còn là một cô gái bình thường, lành lặn có đủ hai chân thì cung đường quen thuộc của tôi chỉ là đi về giữa Hà Nội và quê nhà Cao Bằng, nhưng sau tai nạn, tôi đã đi tới khắp mọi miền Tổ quốc để giao lưu, chia sẻ về suy nghĩ, lối sống tìm hiểu về văn hóa các vùng miền. Nhiều người bạn nước ngoài của tôi cũng nhận xét, Việt Nam có nhiều cảnh đẹp, con người thân thiện, giàu nghị lực vươn lên do đó tôi nhận thấy, “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội LHTN Việt Nam là phong trào vô cùng thiết thực, hữu ích, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước ở mỗi thanh niên, từ đó thôi thúc họ ra sức học tập, lao động, cống hiến, xác định trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội và Tổ quốc. Phong trào cần duy trì ở nhiệm kỳ tới với những cách làm mới”, cô gái dân tộc Tày bày tỏ./.

 
Bài, ảnh: Minh Châu
325 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 476
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 476
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88610899