Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Đề thi giảm yêu cầu học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc 

(ĐCSVN)- Đề thi kỳ thi THPT quốc gia 2017 có nội dung trong chương trình phổ thông, chủ yếu lớp 12; đề thi sẽ có ít nhất 60% câu hỏi ở mức cơ bản; tăng cường vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc.
Đó là chia sẻ của PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về những vấn đề dư luận quan tâm.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: VA

PGS TS Mai Văn Trinh cho hay, năm nay là năm đầu tiên mà trước kỳ thi Bộ GD&ĐT đã công bố các đề minh họa, đề thi thử nghiệm, đề thi tham khảo làm cơ sở cho giáo viên và học sinh tham khảo trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Các đề thi này đã giúp học sinh, giáo viên hình dung được dạng thức, mức độ của đề thi chính thức trong Kỳ thi THPT quốc gia.

Theo đó có thể thấy, cấu trúc đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 phù hợp với hình thức thi theo bài đã công bố trong phương án thi. Đề thi có nội dung trong chương trình phổ thông, chủ yếu lớp 12 tiếp tục theo hướng đánh giá năng lực người học như tăng cường vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đảm bảo phân hoá kết quả thi để vừa đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

“Trong mỗi đề thi của các môn thi thành phần và của các bài thi độc lập, các câu hỏi sẽ được sắp xếp từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong khi làm bài. Đề thi sẽ có các câu hỏi ở mức độ cơ bản (khoảng ít nhất 60%) phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và các câu hỏi còn lại đáp ứng mục tiêu phân hóa ở các mức độ khác nhau để phục vụ mục tiêu xét tuyển sinh vào hệ thống các trường ĐH, CĐ khá đa dạng của nước ta hiện nay” – PGS.TS Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Điểm mới trong kỳ thi năm nay là hầu hết các môn thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn). Số lượng đề thi sẽ rất lớn. Ví dụ, cụm thi thành phố Hà Nội sẽ cần tới 77.000 đề thi tự luận, 400.000 đề thi trắc nghiệm. Do đó, công tác in sao đề thi phải hết sức được chú trọng. PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn chi tiết quy trình in sao đề thi, trong đó, đặc biệt lưu ý địa điểm in sao phải đảm bảo 3 vòng độc lập, cách ly, đáp ứng yêu cầu bảo mật, ăn, ở, in sao đề thi, phòng chống cháy nổ. Qua các đợt kiểm tra vừa qua cho thấy các địa phương đều đã có phương án chuẩn bị rất chi tiết, cẩn thận cho công tác in sao đề thi, xem đây là khâu rất quan trọng quyết định đến thành công của kỳ thi năm nay.

Bộ đã tập huấn kỹ nghiệp vụ in sao đề thi cho các đơn vị. Trong đó hướng dẫn chi tiết, tỉ mỉ về yêu cầu kỹ thuật đối với các máy móc, thiết bị, đặc biệt nhấn mạnh quy trình in sao, đóng gói, bảo mật đề thi. Bộ cũng đã gửi công văn hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch và quy trình in sao đề thi báo cáo Bộ trước khi triển khai thực hiện.

Để các khâu in, sao vận chuyển đề thi được tuyệt đối an toàn đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc theo quy chế ở tất cả các khâu, dù nhỏ nhất trong quá trình in sao và vận chuyển, tuyệt đối không chủ quan, không được làm lướt.

Ở khâu in sao, ngoài công tác bảo mật ở vòng ngoài thì các Sở phải chuẩn bị máy móc, thiết bị, văn phòng phẩm đầy đủ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật in sao với số lượng lớn nhưng lại đòi hỏi chất lượng in sao tốt. Đặc biệt, phải lựa chọn những cán bộ tinh thần trách nhiệm cao, ý thức kỷ luật tốt, có sức khỏe và có kinh nghiệm trong công tác in sao, đóng gói đề thi. Ban in sao do một Lãnh đạo Hội đồng thi làm trưởng ban.

Khâu vận chuyển đòi hỏi các Hội đồng thi phải tính toán hợp lý để đưa được đề thi đến điểm thi an toàn, bảo mật, đáp ứng thời gian thi đã công bố. Trong đó, phải có sự giám sát của công an trong quá trình vận chuyển. Địa điểm lưu trữ đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, phòng chống cháy, nổ, phải được bảo vệ 24/24h trong ngày với sự có mặt của công an, Trưởng điểm thi và lực lượng bảo vệ điểm thi.

Một vấn đề nữa mà xã hội vẫn băn khoăn đó là, giao quyền chủ động cho các Sở GD&ĐT tổ chức thi rất khó nghiêm túc vì áp lực tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hay việc chạy theo “bệnh thành tích” mà “nới lỏng”. Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định, đây không phải là năm đầu tiên Sở GD&ĐT chủ trì kỳ thi. Trong quá khứ, qua các giai đoạn khác nhau thì các Sở GDĐT đều đã chủ trì các kỳ thi với những mức độ khác nhau. Những khó khăn, bất cập, hoặc những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong quá khứ là bài học kinh nghiệm sâu sắc để tổ chức các kỳ thi, trong đó có Kỳ thi THPT quốc gia.

Giải pháp chỉ đạo của Bộ là tăng cường phối hợp đi liền với phân cấp, gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, đơn vị; đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ đi liền với nêu cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức thi; quán triệt kỹ quy chế cho thí sinh và cán bộ tham gia các khâu của kỳ thi; tăng cường công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận, trong thí sinh, phụ huynh và xã hội để đảm bảo kết quả thi chính xác, khách quan, công bằng.

Công tác thanh tra sẽ được tăng cường, tất cả các vi phạm quy chế thi đều sẽ được xử lý nghiêm túc, đủ sức răn đe theo quy định của Quy chế và pháp luật hiện hành.

Như vậy, chưa đầy một tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ diễn ra với những điều chỉnh trong công tác tổ chức thi và xét tuyển sinh. Theo PGS.TS Mai Văn Trinh cho đến thời điểm này, qua công tác kiểm tra, nhìn chung, công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia năm 2017 được thực hiện tích cực, chu đáo tại các địa phương. Tất cả các tỉnh/thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố làm Trưởng ban. Thành phần của Ban chỉ đạo có đại diện lãnh đạo sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ đến phối hợp, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi đều được các địa phương tính toán cụ thể và có phương án bố trí hợp lý, đảm bảo đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của quy chế. Đặc biệt, ở các vùng có điều kiện khó khăn như các tỉnh thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các tỉnh biên giới, hải đảo… cũng đã dành những điều kiện tốt nhất có thể cho các cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia kỳ thi này.

Nhiều tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp huyện như “cánh tay nối dài” của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để triển khai tốt công tác chuẩn bị cũng như tổ chức thi trên địa bàn. Các trường đã nghiêm túc thực hiện kế hoạch năm học, hoàn thành chương trình năm học theo quy định, tổ chức ôn tập cho học sinh trên tinh thần tự nguyện của các em. Chủ động công tác truyền thông để học sinh, phụ huynh và xã hội hiểu đúng về kỳ thi; tổ chức tập huấn kỹ lưỡng nghiệp vụ công tác thi cho các cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi./.

Mỹ Anh

751 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 462
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 463
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88673732