Các bị cáo tại tòa sơ thẩm ngày 23/8/2018. Bị cáo Trần Thị Dung và Trương Huy Liệu (thứ 2 và thứ 3 từ trái sang) bị truy tố vì tội “Buôn lậu”, các bị cáo còn lại nguyên là cán bộ hải quan bị truy tố vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"
300 trăm tỷ, định giá 63 tỷ?
Ngày 17/12/2011, Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (gọi tắt là Công ty Ngọc Hưng) do bà Trần Thị Dung (SN 1961) làm giám đốc và ông Trương Huy Liệu (SN 1959, cùng trú tại Hướng Hóa, Quảng Trị) làm Phó giám đốc, nhập khẩu lô gỗ trắc từ Lào. Lô gỗ này được chở trong 13 xe, nhập cảnh tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), đã khai báo hải quan và đóng thuế hơn 3 tỷ đồng. Đến ngày 19/12/2011, Công ty Ngọc Hưng xuất nguyên lô gỗ (xếp vào 22 container) sang Hồng Kông (Trung Quốc), thông quan tại cảng Cửa Việt (Quảng Trị).
Khi lô hàng đang vận chuyển vào cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bắt giữ 1 xe chở gỗ của Công ty Ngọc Hưng, phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hải quan nên giao Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng xử lý.
Ngày 6/4/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) ra quyết định khởi tố vụ án. Theo đó, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật giám định khối lượng lô gỗ là 614m3 có cả gỗ trắc và gỗ giáng hương, chênh lệch so tờ khai hải quan của Công ty Ngọc Hưng.
Vì vậy, ông Trương Huy Liệu và bà Trần Thị Dung bị truy tố về tội “Buôn lậu”. Các bị cáo: Đỗ Lý Nhi (SN 1972, trú tại Đông Hà, Quảng Trị, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Cửa Việt), Lê Xuân Thành (SN 1962, trú tại Đông Hà, Quảng Trị, nguyên cán bộ Chi cục Hải quan khu thương mại quốc tế Lao Bảo) và Đỗ Danh Thắng (SN 1955, trú tại Hải Châu, TP Đà Nẵng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong quá trình điều tra, tháng 12/2013, Cơ quan cảnh sát điều tra (C44, Bộ Công an) có văn bản đề xuất bán lô gỗ trắc là vật chứng vụ án. Đến ngày 10/1/2014, lô gỗ trắc vật chứng đã bị C44 bán đấu giá với trị giá hơn 63 tỷ đồng.
Tại các phiên xử sơ thẩm, các bị cáo của vụ án cùng các luật sư liên tục khẳng định việc bán lô gỗ trắc vật chứng là trái pháp luật, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xét xử vụ án. Theo LS Đỗ Ngọc Quang (Đoàn LS Hà Nội - bào chữa cho bị cáo Liệu), việc bán vật chứng dẫn đến việc không thể giám định lại khối lượng gỗ thực chất là bao nhiêu, có lẫn gỗ giáng hương hay không trong khi bị cáo Liệu khẳng định là không có; không thể xác định dấu búa kiểm lâm của Lào hay của bất cứ nước nào; không xác định được giá trị thực của lô gỗ là 63 tỷ đồng hay 300 tỷ đồng...
“Chính vi phạm thủ tục tố tụng về xử lý vật chứng tại giai đoạn điều tra đã làm cho quá trình tố tụng của vụ án kéo dài, xét xử nhiều lần mà không thể tuyên án khiến các bị cáo và người dân nghi ngờ về công lý, lẽ phải và pháp luật của Nhà nước”, LS Quang nói trước tòa.
Trong phiên xử sơ thẩm lần 4 vào tháng 8/2018, bị cáo Liệu tái khẳng định, rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã bán đấu giá lô gỗ trắc vật chứng với giá rẻ mạt. “Trên thực tế, vào thời điểm đầu năm 2014, lô gỗ trắc đó có giá thị trường khoảng 300 tỷ đồng”, ông Liệu khẳng định trước tòa. Ông này cũng liên tục đặt nghi vấn liệu việc bán số gỗ vật chứng trong khi vụ án đang xét xử có phải là hành vi phi tang chứng cứ?
Các bị cáo bị xử buôn lậu gỗ… giáng hương
Suốt hơn 7 năm diễn biến của vụ án, các bị cáo bị khởi tố và truy tố về hành vi buôn lậu lô gỗ trắc có lẫn giáng hương, tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 4 diễn ra vào ngày 23/8/2018, TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt các bị cáo Trương Huy Liệu và Trần Thị Dung vì tội buôn lậu... gỗ giáng hương.
Về việc buôn lậu gỗ trắc của Công ty Ngọc Hưng, HĐXX cho rằng không có căn cứ để khởi tố. Tuy nhiên, trong lô gỗ thu giữ phát hiện hơn 21,5m3 gỗ giáng hương (trị giá hơn 470 triệu đồng tại thời điểm bị bắt giữ) không có trong hồ sơ, giấy tờ xuất nhập khẩu, bởi vậy, bị cáo Liệu và Dung phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì tội buôn lậu số gỗ này. Các bị cáo Nhi, Thành, Thắng là cán bộ Hải quan nhưng trong quá trình kiểm tra không phát hiện thấy số gỗ giáng hương “lậu” nên cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo HĐXX, gỗ trắc và gỗ giáng hương đều không phải là mặt hàng cấm xuất nhập khẩu và Công ty Ngọc Hưng có đầy đủ giấy phép kinh doanh. “Việc VKS cho rằng giấy tờ, thủ tục mua gỗ trắc từ Lào và giấy tờ xuất khẩu lô gỗ này sang Hong Kong (Trung Quốc) do bị cáo Liệu chỉ đạo làm giả là không có đủ căn cứ. Lời khai của Trần Đình Quang (người làm công của bị cáo Liệu) khẳng định Liệu chỉ đạo làm giả giấy tờ, tuy nhiên, Quang tự tử và để lại di thư nói bị ép cung. Bản gốc lời khai của Quang thất lạc nên không được xem là chứng cứ”, thẩm phán chủ tọa phiên tòa nói.
Đối với Công ty East Well (Hong Kong) - đối tác xuất khẩu lô gỗ nói trên của Công ty Ngọc Hưng, TAND TP Đà Nẵng đã đề nghị tương trợ pháp lý từ Trung Quốc để xác minh công ty này nhưng chưa có hồi âm. Đại sứ quán Trung Quốc đã có công hàm đề nghị trả lô gỗ nói trên cho Công ty East Well nên chưa đủ cơ sở để khẳng định Công ty Ngọc Hưng làm giả hồ sơ, giấy tờ xuất khẩu lô hàng.
TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo Trương Huy Liệu 1 năm 16 ngày tù giam (vì bị cáo đã thi hành đủ trong thời gian tạm giam nên được thả tại tòa), bị cáo Trần Thị Dung 9 tháng tù treo vì tội “Buôn lậu”, các bị cáo Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành 9 tháng tù treo và Đỗ Danh Thắng 6 tháng tù treo cùng vì tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong gần 10 ngày xét xử sơ thẩm lần 4, cũng như trong các phiên xét xử sơ thẩm trước đó, các ÐBQH tỉnh Quảng Trị liên tục theo dõi và giám sát tại tòa. Ðặc biệt, chiều 23/8/2018, khi tòa tuyên án, ông Hoàng Ðức Thắng, Trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh Quảng Trị đã có mặt để theo dõi. Trước đó, Ðoàn ÐBQH Quảng Trị cũng đã gửi văn bản đến các cơ quan tố tụng T.Ư cho rằng việc bán đấu giá lô tang vật đang trong giai đoạn điều tra vụ án là vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và không minh bạch. Trong vụ án, các bị cáo liên tục kêu oan nên Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cũng đã có ý kiến đề nghị nên xét xử sớm.
Trong vụ án này, HÐXX đề nghị Cục điều tra VKSND tối cao khởi tố vụ án bán lô gỗ trắc tang vật dù đang trong thời gian xét xử vụ án. Ngày 31/5/2019, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “ra quyết định trái pháp luật” xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an. Ðồng thời, HÐXX cũng kiến nghị Bộ Công an và VKSND tối cao điều tra làm rõ việc ép cung Trần Ðình Quang và làm rõ trách nhiệm của những người liên quan trong việc làm thất lạc tờ khai của Quang ngày 20/5/2013, kiến nghị Tổng cục Hải quan làm rõ việc bắt giữ tang vật là lô gỗ trắc nhưng không lập biên bản thu giữ ngay làm ảnh hưởng quá trình điều tra.
Ông Phan Văn Vĩnh liên quan gì?
Người ký quyết định bán lô gỗ là tang vật của vụ án là cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, thời điểm ấy đang là Thủ trưởng C44.
Ngày 23/12/2013, Đại tá Lê Đình Nhường, Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44, thuộc Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) đã có văn bản trình Trung tướng Phan Văn Vĩnh, thủ trưởng C44. Nội dung ghi rõ: “C44 đề xuất: Cơ quan CSĐT có báo cáo đề xuất xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng theo hướng làm thủ tục bán đấu giá lô gỗ vật chứng của vụ án, số tiền thu được (đã trừ các chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh đối với vụ án theo quy định tại Thông tư số 59-2008/TT-BTC ngày 4/7/2008 của Bộ Tài chính) sẽ chuyển vào tài khoản tạm giữ của C44”.
Vào ngày 27/12/2013 ông Phan Văn Vĩnh có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, đề nghị xử lý tang vật cũng thống nhất theo hướng của C44: “Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề xuất xử lý lô gỗ là vật chứng của vụ án theo hướng bán lô gỗ vật chứng của vụ án, số tiền thu được (đã trừ các chi phí hợp lý, hợp lệ phát sinh đối với vụ án theo quy định tại Thông tư số 59-2008/TT-BTC ngày 4/7/2008 của Bộ Tài chính) sẽ chuyển vào tài khoản tạm giữ của C44”. Cả hai công văn này đều viện dẫn cơ sở pháp lý là: “Đảm bảo có căn cứ theo quy định điều 76 BLTTHS, điều 41 BLHS và đáp ứng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo LNTP (tức Liên ngành Tư pháp Trung ương) tại cuộc họp ngày 23/9/2013”.
Tuy nhiên, theo điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra”. Ở đây vụ án đang trong giai đoạn điều tra. Mặt khác, kết luận của lãnh đạo Liên ngành Tư pháp Trung ương ngày 24/9/2013 cũng đã ghi rõ: “Chuyển lô gỗ vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tố tụng tiếp theo xử lý theo thẩm quyền”. Hơn nữa ý kiến bút phê của Đại tướng Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thời điểm ấy cũng đã ghi: “Đồng ý xử lý theo pháp luật và kết luận của cuộc họp liên ngành”.
Tuy nhiên lô gỗ đã được C44 cho bán đấu giá với giá khởi điểm hơn 63 tỷ đồng. (Phạm Xuân Dũng)
GIANG THANH