Trao đổi với DĐDN ngay sau khi HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên án kỳ án “ buôn lậu” gỗ trắc lớn nhất Miền Trung, ông Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã cho biết như vậy.
Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Quảng Trị tỏ ra bất ngờ với bản án phúc thẩm.
“Có một vấn đề mấu chốt bản chất nhất đó là kết luận giám định 783/STTNSV của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật đã được HĐXX sử dụng làm căn cứ để buộc tội. Do đó, cần phải xem xét lại tính chính xác, tính pháp lý của văn bản này một cách đầy đủ. Theo chúng tôi nó có 2 yếu tố cần xem xét, đó là tính chính xác trong phân loại, kiểm đếm lô gỗ và tính pháp lý của kết luận giám định này. Với trách nhiệm của mình chúng tôi sẽ nghiên cứu lại tất cả tình tiết vụ việc tại bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, những vấn đề nào chưa có cơ sở pháp lý thuyết phục, chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm xem xét và đề nghị Giám đốc thẩm vụ án này”.
Trước đó vào 31/5, ông Thắng phát biểu tại diễn đàn Quốc hội đã cho biết: “Vụ án buôn lậu gỗ trắc nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Quảng Trị và TP Đà Nẵng đã bước qua năm thứ 9, sự chậm trễ nếu không nói là tắc trách của các cơ quan tố tụng đã đẩy vụ án kéo dài một cách vô cảm làm xói mòn niềm tin vào công lý và sự nghiêm minh của pháp luật.
Một kỳ án chứa đựng nhiều vi phạm của cơ quan tố tụng, đỉnh cao là bán vật chứng trong quá trình điều tra có dấu hiệu tham nhũng hàng trăm tỷ đồng”.
Đại diện của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật cho biết kết luận giám định 783/STTNSV được giám định bằng mắt, thậm chí nhìn hình cũng giám định được.
Như DĐDN đã phản ánh: “Kỳ án buôn lậu gỗ trắc” khởi tố ngày 16/4/2012, sau 3 lần tòa sơ thẩm hoãn xét xử để trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đến ngày 14/8/2018, TAND TP.Đà Nẵng đã đưa vụ án ra xét xử sở thẩm lần thứ tư, đến ngày 23/8/2018, HĐXX đã tuyên phạt ông Trương Huy Liệu, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng 1 năm 16 ngày tù giam, bằng với thời gian tạm giam; tuyên phạt bà Trần Thị Dung (vợ ông Liệu), Giám đốc Công ty Ngọc Hưng 9 tháng tù cho hưởng án treo về tội buôn lậu theo điều 188 BLHS 2015; tuyên phạt các bị Đỗ Lý Nhi, Lê Xuân Thành (nguyên cán bộ Chi cục hải quan cửa khẩu Cửa Việt - Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị) 9 tháng tù cho hưởng án treo; Đỗ Danh Thắng (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng - Cục Hải quan TP Đà Nẵng) 6 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 BLHS 1999.
HĐXX cũng đề nghị Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của về việc làm thất lạc và có đơn tố cáo ép cung, nhục hình đối với người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan Trần Đình Quang- người đã tự tử để lại di thư tố cáo. Đồng thời, căn cứ điều 18, 153, 326 BLTTHS 2015: khởi tố vụ án về việc xâm phạm hoạt động tư pháp vì Cơ quan điều tra đã cho bán vật chứng ngay trong quá trình điều tra là vi phạm nghiêm trọng tố tụng và gây khó khăn cho công tác xét xử.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng đề nghị Tổng Cục Hải Quan xem xét trách nhiệm của công chức Hải Quan bắt giữ lô hàng này nhưng không lập biên bản và kê khai rõ chủng loại khối lượng lô hàng là vi phạm quy định pháp luật.
Các luật sư bào chữa đã đưa ra nhiều căn cứ pháp lý thuyết phục "Bác" kết luận giám định 783 nhưng không được HĐXX chấp nhận.
Ngày 14/9/2018, VKS Cấp cao tại Đà Nẵng cũng có quyết định kháng nghị phúc thẩm số 39/QĐ-VC2 kháng nghị một phần bản án theo hướng tăng nặng hình phạt đối với vợ chồng bị cáo Liệu. Phía các bị cáo trong vụ án cũng đã đồng kháng cáo kêu oan.
Vụ án được TAND Cấp cao tại Đà Nẵng triệu tập xử phúc thẩm từ ngày 3-26/7/2019 và đã tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, tăng hình phạt cho các bị cáo theo kháng nghị của VKS Cấp cao tại Đà Nẵng.
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng, nhiều vấn đề còn mâu thuẫn trong vụ án cần được làm sáng tỏ:
- Gỗ xuất nhập qua cửa khẩu, Hải quan xác nhận thu thuế đúng sao bảo là gỗ lậu?
- Vụ án chưa đưa ra xét xử nhưng vật chứng đã bị bán sạch với giá rất rẻ chỉ có 3 cá nhân đăng ký với giá đấu chênh nhau có 100 triệu (!).
- Cơ quan được trưng cầu giám định không đủ năng lực vẫn tiến hành giám định, phương pháp giám định sơ sài bằng mắt, mẫu vật giám định không được lưu giữ.
Căn cứ khởi tố và căn cứ buộc tội của Tòa sơ thẩm là giám định 151/STTNSV của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật 453,104 m3 (ít hơn so với khai báo của Công ty 82,7 m3). Căn cứ buộc tội buôn lậu là nghi có 21,506 m3 gỗ hương trong lô gỗ.
- Mặc dù một phần bản án sơ thẩm đã có hiệu lực nhưng HĐXX phúc thẩm lại không sử dụng giám định 151 mà lấy giám định 783/STTNSV với khối lượng gỗ tăng lên 614,671 m3(gồm 590,943 m3 gỗ trắc và 23,828 m3 gỗ giáng hương) để làm căn cứ tăng hình phạt cho các bị cáo?
|
Huỳnh Khởi