|
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) |
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) đã nêu lên những giải pháp để gỡ vướng cho dịch vụ logistics trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ.
Thưa ông, một số doanh nghiệp phản ánh khó khăn gặp phải trong giải quyết TTHC liên quan đến dịch vụ logistics, ông có thể cho biết liên quan đến hoạt động logistics, còn TTHC nào chưa được đồng bộ, đơn giản hóa?
Ông Ngô Hải Phan: Như chúng ta đã biết, hoạt động dịch vụ logistics bao gồm chuỗi các dịch vụ, từ bốc xếp hàng hóa, kho bãi và lưu giữ hàng hóa, đại lý vận tải, đại lý làm thủ tục hải quan và các dịch vụ hỗ trợ khác… Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics năm 2018 là 29.694 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 97% là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; còn theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp và có mạng lưới dịch vụ quốc tế (Báo cáo logistics Việt Nam 2020: Cắt giảm chi phí logistics do Bộ Công Thương thực hiện).
Trong quá trình thực hiện hoạt động dịch vụ logistics, một số doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn trong thực thi các quy định, giải quyết TTHC đúng như một số cơ quan báo chí đã đề cập.
Khách quan mà nói, những năm gần đây, hệ thống pháp luật liên quan đến logistics có nhiều bước chuyển đáng kể, theo hướng cởi mở hơn về chính sách, loại bỏ các “nút thắt” thể chế để thúc đẩy phát triển hoạt động logistics nói riêng, môi trường kinh doanh nói chung.
Gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ban hành ngày 28/1/2021 quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, trong đó có nhiều nội dung cải cách TTHC cho doanh nghiệp logistics, như: Giảm kiểm tra phương tiện thủy hoạt động ổn định, miễn thủ tục rời cảng cho phương tiện chở nông sản; cho phép thiết lập “khu neo đậu” bên ngoài vùng nước của cảng, bến để trung chuyển hàng hóa, hành khách; cấp phép điện tử cho phương tiện thủy hoạt động tuyến xuyên biên giới Việt Nam-Campuchia…
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động logistics chưa đồng bộ, mới có quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, thiếu các quy định về kinh doanh hạ tầng logistics và chưa có sự liên hệ giữa hạ tầng logistics với các dịch vụ kinh doanh logistics, chưa có quy định đầy đủ về e-logistics...
Kinh doanh dịch vụ logistics là lĩnh vực rộng, được quản lý bởi nhiều cơ quan, và vướng mắc chủ yếu hiện nay liên quan đến việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh gắn với các dịch vụ logistics cụ thể. Một số điều kiện hiện hành còn cứng nhắc, không hợp lý, tạo gánh nặng, hạn chế gia nhập thị trường hoặc ảnh hưởng đến quyền tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp logistics.
Ví dụ như, doanh nghiệp bưu chính phải có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính (khoản 2 Điều 21 Luật Bưu chính); doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh phải có mức vốn tối thiểu là 2 tỷ đồng; trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế phải có mức vốn tối thiểu là 5 tỷ đồng; hoặc quy định về điều kiện đối với nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan (Điều 20 Luật Hải quan 2014).
Bên cạnh đó, hồ sơ thực hiện nhiều thủ tục còn khó khăn, nặng về quản lý giấy tờ, chưa phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thực tế, có thể phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Nhiều quy định hiện hành chưa tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng logistics và đóng góp nguồn lực cùng Nhà nước tạo cú hích phát triển kinh tế cảng biển.
Việc thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành và hải quan trên Cổng thông tin một cửa quốc gia đôi lúc còn chưa thông suốt, khiến cho doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa không thực hiện được thủ tục trực tuyến, phải nộp hồ sơ giấy.
Theo ông cần hoàn thiện các quy định nào để gỡ vướng cho dịch vụ logistics?
Ông Ngô Hải Phan: Theo tôi, việc đầu tiên chúng ta cần làm là rà soát tổng thể các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của 16 dịch vụ logistics theo quy định tại Nghị định 163/2017/NĐ-CP ban hành ngày 30/12/2017 của Chính phủ (bao gồm thủ tục hành chính, yêu cầu điều kiện kinh doanh, chế độ báo cáo của các doanh nghiệp logistics), cũng như các quy định, thủ tục liên quan mà doanh nghiệp logistics cần thực hiện với cơ quan nhà nước trong quá trình hoạt động của mình (như hải quan, kiểm tra chuyên ngành, kho bãi, bốc dỡ…).
Từ đó, đề xuất các giải pháp đơn giản hóa mang tính chất tổng thể, đồng bộ và phù hợp, thống nhất giữa các loại hình dịch vụ logistics theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, yêu cầu điều kiện, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các TTHC thông qua triển khai dịch vụ công trực tuyến, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan có thẩm quyền; khẩn trương triển khai các giải pháp cải cách, thống nhất đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu…
Thông qua đó, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tháo gỡ những “nút thắt”, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp nói chung, đồng thời tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nói riêng, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp trong nước.
Thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kết quả triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Bên cạnh đó, chúng ta cần rà soát các quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics; rà soát, bổ sung các quy định pháp luật còn thiếu đã nêu ở trên, hoàn thiện chính sách ưu đãi hỗ trợ và khuyến khích phát triển ngành dịch vụ logistics hiện đại.
Theo ông, cần ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan?
Ông Ngô Hải Phan: Như đã trao đổi ở trên, các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ logistics bao gồm 02 nhóm: Nhóm 1 là các TTHC liên quan trực tiếp tới việc các doanh nghiệp logistics được phép hoạt động. Và các thủ tục mà doanh nghiệp phải tuân thủ trong quá trình hoạt động (như giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp, giấy phép hoạt động, nộp thuế…); Nhóm 2 là các TTHC mà doanh nghiệp logistics thực hiện thay mặt khách hàng theo hợp đồng giao kết (như làm thủ tục hải quan, bưu chính…).
Tôi cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC liên quan đến doanh nghiệp logistics nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan nói riêng cần tập trung vào 2 nhiệm vụ sau:
Một là, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đơn giản hóa, điện tử hóa để triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với toàn bộ thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan trên Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương và kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Hiện nay, với khoảng hơn 200 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành đã kết nối, Cơ chế một cửa quốc gia đã góp phần giảm đáng kể các chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu và logistics.
Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với Bộ Tài chính để triển khai các giải pháp kết nối, tích hợp Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN với Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp cho việc thực hiện thanh toán trực tuyến các khoản phí, lệ phí khi thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa.
Trân trọng cảm ơn ông!
Gia Huy (thực hiện)
Còn tiếp