Kỳ 3: Rất cần những đại biểu có tinh thần dũng cảm 

(Chinhphu.vn) - Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, rất cần những đại biểu có tinh thần dũng cảm để đấu tranh với những việc làm sai trái, tiêu cực, tham nhũng và bảo vệ đến cùng quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Bà Trần Hồng Nguyên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: VGP

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên chia sẻ về những trăn trở của một nữ đại biểu Quốc hội trên nghị trường.

Dám phát biểu, dám chịu trách nhiệm

Thưa bà, nhiệm kỳ Quốc hội 2016 - 2021 sắp khép lại, nhìn lại chặng đường hoạt động với tư cách là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bà có thể chia sẻ những điều đọng lại?

Bà Trần Hồng Nguyên: Có thể nói, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã khẳng định một Quốc hội đoàn kết, trí tuệ, chuyên nghiệp, dân chủ, công khai, luôn đổi mới và thể hiện trách nhiệm cao trước cử tri cả nước. Các đại biểu Quốc hội đều tâm huyết, trách nhiệm, rất quan tâm tới ý chí, nguyện vọng của cử tri và các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đều xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng và gửi gắm của cử tri.

Công tác lập pháp nhiệm kỳ qua đã đạt được những thành tựu quan trọng. Quốc hội đã xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều đạo luật, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy Nhà nước, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về quyền con người, quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Nhiệm vụ bảo đảm tính hợp hiến, đồng bộ, thống nhất của các luật được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đặc biệt quan tâm và xử lý kịp thời, nhất là khi nhận được phản ánh của cử tri, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản. Điều này đã góp phần khắc phục những vướng mắc, hạn chế trong công tác lập pháp và góp phần tạo khung pháp lý đồng bộ, làm cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua.

Bên cạnh đó, các chuyên đề được lựa chọn giám sát tối cao đều là những vấn đề bức xúc của cuộc sống và đều xuất phát từ nguyện vọng của cử tri. Nội dung giám sát bao quát hầu hết các lĩnh vực từ kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước đến văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Hoạt động chất vấn được các đại biểu Quốc hội tích cực tham gia, tăng tính tranh luận. Nội dung chất vấn phản ánh sát thực tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Người được chất vấn đa phần trả lời thẳng thắn, cầu thị, trách nhiệm.

Sau các cuộc giám sát, Quốc hội đều ra Nghị quyết và quan tâm tới việc giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Điều này cũng góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát và có tác động tích cực đến hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Sắp tới, đất nước sẽ bước vào một sự kiện hết sức quan trọng, đó là bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, bà nhìn nhận như thế nào về vai trò, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay?

Bà Trần Hồng Nguyên: Để thực hiện được vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử của mình và nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội thì trước hết mỗi đại biểu Quốc hội phải là những người tâm huyết với hoạt động của Quốc hội, phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân để luôn lắng nghe, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, những người được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội phải là người có trình độ chuyên môn, có năng lực, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

Như vậy theo tôi, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, rất cần những đại biểu có tinh thần dũng cảm để đấu tranh với những việc làm sai trái, tiêu cực, tham nhũng và bảo vệ đến cùng quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Vì vậy, đại biểu Quốc hội phải dám phát biểu, dám chịu trách nhiệm trước những vấn đề mình nêu ra trong các phiên thảo luận tại tổ cũng như tại hội trường.

Đại biểu Quốc hội không chỉ dừng lại ở việc tập trung cho công tác xây dựng pháp luật mà cần dành nhiều thời gian, trí tuệ hơn cho công tác giám sát tối cao để có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình hoạch định chính sách của mình.

Ảnh: VGP

Trăn trở với những lời hứa trước cử tri

Bà có thể chia sẻ về những ưu tiên để thực hiện lời hứa trước cử tri cũng như sự cống hiến, phục vụ nhân dân nếu được bầu là đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ tới?

Bà Trần Hồng Nguyên: Như tôi đã nói ở trên, nhiệm kỳ 2016-2021 có những điều tâm đắc, tuy nhiên vẫn còn một số điều trăn trở trong tôi. Mặc dù từng đại biểu Quốc hội đã nỗ lực thực hiện lời hứa của mình trước cử tri khi vận động bầu cử, mặc dù có những vấn đề đã được Quốc hội tiến hành giám sát tối cao, chất vấn và cũng đã sửa đổi, bổ sung luật nhưng vẫn chưa có chuyển biến rõ nét, chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri như các vấn đề về ma túy, xâm hại trẻ em, vấn đề về đạo đức xã hội, về hàng giả, ô nhiễm môi trường, về quy hoạch đô thị…

Trong công tác lập pháp, việc xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm vẫn chưa khắc phục được tình trạng điều chỉnh nhiều lần, nhất là việc bổ sung vào chương trình sát với kỳ họp Quốc hội. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng thẩm tra cũng như việc tiếp cận, nghiên cứu dự án luật của đại biểu Quốc hội khó được toàn diện, sâu sắc.

Trong công tác giám sát, các cơ quan của Quốc hội chưa dành nhiều thời gian cho công tác giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo tôi, đây cũng là một mảng công tác rất quan trọng nhằm sớm phát hiện, khắc phục việc ban hành văn bản hướng dẫn không đúng thẩm quyền, nội dung trái luật hoặc chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản khác.

Tôi cho rằng, đây chính là những vấn đề của không chỉ bản thân tôi mà các đại biểu khác sẽ tập trung ưu tiên trong thời gian tới để xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri và nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

 Tiếng nói của phụ nữ với những vấn đề hệ trọng của đất nước

 

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cho thấy, các nữ đại biểu Quốc hội đã luôn đổi mới, sáng tạo và đã để lại nhiều dấu ấn cũng như những đóng góp tích cực vào thành công trong hoạt động của Quốc hội, đồng thời góp phần nâng cao vị thế, vai trò của nữ đại biểu Quốc hội.

Trong công tác xây dựng pháp luật, nữ đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến góp ý chất lượng vào các dự án luật, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề và tham gia hoạt động chất vấn. Nhiều nữ đại biểu Quốc hội có những chất vấn thẳng thắn, các ý kiến khá xác đáng, chất lượng và không ngại phản biện, truy vấn, thu hút sự chú ý lớn của dư luận...

Đề án bầu cử sắp tới đặt mục tiêu tỷ lệ đại biểu là phụ nữ đạt ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng quan trọng hơn là phải tạo không gian cần thiết để tiếng nói, vai trò của phụ nữ được đặt đúng tầm trong sự phát triển của đất nước.

Hoàng Giang thực hiện

(Còn nữa)

300 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 901
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 901
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87023044