Ký ức về Quảng Trị - Những năm tháng không thể nào quên 

Ba mươi năm rồi kể từ ngày 01/7/1989; bốn mươi lăm năm trước kể từ ngày 01/5/1972; sáu mươi lăm năm trước kể từ ngày 20/7/1954. Ta hãy ngược dòng lịch sử hàng ngàn năm về trước đó nữa - Quảng Trị được coi là “trọng trấn”, là “trấn biên” là “phên dậu”, là “cửa ngõ” phía Nam của Tổ quốc, là “tiêu điểm” ác liệt của những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trong cái nôi của miền Trung Tổ quốc Việt Nam nặng nghĩa của hai đầu đất nước, tự hào bởi truyền thống cách mạng kiên cường, những chiến công oanh liệt trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Giặc Nhật thua trận, giặc Pháp nhảy vào, giặc Pháp thua trận, giặc Mỹ nhảy vào, Quảng Trị mang trên mình vết thương chia cắt. Cả Quảng Trị lại lên đường ra trận cùng cả nước dồn dập dội bão lửa xuống đầu Mỹ - ngụy, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của dân tộc “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Vĩnh Linh, Cồn Cỏ, Đường 9, Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà, Cửa Việt, Cam Lộ, Ba Lòng, Thành Cổ Quảng Trị… như những nét vàng son chói lọi, mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam, trở thành những địa danh quen thuộc của đồng bào cả nước và của Nhân dân thế giới. Có thể nói, Quảng Trị là một bảo tàng chiến công cách mạng giải phóng dân tộc. Chúng ta nên hiểu rằng chỉ những người đã sống qua chiến tranh mới hiểu, thông cảm với những gì mà con người từng sống và chiến đấu trên mảnh đất này trải nghiệm. Chúng ta tin rằng những người trẻ sinh sau chiến tranh, chưa biết chiến tranh bom đạn chết chóc rất khó hình dung ra những gì ông cha đã trải qua để hướng tới tương lai đó là chặng đường lịch sử đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt và vẻ vang của dân tộc. Đó là những năm tháng rực rỡ chiến công của quân và dân ta trên chiến trường Quảng Trị  - miền quê dạn dày, gan góc, miền quê “ra ngõ gặp anh hùng”, “vào nhà gặp dũng sĩ”. Dù phải chịu đựng nhiều mất mát hy sinh nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị mãi mãi sáng ngời tám chữ vàng “tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” Vĩnh Linh đời đời rực rỡ danh hiệu “Vĩnh Linh lũy thép anh hùng”.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 100% huyện, thị xã và tỉnh Quảng Trị; 99% xã, đơn vị lực lượng vũ trang Nhân dân, 46 cá nhân được Đảng, Nhà nước tuyên dương anh hùng, hơn 100 ngàn người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến các loại, trên 300 cá nhân được tặng thưởng Huân chương độc lập, và có hàng chục tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và đã được Đảng và Nhà nước truy tặng, phong tặng 2.619 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 54 mẹ còn sống (số liệu có đến tháng 9/2018), cùng với tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị được vinh dự đón nhận Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Thời gian của tuổi trẻ vùn vụt trôi đi, mái đầu đã bạc, khuôn mặt điểm nhiều nếp nhăn theo năm tháng nhưng ký ức ta như vọng về những kỷ niệm vui buồn của những năm tháng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta trên quê hương Quảng Trị.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nam - Bắc sum họp một  nhà. Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245 về hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên. Tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất có chiều dài từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân 300km. Có diện tích tự nhiên 18.430km2, dân số 1,7 triệu người với 657.760 lao động, toàn tỉnh có 20 huyện, 01 thành phố, 02 thị xã, 352 xã, 1036 thôn có bờ biển dài 340km, đường biên giới chung nước bạn Lào dài 436km, là một tỉnh có chiến lược quan trọng cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa.

13 năm chung sức, chung lòng cải tạo và xây dựng quê hương, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên đã làm tròn sự mệnh lịch sử của Đảng và Nhà nước giao phó. Quá trình trăn trở, tìm tòi bước đi đã cho thấy quy mô tỉnh quá lớn, địa bàn quá rộng với các vùng có đặc thù khác nhau; trong khi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn chưa đáp ứng với yêu cầu đổi mới đã không còn phù hợp.

Ngày 14/4/1989, Bộ Chính trị ra quyết định số 86-QĐ/TW về chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Bộ Chính trị yêu cầu: “Việc chia tỉnh phải chuẩn bị thật chu đáo về tư tưởng, tổ chức, cán bộ, kinh tế - xã hội, chế độ chính sách bảo đảm phát huy thế mạnh và khả năng của các địa phương, giải phóng năng lực sản xuất, giữ vững an ninh, trật tự, củng cố quốc phòng, ổn định và từng bước cải thiện đời sống Nhân dân, tăng cường đoàn kết, nhất trí trong các Đảng bộ và Nhân dân”.

Ngày 1/7/1989, Tỉnh ủy Bình Trị Thiên thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị chia tỉnh mới có hiệu lực. Tỉnh Quảng Trị mới được tái lập có 4 đơn vị hành chính cấp huyện là: thị xã Đông Hà (nay là thành phố), huyện Bến Hải (nay là 3 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ), huyện Triệu Hải (nay có thị xã Quảng Trị, huyện Triệu Phong và huyện Hải Lăng), huyện Hướng Hóa (nay là huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông). Toàn tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 459.200ha (hiện nay 473.982ha) với số dân 458.336 người (hiện nay 623.215 người). Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Đông Hà. Từ đây, Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị bước sang giai đoạn phát triển mới.

Sau khi tái lập tỉnh, Quảng Trị có những thuận lợi cơ bản: Nghị quyết Đại hội lần thứ VI và Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng lần thứ 2, 3, 4 (khóa VI) tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo của Đảng. Các cơ chế chính sách về kinh tế - xã hội đang dần dần được hoàn thiện, vai trò tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể dần dần được nâng lên. Đặc biệt cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Quảng Trị đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, đồng lòng, đồng sức, quyết tâm phấn đấu đưa Quảng Trị vượt qua mọi khó khăn, tạo thế và lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống, giữ vững an ninh trật tự, ra sức xây dựng quê hương giàu mạnh.

Quảng Trị có đất đai, tài nguyên phong phú, hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy được mở rộng ra các vùng, có bờ biển dài 75km và có nhiều di tích lịch sử cách mạng, danh thắng. Đó là những tiền đề quan trọng để Quảng Trị tiến hành công cuộc đổi mới trên quê hương Quảng Trị anh hùng. Cũng từ đó sự nghiệp đổi mới đất nước, quê hương đã thu được những kết quả nhất định, tạo cơ sở để Đảng bộ Quảng Trị lãnh đạo công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Quảng Trị cũng phải đương đầu với những khó khăn lớn, là nơi đụng đầu lịch sử, địa bàn bị chiến tranh tàn phá, hủy diệt nặng nề nên hậu quả và di hại chiến tranh đến nay vẫn còn nhiều, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đang phải khắc phục và tiếp tục giải quyết trong nhiều năm nữa.

Quảng Trị vẫn là một tỉnh nghèo, có diện tích tự nhiên không rộng, dân cư phân tán không đều, trình độ dân trí thấp. Khí hậu thời tiết diễn biến phức tạp. Tiềm lực kinh tế, tài chính hạn hẹp và mất cân đối, khai thác mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển còn nhiều hạn chế, chưa có tích lũy. Bộ máy tổ chức và nhân sự chưa ngang tầm với sự nghiệp đổi mới, hội nhập…. Đó là những khó khăn trở ngại có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh.

Sau chiến tranh mọi việc phải xây dựng lại từ đầu, qua 13 năm hợp nhất với tỉnh Bình Trị Thiên, cơ sở hạ tầng và đô thị chưa phát triển kịp so với yêu cầu xây dựng trong sự nghiệp đổi mới. Diện tích, năng suất, sản lượng nông, lâm, ngư còn thấp chưa ổn định. Công nghiệp tuy đã có một vài cơ sở nhưng rất nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, máy móc củ kỷ, quản lý yếu, nhiều cơ sở thua lỗ. Lợi thế về hấp dẫn đầu tư nước ngoài so với các tỉnh trong khu vực còn thua kém.

Thêm vào đó, những ngày đầu chia tỉnh Bình Trị Thiên (1/7/1989) cơ quan Đảng, chính quyền, Sở, Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh di dời từ Cố đô Huế ra Đông Hà cơ sở vật chất - gia tài bàn ghế, tủ, soong nồi, bát chảo, các thiết bị củ kỷ … chỉ vỏn vẹn một cơ quan trên vài chiếc xe tải hành quân từ Huế ra Đông Hà bên cạnh thời tiết khí hậu gió Lào bụi bặm, khô nóng như thiêu đốt, trụ sở làm việc của các cơ quan cấp tỉnh ở tại các khu nhà cấp 4 của các công ty, xí nghiệp của Thị xã Đông Hà rất chật chội, dột nát.

Những năm tháng đầu thuận lợi, khó khăn đan xen của buổi đầu tái lập, nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn tin tưởng rằng, Quảng Trị là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh sẽ tạo ra nguồn lực quan trọng bên trong, có khả năng thu hút và tạo nên sự tác động của nguồn lực bên ngoài làm cơ sở cho việc xây dựng, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mà Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra.

Hơn bất cứ nơi nào trên đất nước ta, quê hương Quảng Trị là nơi phải chịu đựng hậu quả hết sức nặng nề của hai cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, nhân dân ta chịu nhiều đau thương, mất mát, mà cho đến nay về nhiều mặt chưa có điều kiện khắc phục. Chiến tranh đã lùi xa cách đây 45 năm nhưng bom đạn của đế quốc Mỹ vẫn nằm sâu trong lòng đất thỉnh thoảng cứ cướp đi những trẻ em, những người dân vô tội, hậu quả chất độc điôxin đã để lại hàng ngàn trẻ em Quảng Trị và cha mẹ của họ phải cam chịu số phận từ thế hệ này sang thế hệ khác. Làng mạc, họ tộc, thôn xóm đã vơi đi biết bao người, con mất cha, vợ mất chồng, mẹ mất con … Chiến tranh đã cướp đi hàng chục ngàn sinh mệnh của đồng bào đồng chí chúng ta. Nó cũng đẩy hàng vạn bà con quê hương Quảng Trị phiêu bạt khắp nơi trong và ngoài nước.

Trong cuộc đời hoạt động của mình ai đã từng sống và chiến đấu trên quê hương Quảng Trị, ai đã từng được bảo vệ xứ sở, sao không tự hào, sao không hạnh phúc. Cái hạnh phúc được nhân lên gấp bội khi ta được sống làm người tự do trong độc lập, thống nhất đất nước, Nam - Bắc thu về một mối.

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, chặng đường 30 năm lập lại tỉnh Quảng Trị (1/7/1989) và trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, 30 năm trong 89 năm (kề từ ngày 3/2/1930) oanh liệt, đáng tự hào xiết bao.

Niềm tin, chí khí và lòng chung thuỷ của nhân dân ta dựa vào ngọn đuốc soi đường của Đảng và Bác Hồ kính yêu, vào trí tuệ và lòng dũng cảm của cán bộ, đảng viên, những anh hùng - chiến sĩ nơi đầu sống, ngọn gió ở chiến trường, biên giới, biển đảo và nhà tù đế quốc, những chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch số phận như “ngàn cân treo sợi tóc” … họ vẫn lạc quan hy sinh xương máu, tính mạng để tin vào ngày toàn thắng.

Dòng sông Bến Hải, Cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đường 9, Đầu Mầu, Khe Sanh, Làng Vây, Lao Bảo, Vĩnh Linh, Cồn Cỏ, lũy thép anh hùng … như một dấu ấn vàng son - huyền thoại. Hôm nay, những nơi này cũng đã chứng kiến những đổi thay kỳ diệu trên quê hương sau 30 năm tái lập tỉnh Quảng Trị anh hùng và sau 45 năm vắng bóng kẻ thù, giải phóng quê hương. Nam – Bắc thu về một mối.

Thăm chốt thép Long Quang

Ta đang đi trên những con đường thênh thang rộng mở quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, xã, phường, thị trấn, thôn bản... Ta đang qua những cây cầu vạm vỡ đoan trang mà bao đời nay của thế kỷ trước chưa làm được. Ta đang thấy những công trình thủy lợi, thủy điện Quảng Trị, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, khu kinh tế tổng hợp Cửa khẩu La Lay, khu công nghiệp Nam Đông Hà và các khu kinh tế của các huyện thị, thành phố trong tỉnh và hiện nay có thêm khu kinh tế (KKT) Đông – Nam tỉnh Quảng Trị. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng đến năm 2035 và tầm nhìn 2050 đang thi nhau với những sắc màu mở cửa, hội nhập kêu gọi đầu tư. Đây là KKT biển đa ngành, điểm đột phá của tỉnh Quảng Trị; khu vực có đô thị với tiêu chí tương đương đô thị loại III. Là lực phát triển của vùng Trung bộ, Trung tâm lớn về công nghệ chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện năng, du lịch, thương mại, dịch vụ và cảng biển nước sâu của vùng Trung Bộ. Là một trong những Trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay đã và đang khởi động một số dự án chắp cánh khai thác tiềm năng ở khu kinh tế biển đa ngành. Ta đang thấy phố phường ở đô thị và nông thôn ngày càng được khởi sắc, điện, đường, trường, trạm, bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện, thành phố, từ những dãy đèn tỏa sáng lung linh, những ánh mắt nụ cười, những con người tự chủ, văn minh - lịch thiệp … Quảng Trị đã dồn sức xây dựng tỉnh thực hiện CNH – HĐH, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh – sạch – đẹp, xóa đói giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2020 đạt mức trung bình của cả nước. Phấn đấu xây dựng một thành phố Đông Hà đạt đô thị loại II đến năm 2020 - sáng, xanh, sạch, đẹp, một thành phố không còn nghèo nàn, không còn tệ nạn. Một thành phố có sức hấp dẫn lòng người, một thành phố biết lan tỏa cả về nguồn lực và sự  giao bang.

Sau 30 năm tái lập, xây dựng, trưởng thành những cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, lao động Quảng Trị một thời đã trải nghiệm hôm nay mái đầu đã bạc, khuôn mặt điểm đầy nếp nhăn theo năm tháng vẫn cảm nhận thật rõ về một ký ức không bao giờ quên được của những năm tháng hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên và những ngày đầu tỉnh Quảng Trị được tái lập 1/7/1989.

Lịch sử đã đi qua gần 90 năm (kể từ ngày 3/2/4930) nhưng những mốc son của con người, mảnh đất Quảng Trị đã đóng lại những cột móc thời gian không bao giờ phai mòn trước gió bụi, trước những biến thiên của lịch sử và đã gắn chặt vào tâm thức của con người, đã trở thành niềm vui và hạnh phúc của cả dân tộc và thực sự ghi đậm dấu ấn vào lịch sử văn minh của nhân loại mãi mãi sau này. Lịch sử ấy cũng đồng nghĩa với câu nói của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: "Quá khứ là gốc rễ, là nền tảng, là sức mạnh của hiện tại và tương lai" [*] của chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau ./.

Hoàng Đức Chúng

 

[*] Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu trong lời đối thoại với Tổng Thống Mỹ Wlintơn ngày 18/11/2000 đăng trên báo Nhân dân  ngày 19/11/2000.

6449 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 783
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 783
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 75985010