Ký ức Sê Pôn 

Bà con dân tộc Vân Kiều ví dòng sông Sê Pôn là một dải lụa trời. Sông kết nối 23 bản làng sống bên dãy Trường Sơn với những bản dân tộc bên nước bạn. Đây là những bản người Lào thuộc huyện Sê Pôn (tỉnh Xavanakhet).

Chúng tôi đến Khe Sanh vào những ngày tháng 5 lịch sử. Nơi dừng chân chính là khu tượng Chiến thắng Khe Sanh ở giữa ngã ba đường. Xe ôtô chở đoàn cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa đi vụt qua góc đường trước mặt. Những cựu chiến binh vẫy tay và hát vang bài "Tiếng đàn ta lư". Lá cờ bay phần phật trước mũi xe, không khí như ngày nào rạo rực bừng sôi. Phía trước là con sông Sê Pôn cuồn cuộn sóng chảy về xuôi...

Nhà tù Lao Bảo

Đi tiếp vài chục cây số nữa, chúng tôi đến khu chợ cửa khẩu biên giới Hướng Hóa. Xe đón hàng tập nập qua lại. Đồng bào Vân Kiều luôn hồ hởi nói cười. Du khách mua hoa quả được ăn thử no thì thôi, ưng cái bụng thì mua hàng, không ưng họ cũng cảm ơn khách và chào tạm biệt bằng tiếng Anh ngọt như mía lùi. Một anh chàng Vân Kiều hướng dẫn đường cho chúng tôi đi về phía "Khu di tích nhà tù Lao Bảo". Anh nói chính nơi đây là "địa chỉ đỏ" khai sinh ra chi bộ Đảng đầu tiên ở Quảng Trị.

 

Một góc sông Sê Pôn.

Thật may khi đến khu di tích "Nhà tù Lao Bảo", chúng tôi được gặp ông Hồ Xuân Long, một cựu giáo viên tại Hướng Hóa. Ông là một trong số những người Vân Kiều mang họ Hồ cách đây 73 năm, lúc đó ông mới một tuổi. Ông chỉ về phía núi Coc Tăng trên dẫy Trường Sơn nói, đó là nơi các già làng đại hội quyết định lấy họ Hồ cho cả hai dân tộc Vân Kiều và Pa Cô (26-6-1946). Tất cả dân làng đều giơ nắm tay thề mãi mãi đi theo Đảng và Bác Hồ.

Từ đó đồng bào Vân Kiều và Pa Cô ở Hướng Hóa, Khe Sanh, Krông Pa hay khắp nơi trên những dãy núi biên giới luôn nhắc nhở nhau sống sao cho xứng con cháu Bác Hồ. Rồi ông cùng chúng tôi đến đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại nhà tù.

Những hình tượng đầy khí phách, phản ánh đúng lòng quả cảm của những chiến sĩ trong lao tù, thuở những năm 1930. Bên cạnh đó còn có bia khắc những câu thơ của Tố Hữu. Ông làm ngay trong ngục khi bị thực dân Pháp đưa đi lưu đày ở đây (năm 1938): "Cho tôi hưởng tinh thần chiến đấu. Cho da tôi dày dạn với ngày mai. Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu. Cho nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai…".

Thầy giáo Hồ Xuân Long cho biết, nơi đây còn giam giữ nhiều nhà cách mạng cùng thời với nhà thơ Tố Hữu như Lê Thế Tiết (Bí thư chi bộ đầu tiên ở Quảng Trị), Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực, Trần Hoành, Lê Thế Hiếu… Tuy nhà tù không phải lớn ở vùng biên ải nhưng giặc Pháp đã lưu đầy hàng ngàn tù nhân. Trong số đó có 350 tù nhân chính trị.

Vào những năm đầu thập niên 60, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã biến nơi đây thành cơ sở cách mạng của quân đội. Nhà tù Lao Bảo trở thành căn cứ địa quan trọng của chiến trường miền Nam. Giặc Mỹ điên cuồng ném bom hòng đánh sập toàn bộ nhà tù Lao Bảo để làm giảm uy thế quân đội ta. Nhưng chúng đã thất bại trong chiến dịch Đường 9 buộc phải rút khỏi Khe Sanh.

Nhà tù Lao Bảo được Nhà nước công nhận là "Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia" (năm 1991). Đồng thời di tích nhà tù Lao Bảo cũng là điểm nhấn trong toàn cảnh xã hội và kinh tế phát triển từng ngày của huyện Hướng Hóa, bên dòng sông Sê Pôn.

Sê Pôn với những câu hát Sim 

Bà con dân tộc Vân Kiều ví dòng sông Sê Pôn là một dải lụa trời. Sông kết nối 23 bản làng sống bên dãy Trường Sơn với những bản dân tộc bên nước bạn. Đây là những bản người Lào thuộc huyện Sê Pôn (tỉnh Xavanakhet).

Chừng gần hai mươi năm qua, những bản ở hai bên bờ sông đối diện đều kết nghĩa anh em. Thị trấn bên nước ta là Khu kinh tế thương mại Lao Bảo, thuộc bản Ka Túp, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Đối diện là Phố thị của bản Karon, trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu Densavan, huyện Sê Pôn (Lào). Đây là hai bản đối diện nhộn nhịp nhất vì có cửa khẩu Lao Bảo. Ngày nào người dân hai bản cũng sang trao đổi mua bán hàng hóa, họ thân quen và thuộc tính nết của nhau, ai cũng xởi lởi chân tình.

Thầy giáo Long kể nhiều đôi bạn trẻ hai bên có cảm tình với nhau qua tiếng kèn lời ca. Mỗi người đứng một bên bờ sông Sê Pôn đối diện và ra dấu hiệu chuyện trò. Một dòng sông của tình yêu đôi lứa. Không ít cô gái Lào đã thuộc những câu hát "Sim" (giao duyên) của người Vân Kiều.

Chàng trai hát mỗi câu gửi qua điện thoại sang cho bạn gái. Người con gái Lào đáp lại bằng lời ca: "Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh. Muốn thổi kèn Aman nhưng lại thiếu một người. Kèn Aman không thổi một người. Em biết thương ai bây giờ ngoài anh". Chàng trai Vân Kiều chỉ chờ có thế là vượt sông sang hát.

 

Một góc nhà tù Lao Bảo.

Chàng bày tỏ da diết: "Bóng em lấp lánh như sao mới mọc. Dáng em long lanh như vầng trăng đêm mười sáu. Ta đi tìm em. Em ơi!...". Nhất là vào những ngày hội bên Lào các chàng trai cô gái lại cùng xòe tay múa và hát Hoa Chăm Pa. Những bông hoa trắng muốt tỏa hương ngào ngạt khắp núi cao rừng xanh.

Dù lễ Tết khác thời gian nhưng bao giờ dân hai bản cũng sang tặng quà cho người già và trẻ em. Dòng Sê Pôn luôn dập dìu thuyền đò đôi bên. Mỗi khi vào mùa mưa, Sê Pôn mênh mông con nước. Lúc này dường như hai bản đối diện được nối gần lại. Đôi bên sáng tối gặp gỡ tựa thể trong cùng ngõ xóm thân thương.

Những đêm trăng, Sê Pôn càng trở nên thơ mộng. Chàng trai Vân Kiều có giọng hát nỉ non như mật ngọt, lời ca làm xiêu lòng cô gái bên kia sông. Chàng hò hẹn dặn dò đầy ẩn ý: "Cái siêng năng em hãy gác lại. Cái lười biếng em hãy cất đi. Ta cùng thức theo vầng trăng sáng đêm nay. Ta cùng vui theo năm tháng tròn đầy".

Đứng bên bờ bên kia, cô gái Lào sung sướng giơ tay vẫy rồi cất lên lời tình tứ: "Anh bắt được con nai. Em muốn anh là con rể của mẹ. Anh săn được con gấu. Em muốn anh là con rể của cha". Cứ thế, trăng Sê Pôn càng diễm lệ trong hình ảnh đôi lứa mơ mộng hát giao duyên. Họ cùng hẹn nhau vào phiên chợ mới sẽ đi hát "Sim". Có nhiều đôi bạn trẻ của hai nước đã thành vợ thành chồng. Tình nghĩa keo sơn giữa hai bản càng thêm gắn bó.

Lắng nghe thầy giáo Hồ Xuân Long mô tả cảnh hát "Sim" dưới đêm trăng mới thấy kỳ ảo làm sao. Tiếng kèn Aman thổi chung đôi thân thiết êm đềm. Mây trên đỉnh Trường Sơn mỗi lúc một dầy quấn quýt rừng cây. Đó là những tầng mây tình yêu của người Vân Kiều. Chúng tôi ngỡ như đang trôi trong làn mây ấy.

Dưới suối Pling chảy ra sông Sê Pôn có những đàn cá đang quẫy đuôi lóe sáng tung bọt trắng xóa. Một con sông Hữu Nghị nhưng cũng thắm máu của hai dân tộc trong cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ. Đó là chiến thắng Khe Sanh (1968) và cuộc tổng tiến công trên mặt trận Nam Lào (1971). Từ đây làm bàn đạp cho chiến thắng lịch sử giải phóng miền Nam (1975).

Những con chữ Vân Kiều

Chúng tôi được thầy giáo Hồ Xuân Long mời về nhà ở Khe Sanh với cung cách rất… Vân Kiều. Ông hát mấy câu mời khách vào chơi rồi mới pha ấm trà tự sao lấy. Trên bàn làm việc của ông ngổn ngang những giáo trình dậy tiếng Bru -Vân Kiều. Ông say sưa kể về hành trình đi tìm lại con chữ của bà con dân tộc mình.

Lớn lên trong lời ru của mẹ, ông học được cái chữ phổ thông. Đã từng làm Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tại huyện Hướng Hóa, nhưng cả cuộc đời ông dành trọn cho việc tìm lại chữ viết của người Vân Kiều. Sau mười năm ông kiên trì biên soạn, giáo trình đầu tiên dậy chữ viết Vân Kiều mới được xuất bản (1980). Bộ sách được phổ biến rộng khắp trong các trường nội trú dân tộc. 

Thầy giáo Hồ Xuân Long còn được coi là pho sử sống về phong tục tập quán và sự phát triển của người dân tộc Vân Kiều ở Quảng Trị. Ngồi trong ngôi nhà bên đường làng, chúng tôi như đang nghe nước sông Sê Pôn cuộn chảy bên thềm.

Đôi mắt thầy Hồ Xuân Long ngời sáng bên khung cửa. Bất ngờ ông hát lên đôi câu như một lời tiễn. Chắc đó là những kỷ niệm hồi trẻ thường đi hát "Sim" của ông: "Tiếng em nói sao mềm mại như tơ. Tiếng em hát, anh nghe vui như tiếng ve mùa hạ. Tiếng em nói vào lòng anh như tiếng cồng từ bên kia suối Pling vọng sang… em ơi!". Đúng là một thuở lãng mạn của một chàng trai Vân Kiều ngày nào. Chúng tôi ngờ đó chính là bài hát ông đã soạn ra trong một đêm trăng bên sông Sê Pôn.

Vương Tâm

1379 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1446
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1446
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76451411