[Ký sự miền biển] Kỳ I: Tự tình nơi vùng biển bãi ngang 

Đất nước ta đứng trước vận hội mới, nên nhiều thứ cũng đổi thay, trong số đó nghề biển, làng biển đang trở mình đầy khắc khoải và có lúc đớn đau!

Như nhiều làng biển dọc dải dất Miền Trung nắng và gió, Mỹ Thủy (xã Hải An, Hải Lăng, Quảng Trị) bây giờ nét biển đã phôi phai, mặc dù đi trên con đường xuyên làng vẫn nghe tiếng sóng vỗ rì rào…

Bộn bề giữa dòng ký ức

Lạ thay! Chạy dọc trục đường rải nhựa nham nhở, quanh co bé xíu qua ngôi làng này không còn cảm thấy mùi nồng của mắm, vị tanh hăng hắc của cá, cũng không hề thấy bóng dáng của lưới chài, phiên chợ cá cũng chẳng còn hối hả tấp nập như xưa.

Một không khí trầm tĩnh như đang chất chứa điều gì muốn tự sự. Đã gần trưa, nắng ả oi nhưng hàng chục chòi kinh doanh hải sản, tắm biển vắng hoe không một bóng khách hàng.

Xã Hải An nương theo dài bờ biển dài và nguồn đất đai cằn cỗi (Ảnh vệ tinh)

Xã Hải An (khoanh đỏ) nương theo dài bờ biển dài và nguồn đất đai cằn cỗi (Ảnh vệ tinh)

Theo chân anh chàng “thổ địa”, tôi tìm đến thăm nhà lão ngư kỳ cựu nhất làng, ông Phan Thanh Phúng. Cũng rất lạ, ngôi nhà khang trang tọa lạc cách mép nước biển không xa nhưng chẳng cho thấy chút gì là…biển, không ngư cụ chất đống, không lưới chài đan lát, không chum mắm, cá, mực phơi....

Chỉ có một nét rất biển duy nhất là làn da người ngư phủ rám nắng, dáng người rắn rỏi, mái tóc hoe. Gần 70 tuổi, ngót nửa thế kỷ làm nghề biển, lão đon đả và niềm nở tiếp chuyện, với chất giọng chon chảy, giản dị, ký ức với nghề, về biển cứ thế tuôn ra.

Tính ra, gia đình ông Phúng có mấy trăm năm làm nghề biển, đó là nghề truyền thống từ nhiều thế hệ trước, ông có 7 người con thì 5 người trực tiếp mưu sinh với biển, 2 người đi làm xa nhưng vẫn nung nấu ý chí kiếm đủ vốn rồi quay lại nối nghiệp ông cha. Biển với ông Phúng là nhà, là chén cơm manh áo, là tương lai.

Lão ngư kỳ cựu Phan Thanh Phúng

Lão ngư kỳ cựu Phan Thanh Phúng (Ảnh: Khắc Trà)

Mấy hôm nay con gió trở, ông rảnh rỗi ngồi nhà uống trà, xem tivi, nghe ngóng thời tiết để chuẩn bị đi biển. Và đó cũng là khoảng lắng để ông chiêm nghiệm về cái nghề “hồn treo cột buồm”, thế là tôi may mắn bắt gặp nơi người đàn ông này khúc chuyện xa xăm.

Biển bãi ngang là nơi không có nhánh sông chảy ra, một dải biển nông, nếu không xây cảng thì ngư dân chỉ có thể đánh bắt gần bờ bằng thuyền nhỏ dưới 25 mã lực, đi và về trong ngày. Theo quy định 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Chính phủ thì đây là những địa phương thuộc diện "đặc biệt khó khăn".

Ông kể, biển xưa đãi chúng tôi vô kể, mặc dù ngư cụ thô sơ nhưng đánh bắt rất dễ dàng, còn nay biển mỗi ngày một khó, ra khơi bây giờ như chơi một canh bạc với thiên nhiên, đầy may rủi, hên xui.

Bởi thế, đôi khi ngày kiếm năm ba triệu đồng, cũng có khi cả tháng không có đồng nào, ông mới hài hước “biển giả” chứ không phải “biển thật”… bằng kinh nghiệm của mình ông Phúng cho rằng, con cá theo luồng nước, nay khác, mai khác!

Một lần ra khơi theo con nước lúc 1h sáng, 2 giờ đồng hồ sau đang hối hả kéo mẻ lưới đầu tiên thì bỗng dưng lốc tố nổi lên, trời đất mịt mùng, mất phương hướng, rồi quẫn trí… có lẽ không bao giờ thấy mặt vợ con lần cuối chăng! Một trong những góc khuất của nghề đầy xót xa mà khi nhắc đến ông Phúng bỗng lặng đi, đó là khi chứng kiến những người bạn đồng nghiệp xui rủi rồi mãi mãi nằm lại với biển cả.

Nhưng may thay, khối nước khổng lồ đổ ầm xuống cách chiếc thuyền mỏng manh của ông chỉ vài mét rồi tạo con sóng đánh con thuyền văng ra xa. Thần chết đến trong gang tấc - mà ông Phúng cho rằng, với nhiều người họ sẽ bỏ nghề ngay tức khắc, nhưng với tôi thì không thể vì món nợ áo cơm còn quá lớn.

Thêm nhiều nhiều lần nữa đứng trước sự sống và cái chết, ngoài thiên tai còn có “nhân tai”, đó là những con tàu dã cào lớn vô tâm vô tình băng qua xem những mạng người dưới chiếc thuyền nan như cỏ rác. Ông gọi đó là “cá lớn nuốt cá bé”.

Nhưng ký ức kinh hoàng nhất xảy ra vào một ngày mùa xuân năm 1968, ông cùng 2 người khác dong thuyền ra khơi để giải quyết cái đói cho gia đình. Bất ngờ súng nổ đạn bay xuất phát từ một trận càn của địch vào làng biển, hai bạn thuyền mãi mãi không trở về!

Ông Phúng ngất đi và không hiểu lý do gì sóng biển đánh dạt vào bờ, lúc tỉnh dậy ông cảm thấy ở tay, chân, bụng, lỗ tai có thứ gì đó rúc ráy rất đáng sợ. Lấy chút sức lực cuối cùng mở mắt ra ông chứng kiến cảnh kinh hoàng, hàng trăm con cá Ong biển bu quanh, bởi chúng tưởng ông… đã chết! Từ đó ông không bao giờ còn dám ăn món cá này nữa!

Manh nha vận hội mới

Khi tôi đặt câu hỏi: Liệu rằng mai này thế hệ trẻ trong làng có “hậu sinh khả úy” nghề biển như cha ông? Yêu biển như chính cuộc đời của mình, ông Phúng tin chắc, không thể nào bỏ biển!

Tôi tính mang câu chuyện ở mấy làng biển Hà Tĩnh, Nghệ An ra chia sẻ cùng ông, nhưng tôi sợ sẽ làm sứt mẻ tình yêu biển vốn rất trong sáng này. Tôi cũng sợ rằng, những gì xảy ra với những làng biển mấy trăm năm sẽ làm ông buồn lắm lắm.

Nào ai biết được, thế cuộc xoay vần như con tảo, làn sóng công nghiệp quét qua khiến những “thủ phủ” nghề cá đứng trước nguy cơ xóa sổ. Chúng ta phải chọn một trong hai hay phải giữ chút gì đó của ngày xưa?

Lo lắm vì không có nhiều người như ông Phúng, nhất quyết một lòng lấy biển nuôi đời, cũng lo lắm vì thế hệ trẻ - họ sẵn sàng ly hương, bỏ biển!

Song, cũng như bao người khác, gã ngư phủ giàu kinh nghiệm đã thấm thía nỗi cơ cực và hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió, muốn giữ biển nhưng đồng thời cũng đặt một niềm tin mãnh liệt vào chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, kêu gọi nhà đầu tư vào địa phương.

"Là bởi một nhẽ, công nghiệp, nhà máy sẽ đem lại sự ổn định cho con cháu sau này, không thể cứ mãi lênh đênh như thế hệ chúng tôi", ông Phúng bảo.

Dáng dấp công nghiệp đã bắt đầu manh nha ở vùng biển nghèo khó

Dáng dấp công nghiệp đã bắt đầu manh nha ở vùng biển nghèo khó (Ảnh: Khắc Trà)

Mong muốn này sắp thành hiện thực, vì nơi chúng tôi ngồi trò chuyện thuộc vùng lõi của một “siêu” dự án hơn 16 ngàn tỷ đồng đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt từ cách đây 6 năm.

Ngoài nét đìu hiu của nghề biển, thì ở một giác độ khác, xã Hải An giường như đang thu mình lại để chờ bung ra đón vận hội mới. Đúng như thế, ở đây đang có 3 dự án lớn, đó là: Cảng biển nước sâu, nhà máy cấu kiện bê tông và nhà máy nhiệt điện nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây.

Cơ hội rõ ràng, nhưng trọng trách lúc này không dồn lên vai thế hệ như ông Phúng, mà là phụ thuộc vào lớp trẻ. Họ chuẩn bị gì trước ngày quê hương thay da đổi thịt? Họ đủ tâm thế, tư thế để phụng sự quê hương rẻ bước ngoặt?

Kỳ II: Im ắng trước trận đánh lớn

1011 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1298
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1298
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87152223