Ký kết EVFTA: Khẳng định sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam 

(Chinhphu.vn) - Hiệp định EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) lớn nhất Việt Nam từng tham gia, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi thể chế chính sách và phát triển nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới khi chính thức được thực thi.

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh.

Nhân dịp Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) sẽ được ký vào ngày mai, 30/6, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã có nhiều chia sẻ từ góc độ đối ngoại và chiến lược.

Theo ông Phạm Quang Vinh, sự kiện này rất quan trọng và rất có ý nghĩa, không chỉ đáp ứng lợi ích của hai bên mà còn tạo những cơ hội lớn, tạo ra thời cơ cho phát triển, tạo ra những động lực mới nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường hội nhập quốc tế.

Ba thời cơ mang ý nghĩa lớn

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nhận định rằng EVFTA và IPA được ký kết mang ba ý nghĩa lớn. Một là, Hiệp định được ký kết chắc chắn sẽ tạo cho nền kinh tế Việt Nam không gian về mặt thị trường rộng lớn hơn, chất lượng cao hơn. Đó là thị trường EU.

EVFTA không chỉ tạo điều kiện để nâng cao kim ngạch hai chiều mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp chúng ta tham gia chuỗi giá trị mới. Trong đó, tăng về xuất khẩu của Việt Nam sẽ nhanh hơn tăng về nhập khẩu.

Nếu theo tính toán của Bộ KH&ĐT, dự trù mà chúng ta tranh thủ được, trong vòng một năm tới có thể tăng xuất khẩu tới 20% do hàng rào thuế quan đã được giảm đi. Hướng tới năm 2030 có thể lên tới 40%. Đóng góp vào % trong tốc độ tăng trưởng GDP, nếu tính trong giai đoạn 2019-2023 có thể là 2-3%.

“Có lẽ phải nhìn vào thực chất, đây là hai Hiệp định mang tính toàn diện và có những tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Đó là những FTA thế hệ mới. Điều này giúp cho chúng ta nâng cao được chính năng lực của nền kinh tế, mặt khác lại có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị mới, chuỗi giá trị toàn cầu ở mức cao nhất.

Những điều này sẽ tạo cho Việt Nam điều kiện hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu cao hơn và cũng là cơ hội để nâng cao nền kinh tế đất nước”, ông Phạm Quang Vinh phân tích.

Ý nghĩa thứ hai khi Hiệp định được thực thi là chúng ta sẽ tranh thủ được nguồn vốn, khoa học kỹ thuật cao của thị trường EU. Đối với thế giới đang ngày càng hội nhập và thúc đẩy tự do hóa thương mại, chúng ta tham gia được vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng cao hơn sẽ tạo được chất lượng cao hơn cho nền kinh tế.

Thứ ba, nếu tính cộng hưởng lại, chúng ta vừa tăng cường hội nhập, vừa tranh thủ được thị trường phát triển kinh tế cũng tạo đà cho cải cách và đổi mới ở Việt Nam tăng lên. Cộng hưởng tất cả những điều đó sẽ tạo cho vị thế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam được nhân lên nhiều lần.

Mọi chuyện không phải ngẫu nhiên

Theo ông Phạm Quang Vinh, đây là kết quả song trùng với nỗ lực cải cách và đổi mới của Việt Nam cùng với sự hội nhập ra khu vực và quốc tế của Việt Nam. Song hành với câu chuyện Việt Nam tham gia đàm phán gần 10 năm qua với EU, chúng ta đã có rất nhiều hoạt động hội nhập quốc tế, tham gia sâu rộng vào các thị trường, trong đó có các đối tác lớn. Chẳng hạn trước đây chúng ta tham gia đàm phán về TPP và nay trở thành là CPTPP, hay chúng ta có những hiệp định thương mại chất lượng cao với Hàn Quốc, Nhật Bản…

Tất cả những điều đó phản ánh năng lực hội nhập của Việt Namvới sự đẩy mạnh đổi mới và cải cách.

“Bên cạnh đó, khi chúng ta phát triển kinh tế, khi chúng ta đổi mới và tăng cường hội nhập thì vị thế của Việt Nam và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam tăng lên. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam trở thành đối tác thương mại thứ hai của EU tại ASEAN. Chính sức hấp dẫn của Việt Nam, khả năng tiếp nhận được những kỹ thuật, doanh nghiệp, giao dịch chất lượng cao mới khiến các đối tác quan trọng quan tâm đến”, ông Vinh phân tích.

Thách thức phía trước

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cũng cho rằng, thách thức phía trước đang còn. Ngày mai, 30/6, các hiệp định sẽ được ký kết nhưng đằng sau đó là câu chuyện phê chuẩn. Với EVFTA cuối năm nay hoặc nửa đầu sang năm có thể hoàn tất được phê chuẩn khi Nghị viện Châu Âu thông qua.

Nhưng với IPA sẽ vừa phải thông qua Nghị viện khu vực lẫn Nghị viện các nước thành viên, đòi hỏi một quá trình. Chính vì vậy nên chúng ta không chỉ dừng ở đây, ký xong còn phải tiếp tục trao đổi, làm sao thúc đẩy hai bên cả EU và Việt Nam phê chuẩn thì lúc đó Hiệp định mới có giá trị.

Hiệp định mang lại rất nhiều cơ hội và thuận lợi nhưng chúng ta phải đủ năng lực, đủ hiểu biết thì mới tranh thủ được những cơ hội mang lại đó. Câu chuyện trước hết, theo ông Phạm Quang Vinh là các doanh nghiệp phải nắm bắt được các quy định và những yêu cầu trong Hiệp định. Những quy định mà chúng ta phải thực hiện, những yêu cầu mà chúng ta có thể tranh thủ. Trong đó, cũng phải nắm được “cách chơi” mới mà Hiệp định đưa lại.

Thỏa thuận này có cả những câu chuyện về quy định thế nào là giải quyết tranh chấp, không chỉ là quy định về mức thuế quan tiêu thụ, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn dịch vụ, quy định sở hữu trí tuệ, bảo đảm môi trường, bảo đảm lao động… mà còn quy định cả cơ chế về tranh chấp, cơ chế về bảo hộ mậu dịch. Nếu chúng ta không nắm chắc được sẽ không vận dụng được, phải vừa tranh thủ, vừa bảo vệ mặt hàng của mình.

“Đối với Nhà nước, chắc chắn khâu truyền thông để đưa nội dung Hiệp định này đến các doanh nghiệp, tiếp theo là định hình khung pháp lý và chính sách làm sao cho tương ứng với Hiệp định này là rất quan trọng.

Tiếp theo là phải tạo ra được cơ chế xây dựng năng lực cho doanh nghiệp của mình có thể bắt kịp với những yêu cầu của Hiệp định”, ông Phạm Quang Vinh nói.

Về phần doanh nghiệp, chắc chắn doanh nghiệp phải nắm được Hiệp định, phải nâng cao, khẳng định năng lực của mình, nhất là trong bối cảnh Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải bắt kịp được thì năng lực mới vượt ra tầm quốc tế.

Ông Phạm Quang Vinh cho rằng sức lan tỏa của Hiệp định này rất lớn bởi EU không chỉ là đối tác lớn của Việt Nam và khu vực mà của toàn cầu. Họ tham gia vào định hình những tiêu chuẩn và luật chơi quốc tế nói chung và về thương mại, đầu tư nói riêng. Đây là câu chuyện và cơ hội đặc biệt để Việt Nam có thể thể hiện vị thế của Việt Nam, vươn tới và hội nhập.

Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Các nền kinh tế lớn của thế giới khi thấy Việt Nam và EU “bắt tay” thì chắc chắn họ sẽ thấy môi trường của Việt Nam đáp ứng được đòi hỏi của họ. Đây là thuận lợi cho chúng ta tham gia vào tương tác, vào giao lưu hợp tác với các đối tác lớn, trong đó bao gồm cả những nền kinh tế lớn.

“Tôi tin với quyết tâm của Chính phủ, với quá trình đổi mới của chúng ta thì Việt Nam đủ điều kiện và đủ năng lực để cùng với các doanh nghiệp đưa nền kinh tế hội nhập theo những yêu cầu của thỏa thuận và Hiệp định. Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới”, ông Phạm Quang Vinh khẳng định.

Nhật Nam
316 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 867
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 867
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87140662