KT-XH những tháng cuối năm: Nhiều thuận lợi, song không ít khó khăn, thách thức 

(Chinhphu.vn) – Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, các thành viên Chính phủ cho rằng, trong triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2018 cũng như thời gian tới, đất nước ta có rất nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen phải đối mặt, xử lý.

 

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2018 tiếp tục duy trì xu thế tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Sau 2 tháng liên tiếp tăng, Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra, nhờ đó, CPI tháng 7 đã giảm 0,09% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, CPI bình quân tăng khoảng 3,45%, lạm phát cơ bản bình quân tăng ở mức hợp lý, khoảng 1,36% so với cùng kỳ.

Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/7 tăng khoảng 7,69%, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế; bảo đảm thu, chi ngân sách Nhà nước; giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước có bước cải thiện. Dòng vốn FDI duy trì ổn định và đạt mức tăng cao hơn cùng kỳ.

Tình hình sản xuất kinh doanh diễn biến tích cực trong cả 3 khu vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. Phát triển công nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng cao hơn so với mức tăng cùng kỳ.

Khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá, sức mua tiêu dùng tăng; hoạt động du lịch diễn ra sôi động. Xuất, nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc tộ tăng cao, cân đối thương mại thặng dư khoảng 3,1 tỷ USD.

Các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai sâu rộng, hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2018 cũng như thời gian tới, đất nước ta có rất nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý.

Về thuận lợi, một số ý kiến nhận định, tình hình kinh tế trong nước sau 6 tháng  khởi đầu thuận lợi, tăng trưởng GDP ghi nhận mức tăng cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ 2011 là nền tảng thuận lợi, giúp giảm áp lực điều hành trong những tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018.

Những yếu tố tích cực đối với tăng trưởng những tháng cuối năm đó là kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng. Kinh tế tiếp tục hưởng lợi từ 3 khu vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản phục hồi rõ rệt, tăng 3,99% trong quý II và 3,93% trong 6 tháng đầu năm 2018; công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 8,46% với điểm sáng là tăng trưởng cao của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm sự phụ thuộc vào khu vực khai khoáng; tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 7,3%, đây là mức cao nhất trong cùng thời kỳ kể từ 2010.

Bên cạnh đó, nhiều ngành kinh tế lớn đang vào chu kỳ tăng trưởng như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… tạo điều kiện thuận lợi để duy trì đà tăng trong các quý còn lại của năm; nhu cầu tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trên cơ sở lạm phát được kiểm soát khá tốt và thu nhập được cải thiện.

Đồng thời, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, sự thay đổi về thủ tục hành chính. Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực. Với 16 hiệp định FTA đã và đang được đàm phán kí kết, 10 hiệp định FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thách thức, nổi lên là tăng trưởng ngành công nghiệp có xu hướng chậm lại; năng lực cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng, các vấn đề bất cập trong nội tại nền kinh tế còn chậm được khắc phục. Sức ép lạm pháp và biến động tỷ giá có xu hướng tăng lên. Diễn biến thời tiết phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Cán cân thương mại chưa thực sự bền vững… diễn biến thị trường ngoại hối khó lường.

Một số thành viên Chính phủ đề xuất, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đề cao trách nhiệm; chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tăng cường đôn đốc, kiêm tra, giám sát; ưu tiên cho các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp ứng phó với những yếu tố bất lợi có thể tác động tới tăng trưởng, nhất là về thiên tai, lũ lụt…

Nguyễn Hoàng

350 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 454
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 454
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88607229