|
Các phần quà do Tổ công tác phía Nam của Bộ NN&PTNT kêu gọi từ các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được trao đến tay người lao động nghèo tại TPHCM - Ảnh: VGP/Trần Cao |
Ngày 3/8, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp trực tuyến về hoạt động của các Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại phía nam.
Tại cuộc họp, có hai vấn đề nổi lên đó là đề xuất của Tổ công tác phía nam về việc Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ cho tăng thu mua tạm trữ lúa Hè Thu để nông dân yên tâm cũng như kích cầu sản xuất vụ Thu Đông và việc bố trí tiêm vaccine cho đội ngũ lao động trực tiếp tại các khu vực sản xuất, tiêu thụ nông lâm thuỷ sản.
Chuỗi thu hoạch, chế biến gạo "bị vướng"
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay, giá lúa Hè Thu cơ bản thấp hơn 300 - 500 đồng/kg so với vụ trước. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, đã có nông dân lưỡng lự trong việc xuống giống vụ lúa Thu Đông, vì vậy, nếu không có chính sách kích cầu thị trường lúa Hè Thu kịp thời, sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lúa cả năm mà Bộ NN&PTNT đã đề ra.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, các tỉnh ĐBSCL mới thu hoạch được 600.000 ha lúa Hè Thu, còn khoảng 900.000 ha thu hoạch trong tháng 8, tháng 9, đây cũng là thời điểm có sản lượng lúa hàng hóa cao nhất.
Tại cuộc họp, Tổ công tác phía nam của Bộ NN&PTNT đưa ra con số: Tại tỉnh An Giang hôm nay (3/8) giá lúa gạo vẫn ở mức thấp. Theo đó, giá nếp vỏ (tươi) 3 tháng ở mức 4.000 - 4.200 đồng/kg; nếp vỏ (tươi) 3,5 tháng ở mức 4.400 - 4.600 đồng/kg. Giá lúa nếp Long An ở mức 4.400 - 4.750 đồng/kg; giá lúa IR 50404; lúa OM 9582 ở mức 4.400 - 4.800 đồng/kg. Giá lúa Đài thơm 8 duy trì ở mức 5.600 - 5.800 đồng/kg.
Tại Long An, giá lúa gạo cũng ở mức thấp. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Long An, đến nay, nông dân thu hoạch hơn 53.200 ha lúa Hè Thu, tập trung ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Năng suất lúa ước đạt 5,2 tấn/ha, sản lượng 277.660 tấn, giá lúa dao động từ 5.300-5.800 đồng/kg. So với vụ Hè Thu năm 2020, giá lúa giảm từ 300-500 đồng/kg.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác phía nam của Bộ NN&PTNT cho hay: “Với mức giá lúa gạo như hiện nay, nông dân có lãi ít, thậm chí không có lãi”.
Về nguyên nhân khiến giá lúa Hè Thu giảm, theo ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (huyện Thủ Thừa, Long An) là do diễn biến bất thường của dịch COVID-19, chuỗi sản xuất và thu mua lúa gạo gặp khó khăn. "Hiện nay, ghe không vào thu mua được, thiếu lực lượng thu hoạch lúa, trong khi nhiều nhà máy chế biến lúa buộc phải đóng cửa hoặc giảm công suất dù đã áp dụng 3 tại chỗ", ông Hòa cho biết.
Đứng trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề xuất: "Lượng lúa Hè Thu đang rất nhiều, nếu không có chính sách kịp thời nhiều đối tượng sẽ trục lợi, nông dân là đối tượng thiệt thòi. Do vậy, Tổ công tác đề xuất Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ có chính sách thu mua dự trữ lúa Hè Thu theo chương trình dự trữ quốc gia. Khi đó, thị trường sẽ được kích cầu, giá lúa cải thiện, nông dân có động lực làm vụ lúa Thu Đông".
Khẩn cấp tiêm vaccine cho lao động nông nghiệp
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện nay nhiều địa phương gặp khó khăn trong khâu khai thác tại các cảng cá. “Tính chung cả nước đã có 14 cảng có ca bệnh F0 đang phải dừng hoạt động. Tại 19 tỉnh phía nam đang giãn cách theo Chỉ thị 16, khá nhiều cảng hoạt động khó khăn. Với các cảng dừng hoạt động, tàu cá phải chạy sang tỉnh khác làm tăng chi phí ngư dân phải bỏ ra. Cảng đón nhận cũng bị vượt quá công suất, một số cảng phải điều thêm lực lượng…”, ông Luân nêu thực trạng.
Cùng với thực trạng này, nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản có lượng công nhân nhiều nên đang lúng túng trong việc đảm bảo y tế cho lao động. “Doanh nghiệp đặt vấn đề nhờ địa phương tìm địa điểm cho công nhân lưu trú, hỗ trợ hướng dẫn y tế để duy trì sản xuất, do chưa nhận được hỗ trợ kịp thời nên hiện rất khó khăn trong duy trì sản xuất”, ông Luân cho hay.
Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Thuỷ sản đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng làm việc ở khu vực cảng cá và công nhân các nhà máy chế biến vẫn còn đang hoạt động.
Ông Lê Thanh Hoà, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thông tin thêm, ở góc độ xuất khẩu rau quả, ĐBSCL là vùng cung cấp chính hoa quả nhiệt đới chất lượng cao cho xuất khẩu.
“Với tình trạng hiện nay, nếu ĐBSCL giãn cách tiếp 2 tuần thì vấn đề thu hoạch hoa quả xuất khẩu rất khó. Các địa phương thực hiện việc giãn cách nên việc đi thu hái rất khó khăn, việc này khó khăn ngay cả với những công ty lớn đang thực hiện các đơn hàng xuất khẩu đã ký”, ông Hoà nói.
Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đồng quan điểm với khó khăn của lĩnh vực thuỷ sản: “Nếu không giải quyết nhanh vấn đề tiêm vaccine, khâu khai thác, thu mua, vận chuyển từ đơn vị nuôi trồng đến nhà máy cũng sẽ ảnh hưởng; cần phối hợp tốt hơn để giải quyết các vướng mắc này. Nếu không giải quyết kịp thời, cả xuất khẩu hoa quả, thuỷ sản thời gian tới đều sẽ gặp khó".
Tuy nhiên, dù khó khăn về nhiều mặt nhưng ngành nông nghiệp vẫn đón những tín hiệu mừng. Theo Tổ công tác của Bộ NN&PTNT, các đơn vị tại các tỉnh, thành phố giãn cách xã hội vẫn đảm bảo các đơn đặt hàng để giữ mối lâu dài, dù hoạt động chỉ còn 30-40% công suất. Tổ công tác cũng đưa ra nhận định, nhu cầu tiêu thụ hàng xuất khẩu của các nước đang tăng lên. Do đó, việc lưu trữ và bảo quản hàng hóa để xuất khẩu ngay bằng đường thủy khi hết giãn cách xã hội là việc làm cần thiết.
Đỗ Hương