Kịp thời định hướng thông tin, không để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc 

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc, luận điệu bịa đặt chống phá Đảng, Nhà nước ta với những hình thức chuyển tải đa dạng và thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm hiểm nhằm thu hút sự quan tâm, theo dõi của cộng đồng mạng. Đa số người đọc tỏ rõ sự bất bình, phản đối, nhưng đáng tiếc vẫn còn một bộ phận mất phương hướng, nhẹ dạ, cả tin, lầm tưởng rằng đó là sự thật, dẫn đến hoài nghi sự việc, thậm chí hùa theo cổ xúy, vô tình “nối giáo cho giặc”. Vì vậy, việc kịp thời đưa ra những thông tin chính thống, rõ ràng để nâng cao ý thức cảnh giác, biết sàng lọc thông tin cho mọi người là hết sức cần thiết.

Lợi dụng đặc tính truyền tải nhanh, diện tham chiếu rộng, tính “tự do” tương đối của những chủ thể thông tin, khả năng “gây nhiễu” lại khá rộng và rất khó kiểm soát của nguồn thông tin trên mạng xã hội, các phần tử phản động, chống đối chính quyền đã lợi dụng để tuyên truyền xuyên tạc. Chúng sử dụng một số phương thức như: Thiết kế thông tin đa dạng, hấp dẫn, trong đó kết hợp cung cấp thông tin với nội dung có vẻ khách quan nhằm đánh lừa độc giả nhưng kèm theo đó là các thông tin xuyên tạc, phản động, chống đối, song được thể hiện tinh vi bằng hình thức nêu chủ đề thăm dò ý kiến, nhận xét của cá nhân để lôi kéo, định hướng độc giả với các nội dung cần tuyên truyền; đăng tải ồ ạt, tràn lan thông tin trên nhiều trang thông tin điện tử, trang cá nhân trong nước, thậm chí có sự câu kết với cả báo chí truyền thông cực đoan hải ngoại để chống phá, bôi đen, tích cực truyền bá những thông tin xấu độc; dàn cảnh để quay phim, chụp ảnh rồi tuyên truyền xuyên tạc bản chất sự việc; giả mạo tổ chức, cá nhân và tán phát thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cắt xén ý kiến phản biện, hoặc ngụy tạo quan điểm của một số nhà khoa học, người có uy tín nhằm áp đặt, bình luận theo ý đồ để hướng lái dư luận… Từ đó, khiến người đọc nếu có nhận thức chưa đầy đủ sẽ không khỏi hoang mang, bán tín bán nghi, thậm chí bị chúng lôi kéo vào các hoạt động chống đối, vi phạm pháp luật như tập trung biểu tình, viết đơn thư tố giác, phản đối v.v.  Thủ đoạn của chúng hiện nay là triệt để lợi dụng các sự kiện phức tạp, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội, “đụng chạm” tới lòng yêu nước của Nhân dân để lừa mỵ, lôi kéo, kích động người dân biểu tình, chống đối chính quyền, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, của công dân. 

Điển hình như lợi dụng việc Công ty Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển các tỉnh miền Trung, việc Quốc hội khóa XIV họp thông qua Luật An ninh mạng và đang cho ý kiến về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc vừa qua, xuất hiện trên mạng Internet nhiều bài viết, video có nội dung kích động người dân xuống đường dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường, “thể hiện lòng yêu nước”, thể hiện “trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc”…các đối tượng quy chụp: “Cho thuê đất 99 năm là bán nước”, “Luật An ninh mạng bóp nghẹt tự do, dân chủ, xâm phạm quyền tự do ngôn luận”, đưa ra những bình luận hết sức lố lăng để thu hút, lôi kéo hàng ngàn người dân tham gia biểu tình, tuần hành, kích động người dân đập phá, gây mất an ninh trật tự, cản trở giao thông, tấn công lực lượng thi hành công vụ, vi phạm pháp luật. Điều đáng buồn là, vẫn có nhiều người dân tin, nghe theo kẻ địch để có những hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, an ninh xã hội cho Nhà nước và những người dân ở địa phương. Tiếp tục những hành vi đó, nhân dịp Quốc khánh 2- 9, chúng lên mạng xã hội kêu gọi xuống đường “tổng biểu tình”, ghi lên các tờ tiền có mệnh giá thấp từ 1.000 đến 5.000 đồng để tán phát, lan truyền thông tin tới cả những người không dùng mạng xã hội với ý đồ tạo cớ gây ra bạo loạn chính trị theo mô hình cách mạng đường phố, “cách mạng màu”… Kích động người dân mang hung khí đi biểu tình với lý do tự vệ nhưng thực chất là để chống trả lại lực lượng chức năng, gây rối, gây bạo loạn tiến tới lật đổ chính quyền. Nhưng, chúng đã bị thất bại trước ý thức cảnh giác của Nhân dân. 

Chúng đẩy mạnh truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm lên mạng xã hội, cụ thể như cuốn sách sách “Gạc Ma - vòng tròn bất tử”. Do nội dung chưa có cơ sở thẩm định khoa học, các tài liệu liên quan để kiểm chứng nên cuốn sách “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” ngay từ giai đoạn bản thảo đã vấp phải phản ứng từ người trong cuộc, buộc Cục Xuất bản in và phát hành- Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch có Công văn đề nghị kiểm tra, rà soát và thu hồi cuốn sách. Tuy nhiên, lợi dụng sự quan tâm từ người đọc, các thế lực xấu tiếp tục tìm cách xuyên tạc bản chất sự việc, đưa ra những thông tin nhằm miệt thị chế độ. Một số trang mạng nước ngoài đả kích rằng, cuốn sách “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” bị cấm phát hành vì đây là vấn đề nhạy cảm mà “cộng sản đang tìm cách bưng bít, che đậy”; một số bài viết tìm cách suy diễn vấn đề, xuyên tạc, đả kích quan điểm, đường lối quân sự, ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Chiêu bài này rất nguy hiểm vì nếu người đọc thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức sẽ bị các đối tượng đẩy vấn đề từ sai lệch bản chất vụ việc ở Gạc Ma đến kích động quan điểm, tư tưởng thù hận chế độ dưới danh nghĩa “kêu gọi lòng tự tôn dân tộc, lòng xả thân vì Tổ quốc”. Rõ ràng, việc mượn cớ những sự kiện lịch sử để xuyên tạc sự thật rồi phê phán, miệt thị cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch đã, đang tìm cách lợi dụng chống phá nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. 

Gần đây, quanh câu chuyện tranh cãi về sách “Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại, trên mạng xã hội dư luận có nhiều ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến phản đối chưa hiểu rõ chương trình giáo dục thực nghiệm này (dù đã được thực hiện 40 năm nay), bởi vì thấy cách đánh vần lạ, đọc qua các ô tròn, vuông, tam giác; thậm chí nhầm lẫn nó với ý tưởng cải cách chữ cái tiếng Việt của Phó giáo sư Bùi Hiền… Lợi dụng vấn đề đó, nhiều tài khoản Facebook cắt ghép và chế thành các video clip để thu hút lượt xem, cái có thể mang lại cho chủ tài khoản một khoản tiền quảng cáo không nhỏ. Điều nguy hiểm hơn là các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, tạo làn sóng phản ứng, không cho con em theo học chương trình này, qua đó thóa mạ, chỉ trích sự sáng tạo khoa học của Giáo sư Hồ Ngọc Đại; sâu xa hơn nữa là nhằm đánh đồng giáo dục với chính trị, dẫn đến đả phá những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, kêu gọi tẩy chay, kích động biểu tình đòi xóa bỏ.  

Hành vi lợi dụng các diễn đàn, mạng xã hội để tung ra những thông tin, hình ảnh nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, uy tín của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân là một loại tội phạm không gian ảo hết sức nguy hiểm, cần phải cần tăng cường hơn nữa những biện pháp hữu hiệu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Tuy nhiên, có một thực tế là tình trạng bàng quan, thờ ơ, không có chính kiến đúng đắn trước các thông tin, quan điểm sai trái còn khá phổ biến, nhất là thông tin sai trái trên mạng Internet và các trang mạng xã hội, thậm chí có cả cán bộ, đnảg viên tham gia bình luận, chia sẻ. Nhiều người vẫn cho rằng, việc đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc là công việc của những cơ quan chuyên môn, chưa trở thành ý thức trách nhiệm và nhu cầu tự nhiên, tự thân của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Để làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng Internet và mạng xã hội để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta của các thế lực thù địch, trước hết mỗi chúng ta, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nâng cao cảnh giác, tăng cường khả năng “đề kháng” và có một “ bộ lọc” cho mình trong việc nhận rõ tính ngụy tạo, xuyên tạc của những thông tin, tài liệu, hình ảnh đăng tải trên mạng. Đồng thời, thông qua tài khoản Facebook hay Zalo của mình, phát huy tính tích cự, tự giác lên tiếng đấu tranh, tạo thành làn sóng dư luận mạnh mẽ, đấu tranh phê phán những thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, bịa đặt trên mạng xã hội.

Các cơ quan báo chí chính thống (cả báo in và báo mạng) phát huy vai trò là công cụ thông tin sắc bén, nhanh nhạy và tin cậy để làm cơ sở phản bác những thông tin bôi nhọ, xuyên tạc của một số phần tử xấu trên internet và mạng xã hội;  phải giành thế chủ động với việc tăng cường lượng bài viết để cung cấp đến bạn đọc những thông tin chính xác, kịp thời định hướng dư luận, không để khủng hoảng thông tin, gây sự hiểu lầm trong một bộ phận Nhân dân, nhất là lớp trẻ; khắc phục tình trạng thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, tạo kẽ hở để báo chí nước ngoài, các thế lực thù địch lợi dụng “xào xáo thông tin”, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ chống phá.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể chủ động nắm tình hình, dự báo kịp thời những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các sự kiện chính trị, vụ việc nhạy cảm để triển khai biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Tăng cường phối hợp, thiết lập kênh thông tin nóng để tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội về đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái và không chính thống. 

Các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin về âm mưu, hoạt động phá hoại tư tưởng, các thông tin sai lệch của các thế lực thù địch, phần tử xấu; cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin liên quan đến các chủ trương, chính sách mới tới các tầng lớp nhân dân, qua đó nhằm phòng ngừa tình trạng thông tin bị suy diễn, bị kẻ địch lợi dụng, xuyên tạc; đồng thời đẩy mạnh hoạt động đấu tranh trực diện, vạch trần hoạt động sai trái, vi phạm pháp luật của các đối tượng chống đối trong và ngoài nước, góp phần định hướng dư luận, tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Tiến hành tuyên truyền đấu tranh một cách động bộ như vậy, những âm mưu đen tối, những luận điệu lạc lõng đang bơi ngược dòng sự thật ấy chắc chắn sẽ bị nhấn chìm. Từ Quang Hóa

 

 

687 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 509
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 509
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87009819