Kinh tế - xã hội 7 tháng gặp nhiều khó khăn do COVID-19  

(ĐCSVN) – Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng do Tổng cục Thống kê vừa công bố nêu nhiều thách thức, khó khăn do những diễn biến phức tạp của dịch COVID trong nước, khu vực và trên thế giới.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản khắc phục khó khăn

 Tàu cá trên biển Quảng Ninh (Ảnh: HNV)

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, chăm sóc lúa hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm, bảo đảm gieo trồng và thu hoạch trong khung thời vụ tốt nhất. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở một số địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng lúa. Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển khá. Ngành thủy sản vẫn gặp khó khăn về xuất khẩu, dịch bệnh trên tôm sú đang diễn biến phức tạp. Đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được 1.932,7 nghìn ha lúa hè thu, bằng 96,3% cùng kỳ 2019. Đến giữa tháng 7, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 764,9 nghìn ha ngô, bằng 97,1% cùng kỳ năm trước; 85,9 nghìn ha khoai lang, bằng 93,8%; 144,2 nghìn ha lạc, bằng 97,7%; 28,6 nghìn ha đậu tương, bằng 90,5%; 849 nghìn ha rau, đậu, bằng 101,9%.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng 7 nhìn chung ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển khá do có thị trường tiêu thụ. Chăn nuôi lợn đang dần được khôi phục sau dịch tả lợn châu Phi nhưng công tác tái đàn còn chậm do giá con giống vẫn ở mức cao, các hộ chăn nuôi không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn sau thời gian dài bị thiệt hại vì dịch bệnh, việc tái đàn chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi lớn. Ước tính trong tháng 7, tổng số trâu của cả nước giảm 2% so với cùng thời điểm năm 2019; tổng số bò tăng 3%; tổng số lợn giảm 3%; tổng số gia cầm tăng 5,5%.

Trong tháng 7, thời tiết liên tục nắng nóng đã ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp. Các tỉnh phía Bắc và miền Trung tập trung vào hoạt động bảo vệ và phòng chống cháy rừng; các tỉnh phía Nam tiến hành chăm sóc diện tích rừng đã trồng và chuẩn bị cho trồng rừng cuối năm. Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 7/2020 ước tính đạt 12,7 nghìn ha, giảm 14% so với cùng kỳ 2019. Khai thác gỗ của các địa phương diễn ra cầm chừng do nhu cầu thu mua gỗ nguyên liệu của các nhà máy chế biến gỗ giảm. Ngành gỗ và chế biến gỗ của Việt Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm giảm các đơn hàng từ thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, các công ty chế biến, xuất khẩu gỗ dán còn bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện chống phá giá từ hai thị trường tiêu thụ lớn là Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Tính chung 7 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 119 nghìn ha, giảm 1,5% so với cùng kỳ 2019.

Công tác phòng và chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với gió Tây Nam khiến nhiệt độ ở khu vực miền Bắc, miền Trung tăng cao, dẫn đến cháy rừng ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Tính chung 7 tháng năm 2020, cả nước có 1.647,2 ha rừng bị thiệt hại, giảm 5,6% cùng kỳ 2019.

Sản lượng thủy sản cả nước tháng 7/2020 ước tính đạt 783,3 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ 2019. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 438,4 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ 2019. Thời tiết ngư trường tương đối thuận lợi nên ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển. Sản lượng thủy sản khai thác biển tháng 7 ước tính đạt 328,4 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 7 tháng năm 2020, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.647,3 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2019.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn

 Du lịch sẽ còn gặp khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 (Ảnh: HNV)

Báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 chỉ tăng 3,6% so với tháng 6/2020 và tăng 1,1% so với cùng kỳ 2019, không đạt được mức tăng như tháng 6/2020. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2020 ước tính tăng 3,6% so với tháng 6 và tăng 1,1% so với cùng kỳ 2019. Tính chung 7 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,6% so với cùng kỳ 2019, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn, bất ổn do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 7 tháng tăng khá so với cùng kỳ 2019.

Đáng chú ý là, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2020 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng 6/2020 và giảm 1,8% so với cùng thời điểm 2019. Tại thời điểm trên, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,4% so với cùng thời điểm 2019; ngành chế biến, chế tạo giảm 1,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 1,1%.

Số doanh nghiệp thành lập mới giảm nhưng lượng vốn đăng ký tăng cao

Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 3,8% so với tháng 6 nhưng lượng vốn đăng ký vào thị trường tăng cao 72%. Tính chung 7 tháng năm 2020, cả nước có 75,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 5,1% so với cùng kỳ 2019, tuy nhiên, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 17,6%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 12,2% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 3,5%. Điều đó cho thấy những tín hiệu tích cực của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và kế hoạch phục hồi nền kinh tế nước ta sau dịch bệnh COVID-19.

Tính chung 7 tháng, cả nước có 75,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 936,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598,6 nghìn lao động, giảm 5,1% về số doanh nghiệp, giảm 6,3% về vốn đăng ký và giảm 19,5% về số lao động so với cùng kỳ 2019.

Đầu tư công được tập trung đẩy nhanh, vẫn thu hút được đầu tư nước ngoài

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 và 7 tháng năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 18,8 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ 2019.  

Trong 7 tháng năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 4,3 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng số vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 4 tỷ USD, chiếm 42,3%; các ngành còn lại đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 12%.

Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất; tiếp đến là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Đặc khu hành chính Hồng Kông (TQ), Nhật Bản, Quần đảo Virgin thuộc Anh.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng có 80 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 206,3 triệu USD; có 17 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 46,6 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 7 tháng đạt 252,9 triệu USD, bằng 91,2% cùng kỳ 2019. Trong 7 tháng có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Đức là nước dẫn đầu, tiếp theo là Mi-an-ma, Hoa Kỳ, Xin-ga-po.

Dịch COVID-19 lan nhanh trên thế giới ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu

Dịch COVID-19 ngày càng lan nhanh trên thế giới, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 ước tính đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ 2019, trong đó xuất khẩu đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; nhập khẩu đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9%. Khu vực kinh tế trong nước là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 7 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đạt 50,76 tỷ USD, tăng cao 13,5%; nhập khẩu đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng, tiếp đến là Trung Quốc, thị trường EU, thị trường ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc…

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 7 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, sau đó là Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…

Cũng theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 6/2020 xuất siêu 1,9 tỷ USD; 6 tháng xuất siêu 5,5 tỷ USD; tháng 7 ước tính xuất siêu 1 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 17,6 tỷ USD./.

 
Lê Anh
309 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 538
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 538
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87221671