Kinh tế Việt Nam đang bước vào quỹ đạo phát triển mới 

(Chinhphu.vn) – Có tới 46% khách mời tại hội thảo “Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh” tin rằng GDP của Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng từ 6,5-7% trong năm nay. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản, Chính phủ cũng đã đánh giá đầy đủ về những thách thức lớn...

Đây là những ghi nhận từ hội thảo “Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh” do Thời báo Kinh tế Việt Nam và VCCI tổ chức ngày 20/3 tại TPHCM.

Theo kết quả thăm dò tại hội thảo, có tới 46% khách mời tin rằng GDP của Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng từ 6,5-7% trong năm nay; 27% tin vào mức tăng trưởng trên 7%; 18% cho rằng nền kinh tế sẽ tăng từ 6-6,5%. Trong khi đó, chỉ 9% tin vào mức tăng trưởng dưới 6%.

Kết quả thăm dò về dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam tại hội thảo.

Cơ hội và niềm tin

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, khái quát từ phát biểu của các diễn giả, những cụm từ cho năm 2018 sẽ là: Niềm tin, động lực, hy vọng và chuyển hướng, cơ hội và bứt phá. Nhưng niềm tin, cơ hội lớn hơn, vậy làm sao để tận dụng được trong năm 2018, ông Lộc đặt vấn đề.

Theo TS Trần Du Lịch, năm 2018 là “năm hy vọng chuyển hướng” và ông “tin nền kinh tế đang chuyển hướng”.

“Hiện nay, điều mà chúng tôi (các chuyên gia) trăn trở nhất là hiện Việt Nam có hơn 700.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, nhưng tôi phải nói một câu rằng: khối doanh nghiệp tư nhân này "chậm lớn"”, ông Lịch đặt vấn đề.

Vị chuyên gia đề nghị về chính sách, Chính phủ cần tập trung môi trường pháp lý an toàn, minh bạch, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Về giảm lãi suất, thực tế nền kinh tế Việt Nam kinh doanh trên vay nợ.

“Muốn giảm lãi suất ngân hàng phát triển cho vay thì phải tăng tái chiết khấu, tăng cho vay, ngân hàng không để xảy ra lạm phát. Năm 2017, lãi suất đã giảm ở mức độ, năm 2018 nếu không giảm được thì giữ mức như 2017 là tương đối tốt. Doanh nghiệp nên cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp để giảm tỷ lệ vay, tôi hy vọng năm nay có thể giảm lãi suất chút đỉnh”, ông Trần Du Lịch nói.

Sau nhận định của TS Trần Du Lịch, TS. Vũ Viết Ngoạn cho rằng hai biến số lãi suất và tỷ giá là khó nhất với 2018.

Về lãi suất, ông Ngoạn nhấn mạnh đến sức ép lạm phát, dự báo lạm phát 2018 có sức ép hiều hơn 2017 nhưng vẫn kiểm soát tốt. Năm nay điều kiện giảm lãi suất so với 2017 khó khăn hơn, ngoài yếu tố sức ép lạm phát còn có lãi suất USD có xu hướng tăng hơn mà chính sách tiền tệ của Việt Nam là đa mục tiêu, phải quan tâm rất nhiều cho ổn định tỷ giá, giữ chênh lệch ở mức độ hợp lý để thu hút dân gửi tiết kiệm VND.

Yếu tố tiếp theo được ông Ngoạn nhắc đến là hệ thống ngân hàng còn nhiều khó khăn nên vẫn cần giữ chênh lệch đầu vào - đầu ra hợp lý để có mức lợi nhuận hợp lý, có dự phòng trang trải nợ xấu.

Về tỷ giá, ông Ngoạn cho rằng cần lưu ý yếu tố đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán, nếu thị trường này có biến động sẽ gây sức ép lớn cho thị trường ngoại hối. Tăng dự trữ ngoại hối vấn là yêu cầu đặt ra để tăng khả năng chống đỡ, ông Ngoạn nói.

Chính phủ đánh giá đầy đủ những thách thức

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, những thuận lợi mà Việt Nam có được thể hiện trong những cơ hội hết sức cơ bản, đó là cơ hội về đổi mới chính sách, cơ hội về thị trường và cơ hội về nguồn nhân lực.

Việt Nam đang hội tụ nhiều lợi thế và cơ hội cho một tương lai phát triển ổn định và thịnh vượng. Chính phủ Việt Nam luôn đặt trọng tâm vào các quyết sách nhằm "kiến tạo" những cơ hội bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, đồng thời đặt nhiệm vụ của một Chính phủ "phục vụ", luôn hành động vì lợi ích chung người dân và cộng đồng.

Chính phủ Việt Nam cũng đánh giá đầy đủ những thách thức lớn trước mắt, đó là: sự tham gia sâu rộng vào thị trường thế giới thông qua các hiệp định thương mại đòi hỏi Việt Nam phải có lộ trình cải cách toàn diện, quyết liệt, phải kịp thời nâng cao trình độ, năng suất lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2017 nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc Hoa kỳ và các quốc gia, đối tác lớn thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, gia tăng bảo hộ và giảm thuế để thu hút đầu tư về nước sẽ tạo những tác động tiêu cực đến nguồn vốn đầu tư.

Cùng với đó, rủi ro lạm phát tăng cao trước những biến động giá năng lượng, hàng hóa cơ bản trên thế giới. Nhu cầu chi đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn trong khi hiệu quả đầu tư chưa được giám sát, bảo đảm.

Tính ổn định, bền vững và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực, của cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động phức tạp, khó lường, cạnh tranh ngày càng gay gắt dưới tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để hạn chế tác động của những thách thức này, Chính phủ Việt Nam luôn đặt mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành là: "kiên quyết, kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không tăng trưởng bằng mọi giá". 

Theo khảo sát về phương châm hành động 10 chữ của Chính phủ là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, 54% khách mời tại hội thảo cho rằng "liêm chính" sẽ là thách thức lớn nhất trong năm 2018.

TS. Võ Trí Thành nêu lại một kết quả bình chọn tương tự trong một diễn đàn kinh tế được tổ chức cách đây 6 tháng với sự tham dự của gần 1.000 doanh nghiệp. Khi đó, hai từ "hành động" đã được đa số lựa chọn là điều họ cần nhất.

Trong khi đó, chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng kết quả này hoàn toàn không bất ngờ. “Ngay từ khi Chính phủ đưa ra hành động này tôi cũng cho là liêm chính là khó nhất vì với chế độ đãi ngộ hiện nay yêu cầu công chức hoàn toàn liêm chính là khó”, TS Trần Du Lịch nói và cho rằng, kết quả này chứng tỏ rằng việc cải cách phải được tiến hành một cách đồng bộ. 

Thanh Hằng

491 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1249
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1249
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87154226