Kinh tế Việt Nam 2021 – Những ấn tượng dưới góc nhìn chuyên gia 

(Chinhphu.vn) – Năm 2021, nếu tiếp cận vấn đề trên tinh thần quyết tâm xây dựng một bộ máy Chính phủ có hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp thì Chính phủ Việt Nam xứng đáng nhận được lời chúc mừng về những nỗ lực cải cách đang diễn ra với những thành tựu đã đạt được.

 

Ông Tô Hoài Nam: "Chính phủ xứng đáng nhận được lời chúc mừng về những nỗ lực cải cách trong cách thức hoạt động"
 

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về những nỗ lực của Chính phủ để khôi phục, phát triển kinh tế trong đại dịch COVID-19 thời gian qua, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, nếu quan sát kỹ Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua (năm 2021) sẽ không khó để thấy được những thay đổi quan trọng về cách thức hoạt động và hiệu quả trong chỉ đạo điều hành.

Năm 2020 trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới tăng trưởng âm do tác động bất lợi của đại dịch toàn cầu COVID-19, Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng GDP 2,91%.

Nhận định bối cảnh năm 2021 so với năm 2020 khó khăn rất nhiều, đặc biệt, đợt bùng phát dịch lần thứ tư tác động cực kỳ bất lợi, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nên theo ông Nam, quan điểm chỉ đạo điều hành tiếp tục kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh, trong đó, mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới” là thách thức lớn nhất đối với Chính phủ nhiệm kỳ này.

Đánh giá về những nỗ lực của Chính phủ trong năm 2021, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ: Nếu tiếp cận vấn đề trên tinh thần quyết tâm xây dựng một bộ máy Chính phủ có hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp thì Chính phủ Việt Nam xứng đáng nhận được lời chúc mừng về những nỗ lực cải cách đang diễn ra với những thành tựu đã đạt được. Trong đó, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia rất ấn tượng với một số lĩnh vực:

Thứ nhất, hệ thống thông tin, trên nền tảng công nghệ thông tin tiên tiến, được hoàn thiện rất cơ bản và áp dụng vận hành trên hệ thống của Chính phủ đến các địa phương đã thực sự nâng cao khả năng kiểm soát và quản lý điều hành đất nước. Các hoạt động cải cách thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công qua công nghệ thông tin; các phiên họp chỉ đạo điều hành trực tuyến, công tác chỉ đạo hiều hành, kiểm tra, đôn đốc, động viên trong phòng chống dịch… thực sự rất ấn tượng, nhất là sự thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại.

Thứ hai, về ngoại giao vacine, cùng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và quyết liệt vận động nhiều quốc gia trên thế giới để có được vacine tiêm chủng miễn phí cho nhân dân. Với sự huy động tổng lực hàng chục nghìn cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, hàng trăm nghìn cán bộ y tế từ Trung ương đến địa phương, quân đội, công an và khu vực tư nhân, tất cả đã tạo nên một chiến dịch tiêm chủng thành công, có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam.

Thứ ba, trong một thời gian tương đối ngắn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức rút gọn để kịp thời phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực phòng chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội; phục hồi sản xuất kinh doanh để tiếp tục phát triển kinh tế.

Trong đó, có nhiều văn bản có tính đột phá, rất cần thiết trong tình trạng khẩn cấp do diễn biến phức tạp của đại dịch đã góp phần tạo nên hành lang pháp lý quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Ba thành công ấn tượng nêu trên, hợp lực cùng những thành công trên nhiều phương diện khác của Chính phủ là kết quả của quyết tâm hành động theo định hướng Chính phủ phục vụ, vì vậy đã mang đến nhiều hỗ trợ cần thiết và ý nghĩa cho những người yếu thế, những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, giữ vững được an sinh xã hội, sự bình yên cho đất nước. Điều này đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.

Bức tranh kinh tế xuất hiện nhiều hơn những gam màu sáng

 

Ông Vũ Nhữ Thăng: "Việt Nam sẽ có thể nắm bắt được những cơ hội phục hồi và tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế ngôi sao đang lên trên trường quốc tế"

 

Theo ý kiến của ông Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 nhưng là một năm có rất nhiều khó khăn, thách thức trong công tác điều hành của Chính phủ, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ mới được thành lập, cũng là lúc đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát với mức độ nghiêm trọng và khó dự đoán hơn rất nhiều so với trước, với sự xuất hiện của biến thể Delta.

Tuy vậy, ông Thăng đánh giá,"Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, nỗ lực điều hành, bám sát tình hình thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lắng nghe các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, người dân để từng bước bổ sung, hoàn thiện các biện pháp phòng chống dịch, giúp người dân vượt qua các đợt bùng phát dịch bệnh, từng bước ổn định đời sống, xã hội và phục hồi kinh tế".

Trong năm 2021, về kết quả nổi bật từ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, ông Thăng cho rằng, trước tiên phải kể đến việc triển khai thành công, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine, từ chỗ chỉ có dưới 0,5% dân số được tiêm chủng vào cuối tháng 4/2021, đến nay đã có khoảng hơn 80% dân số được tiêm (khoảng 100% dân số trên 18 tuổi), là một trong 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm ngày và tuần.

Tiếp đó, sau các đợt phong tỏa, giãn cách xã hội diện rộng kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Chính phủ đã kịp thời chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp tình hình mới, từ Zero COVID sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Thêm một kết quả nổi bật của năm 2021 phải nhắc đến, theo ông Thăng, là việc Chính phủ ban hành kịp thời các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thể hiện qua những văn bản như Nghị quyết 68/NQ-CP; Nghị quyết 105/NQ-CP; Nghị định 92/2021/NĐ-CP; Nghị quyết 116/NQ-CP;…

Các chính sách được triển khai theo hướng khẩn trương, quyết liệt hơn, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai trước đó, nâng cao hiệu quả tiếp cận và lan tỏa của các gói hỗ trợ, đồng thời trong quá trình thực hiện Chính phủ cũng chủ động lắng nghe, tiếp thu sửa đổi, bổ sung các chính sách này để các gói hỗ trợ có thể đi vào cuộc sống, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận.

 

Đặc biệt, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 với nhiều giải pháp đột phá về tư duy, thể chế.

 

Với những nỗ lực đó, nền kinh tế đang từng bước được phục hồi, ổn định vĩ mô được giữ vững, bức tranh kinh tế xuất hiện nhiều hơn những gam màu sáng.

 

"Dù quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 có thể gặp không ít thách thức, nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết nhưng với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự tin tưởng, đồng hành của người dân, tôi tin rằng Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội phục hồi và tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế ngôi sao đang lên trên trường quốc tế", ông Thăng bày tỏ tin tưởng.

Điểm sáng kinh tế cuối năm

 

Ông Nguyễn Anh Tài: "Kinh tế những tháng cuối năm 2021 đã thể hiện được rõ nét nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ"

Là một nhà đầu tư nhiều năm sống và làm việc tại "đầu tàu kinh tế" Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Anh Tài cho biết: "Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Giữa một Thành phố nhộn nhịp bậc nhất châu Á... nơi luôn thừa mọi thứ, người dân dễ dàng lựa chọn mua thứ gì mình ưa thích... lại xuất hiện hình ảnh xếp hàng với tem phiếu cầm tay, 1 tuần đi siêu thị 1 lần. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tê liệt. Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh… ngỡ như không gượng dậy được".

Nhờ sự nhất quán trong nhận thức, điều hành của Chính phủ đã giúp tình hình được kiểm soát. Bao phủ vaccine, sự ra đời của Nghị quyết 128/NQ-CP là những luồng ánh sáng "thần kỳ".

Kinh tế vĩ mô vẫn ổn định sau một quý III "chao đảo". Trong lúc dịch bệnh hoành hành, khủng hoảng Logistics cả thế giới, container thiếu hụt trầm trọng nhưng xuất khẩu nông nghiệp vẫn tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra (theo con số thống kê đến giờ xuất nhập khẩu đã vượt 660 tỷ USD).

Thu nội địa đã vượt dự toán, với điểm sáng là thị trường chứng khoán tăng nhanh số lượng nhà đầu tư, những phiên giao dịch hơn tỷ đô không còn xa lạ đã góp phần đóng thuế tăng so với các năm trước đây. Nguồn thu từ hoạt động ngân hàng, bất động sản cũng tăng. Các ngành sản xuất công nghiệp hầu hết vẫn giữ vững. Các địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng… đều ghi nhận tăng trưởng tốt về công nghiệp.

Ông Tài cũng cho rằng kinh tế những tháng cuối năm 2021 đã thể hiện được rõ nét nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, đó là tin vui từ đầu tư của khu vực nước ngoài FDI.

"Những trang tin tài chính, các hãng thông tấn báo chí trong khu vực và thế giới đưa tin phân tích về việc tập đoàn sản xuất đồ chơi Lego đầu tư một nhà máy tại Bình Dương với số vốn hơn 1 tỷ USD. Điều đáng nói đây là nhà máy thứ 2 tại châu Á và là nhà máy gần như đầu tiên sử dụng năng lượng tái tạo để không gây ô nhiễm môi trường. Và chúng ta biết nhà máy được hoàn thành nhanh các thủ tục là nhờ nỗ lực rất lớn từ Thủ tướng Chính phủ cũng như sau đó là sự hỗ trợ từ phía Bình Dương. Việc tập đoàn Lego vào đầu tư lúc này khi diễn biến dịch còn phức tạp như thêm luồng gió mát lành giúp cộng hưởng sự tự tin cho các nhà đầu tư nước ngoài khác đến với nước ta", ông Tài chia sẻ.

Ông Tài cũng kỳ vọng các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ được Quốc hội thông qua sớm để mở toang cánh cửa phục hồi kinh tế trong năm 2022 và năm 2023 cũng như hoàn thành mọi mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025.

Thủy An

368 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 725
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 725
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87235113